'Mệnh lệnh trái tim' thôi thúc thầy thuốc tận tâm cống hiến

Năm 2021 đã khép lại với nhiều dấu ấn của ngành y tế, đó là chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 - chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử này đã thu về những con số vượt mức đề ra, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường mới. Cùng đó, "mệnh lệnh trái tim" đã đưa vài chục nghìn "chiến sĩ áo trắng" đến các tâm dịch, điểm nóng về dịch COVID-19 như Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... 

Trong cuộc chiến khốc liệt chống dịch ấy, đã có những thời khắc mà theo như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có lần tâm sự, khiến ông nhiều đêm trăn trở không thể ngủ, là khi số ca bệnh tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng nhanh...
 

 Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, cả nước đã chung sức chống dịch, đến nay tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam đã cơ bản kiểm soát trên toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Trần Minh

Tiêm vaccine phòng COVID-19: Vượt mốc kỳ vọng

Đến hết tháng 12/2021, Việt Nam hoàn thành cơ bản mục tiêu tiêm chủng mũi 1 và mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Đồng thời, các địa phương cũng đang tiến hành tiêm mũi vaccine bổ sung, tăng cường để trong quý I/2022, hoàn thành cơ bản mục tiêu tiêm chủng cho dân số trên 18 tuổi bao phủ vaccine mũi 3. Cùng đó, công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đang được đẩy mạnh, với hơn 95% trẻ trong độ tuổi tiêm mũi 1;  86% trẻ tiêm mũi 2.

Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất. Mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 40% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine COVID-19 đến cuối năm 2021 và 70% dân số của các quốc gia được tiêm đủ liều vaccine đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, nhìn con số tiêm chủng của Việt Nam đạt được về độ bao phủ đủ liều cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng vào cuối năm 2021, có thể khẳng định: Việt Nam đã vượt xa mục tiêu của WHO đề ra và đây cũng là thắng lợi của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta, tiêm vaccine phòng COVID-19.

Còn nhớ, mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam vào thời điểm 8h sáng ngày 8/3/2021, lúc ấy cán bộ y tế tại TP. Hải Dương đã tiêm cho đồng nghiệp của mình - cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương; tiếp đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, những mũi vaccine khác cũng đã được tiêm cho lực lượng tuyến đầu.

Điều đáng nói, tại thời điểm đó, nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu còn rất hạn chế. Để có thể có vaccine sớm nhất, tiêm diện rộng cho người dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã rất tích cực thúc đẩy đàm phán, trao đổi để có thể nhập khẩu vaccine từ các nguồn khác nhau, cùng việc khẩn trương đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất vaccine trong nước.

Đến ngày 10/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, huy động tổng lực cùng tham gia với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng y tế khác trong cả nước từ trung ương đến địa phương, gồm cả lực lượng dân y, quân y, công lập, tư nhân.
Bộ Y tế cùng các Bộ quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm "tiêm đến đâu an toàn đến đó", "không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào" và "không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19 của Việt Nam"
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan cùng toàn thể nhân dân Việt Nam với nỗ lực khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới, và thực tế, chúng ta đã và đang vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế theo tinh thần "thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng chống dịch hiệu quả".

Sau khi phát động, tất cả các địa phương nhanh chóng triển khai với sự hưởng ứng của người dân, tốc độ tiêm tăng nhanh chóng. Cùng với việc Việt Nam liên tục tiếp nhận các lô vaccine từ các nguồn mua sắm, nguồn hỗ trợ của các nước, cơ chế COVAX, đến cuối năm 2021, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng hơn 192 triệu liều vaccine phòng COVID-19... Việc phân bổ vaccine và triển khai tiêm chủng linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn dịch và diễn biến dịch của từng địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nhiều lần nhấn mạnh, mỗi lô vaccine về đến nơi đều đã được nhanh chóng cung ứng để triển khai tiêm chủng cho người dân theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, hướng đến mục tiêu mở rộng độ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long (đứng giữa) kiểm tra công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Hà Nội. Ảnh: Trần Minh

"Mệnh lệnh trái tim" thôi thúc người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh

ThS.BS. Phạm Thế Thạch - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai - một trong những "chiến sĩ áo trắng" được coi là có "thâm niên" trong chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. Anh có mặt tại các bệnh viện dã chiến Trung tâm Hồi sức tích cực trong các đợt cao điểm bùng phát dịch bệnh, từ Đà Nẵng, đến Hải Dương, Bắc Giang, rồi Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM. Hay "bác sĩ 91" - Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng vậy, trận chiến COVID-19 nào "căng" nhất, anh đều có mặt, từ Đà Nẵng, đến Hải Dương, Bắc Giang, rồi Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM và giờ là "rong ruổi" các điểm nóng ở miền Tây như Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, các tỉnh Nam Trung Bộ... 

Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW - BSCKII. Nguyễn Trung Cấp cũng vậy, đã có những lần đi chống dịch "xuyên" các tỉnh miền Tây lên TP.HCM, nhiều tháng không về nhà, rồi nằm vùng tại Hải Dương, xuống Bắc Ninh, vào Đà Nẵng... Ba gương mặt mà chúng tôi đã điểm danh ở đây cùng với hàng chục nghìn "chiến sĩ áo trắng" khác trong năm 2021 đã vào các tâm dịch để cống hiến sức khoẻ, trí lực cho cuộc chiến đẩy lùi đại dịch. Họ lên đường vì "mệnh lệnh trái tim" thôi thúc...

Còn nhớ trong lần đầu tiên tiễn quân vào Bình Dương và TP.HCM tháng 8/2021, PGS.TS. Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW đã không giấu được nước mắt, ông chia sẻ: "Tôi khóc không vì lo lắng cho quân vào tâm dịch mà vì xúc động trước tinh thần tự nguyện cống hiến, tự nguyện xung phong của các y bác sĩ... Họ đều quyết tâm "thắng COVID mới trở về".

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã từng chia sẻ, huy động lực lượng là một trong những bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Y tế, trong thời gian hơn 5 tháng chống dịch của đợt dịch thứ tư, 25.000 lượt giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế từ nhiều bệnh viện/viện tuyến Trung ương, nhiều địa phương với tinh thần tình nguyện xung phong, sẵn sàng lên đường ngay để hỗ trợ cho TP.HCM và các địa phương phía Nam chống dịch.

Tinh thần ấy được thể hiện với những câu chuyện có thật chứa đựng sự hy sinh lớn lao; có những gia đình hai vợ chồng xung phong vào tâm dịch. Nhiều cặp đôi đã chọn tâm dịch làm đích đến. Các nữ thầy thuốc thu xếp việc gia đình, nhờ bố mẹ chăm sóc con nhỏ để tới những miền đất xa chăm sóc bệnh nhân.

Thực tế của cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta cho thấy, các thầy thuốc ở tâm dịch đã vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến...

Có những y bác sĩ đã về hưu vẫn tình nguyện tham gia chống dịch.  Có những y, bác sĩ chưa kịp lên đường nghe tin người thân đau yếu, nhưng sau khi chăm sóc cho người thân ổn định đã đề nghị được thực hiện nhiệm vụ. Có những người phải trải qua nỗi đau mất người thân mà không thể về chịu tang...

"Cả lý trí và tình cảm của họ đều thôi thúc rằng người thầy thuốc phải luôn có mặt tại điểm nóng dịch bệnh. Đó không chỉ là nghĩa vụ với nghề, mà còn là trách nhiệm công dân khi Tổ quốc cần, là nghĩa đồng bào cao cả" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Có lẽ vì thế mà "thuyền trưởng" của ngành y tế đã từng bày tỏ: Chúng tôi tự hào vì lực lượng y tế và các lực lượng tuyến đầu rất quả cảm. Mặc dù biết nơi đến đầy rủi ro, thử thách và có thể có những nguy hiểm đến với bản thân nhưng nhiều người vẫn tình nguyện lên đường.

"Có những chuyến bay vào miền Nam công tác của tôi cùng các lực lượng y tế đi chống dịch, chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều và đã được nghe những câu chuyện cảm động... Cán bộ, y bác sĩ đi chống dịch đã thể hiện được bản lĩnh, ý chí quyết tâm, năng lực chuyên môn; mặc dù trong khi chống dịch tại tâm dịch, nhiều nhân viên y tế bị sang chấn tâm lý không hề nhỏ, nhất là khi không cứu được ca bệnh, cho dù đã hết sức cố gắng... Nhưng chúng ta đã vượt qua được bởi họ luôn coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Đợt dịch lần thứ tư đang qua đi, cả nước trở lại trạng thái bình thường mới, vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Các thầy thuốc chi viện đã trở về nhà với người thân và cuộc sống thường nhật, với công việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhưng cũng đang có hàng trăm thầy thuốc của 16 bệnh viện tuyến Trung ương lại tiếp tục lên đường đồng hành cùng các tỉnh phía Nam chống dịch...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long động viên cán bộ y tế vào miền Nam hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Thái Bình

Thực hiện cho được mục tiêu bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ dịch COVID-19. Nếu như đến cuối năm 2020 cả nước chỉ có 1.456 ca mắc COVID-19 thì cuối năm 2021, con số này đã lên tới hơn 1,6 triệu trường hợp. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đứng trước những thách thức vô cùng lớn, nhiều biện pháp ngăn chặn, kiểm soát dịch quyết liệt "chưa từng có tiền lệ" được triển khai nhằm nhanh chóng đưa cuộc sống dần trở lại bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định trong thời gian tới, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. Ngành Y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình p

Cùng đó, trong năm 2022 ngành y tế tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế… Đồng thời ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chủ trọng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Xác định chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, ngành y tế đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, ngành tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý Nhà nước trong các hoạt động của ngành… Đẩy mạnh, triển khai mạnh mẽ hơn các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phòng chống bệnh không lây nhiễm, cũng như các chương trình nâng cao sức khỏe của bà mẹ, trẻ em để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững…                                        

Khi những cánh đào thắm đỏ xuống phố, mưa xuân lất phất bay, cũng là lúc đất trời giao hòa chuyển sang mùa xuân mới. Giao thừa năm Nhâm Dần đang gõ cửa, hệ thống điều trị trên toàn tuyến, các "chiến sĩ" y tế dự phòng lại tiếp tục miệt mài chống dịch trong mưa xuân lất phất, trong sắc thắm đỏ của đào, sắc vàng rực rỡ của mai... Mùa xuân - mùa của hy vọng và với sự nỗ lực, đồng lòng, tận tâm, tận lực, tận hiến của ngành y tế, chắc chắn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở nước ta, trong đó có cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục đạt những thành tựu mới.       

Thanh Long, cuộc chiến phòng COVID-19 của nước ta vẫn còn ở phía trước, mỗi ngày vẫn có hơn 200 ca tử vong do dịch bệnh. Nếu để biến chủng Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.

Theo Thái Bình/suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21544 Tổng lượt truy cập 94768632