Mang những điều tốt đẹp đến với trẻ em

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành trên địa bàn Quảng Ninh triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn được dành những điều kiện tốt nhất để phát triển một cách toàn diện về sức khỏe, nhân cách, trí tuệ…

Các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 8/3/2021 thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 của UBND tỉnh để thực hiện mục tiêu chung là bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, trẻ em được an toàn, khỏe mạnh, được học tập và phát huy tối đa tiềm năng của trẻ... Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Hội LHPN xã Thanh Lân (huyện Cô Tô) trao tặng quà cho em Trần Tuấn Hoàng (thôn 3, xã Thanh Lân) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Hoài Minh

Năm 2023, các sở, ngành chức năng và các địa phương đã tổ chức 59 lớp tập huấn cho hơn 1.500 người về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 129 buổi tuyên truyền về Luật Trẻ em và một số luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em; phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; phòng chống đuối nước; vai trò của gia đình trong giáo dục con trẻ... cho hơn 12.234 lượt người nuôi dưỡng trẻ em, học sinh và quần chúng nhân dân; phát thanh hơn 8.000 lượt trên hệ thống loa truyền thanh khu dân cư; đăng tải 667 lượt tin, bài trên báo, đài và cổng thông tin điện tử; phát hành trên 10.000 tài liệu truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 100% trường THCS tổ chức diễn đàn trẻ em về phòng chống xâm hại trẻ em.

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng dành nguồn kinh phí 27,94 tỷ đồng để thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2023; trong đó kinh phí tỉnh bố trí thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2021-2023 là 6,26 tỷ đồng (năm 2023 là 1,13 tỷ đồng); cấp bổ sung có mục tiêu vì trẻ em cho các huyện, thị xã, thành phố 12 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, các địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, từ ngày 15/12/2022 đến 10/11/2023, toàn tỉnh phát hiện 35 vụ, 59 đối tượng, xâm hại 37 trẻ em; trong đó 27 vụ với 31 đối tượng xâm hại tình dục 27 trẻ em. Để tạo sức răn đe trong xã hội, các vụ án xâm hại trẻ em trên địa bàn đều được điều tra, xử lý kịp thời. Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xử lý hình sự 34 vụ xâm hại trẻ em với 54 bị can; đang điều tra 2 vụ. Hiện tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 57,6%.

Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Cùng với phòng chống xâm hại trẻ em, việc can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại cũng được đẩy mạnh. Giai đoạn 2021-2023, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) đã tiếp nhận và tư vấn 718 ca gọi liên quan đến trẻ em. Vấn đề của trẻ chủ yếu liên quan đến tâm lý học sinh, tự kỷ, rối nhiễu tâm trí. Trung tâm còn bố trí tạm lánh đối với 5 trẻ đi cùng mẹ bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình; tư vấn, can thiệp hỗ trợ khẩn cấp tại cộng đồng đối với 18 trường hợp trẻ em liên quan đến vấn đề bị bạo lực, xâm hại.

Năm 2023, Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng 98 trẻ; trong đó có 2 trẻ bị mua bán, 13 trẻ khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 5 trẻ nhiễm HIV; 5 trẻ bị bỏ rơi; 73 trẻ mồ côi không nơi nương tựa, có bố mẹ vi phạm pháp luật. Trong năm 2023, cơ sở đã tiếp nhận, hỗ trợ khẩn cấp 5 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trong đó có 2 trẻ đã được làm thủ tục bảo trợ dài hạn tại cơ sở.

Cùng với đó, các ngành, địa phương còn đẩy mạnh hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em... Hiện tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng về cân nặng trên địa bàn tỉnh chỉ còn dưới 10,5%, suy dinh dưỡng về chiều cao còn dưới 20%. Tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đều được chăm sóc, nuôi dưỡng. Tất cả trẻ em sinh ra trên địa bàn đều được làm giấy khai sinh kịp thời.

Để đảm bảo quyền được học tập, vui chơi của trẻ, những năm qua, Quảng Ninh đã đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, các điểm vui chơi... Đến thời điểm này, 40% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có điểm văn hóa vui chơi dành cho trẻ em; 102/177 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,9%; tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học đạt 98,32%... Tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em. Toàn tỉnh hiện có 2.257 trẻ em khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Việc đa dạng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn đã mang lại những điều ấm áp nhất cho trẻ em; giúp các em ngày càng phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trở thành những chủ nhân tương lai đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của tỉnh.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21603 Tổng lượt truy cập 94768721