MAI VÀNG YÊN TỬ

* Tản văn của Trần Trương

Mỗi độ xuân sang, hoa mai lại nở thắm núi rừng Yên Tử. Từng vạt mai như  đám mây vàng vương trên núi, như áo cà sa của các sơn tăng giăng lên thảm cây rừng.

Mai ở lòng thung. Mai bám vào vách núi. Mai nở bên thác Vàng, thác Bạc. Mai rắc vàng lên bậc thềm chùa. Sắc mai vàng bên khóm lá trúc xanh. Mai e ấp dưới bóng tùng cổ thụ. Có cây thân dáng thẳng, cành xòe ra như chiếc lọng vàng. Có cây rủ xuống như thác đổ, cành buông suối tóc điểm đầy hoa.

Khi vừng đông hắt tia nắng đầu tiên xuống núi rừng Yên Tử, muôn hạt sương đêm đính trên những vạt mai phát ra thứ ánh sáng óng ánh trong như ngọc. Gió từ biển thổi về đánh thức nụ mai bừng tỉnh giấc, nở xòe hoa năm cánh điểm nhụy vàng. Hương hoa thoang thoảng thơm dìu dịu.

Hoa mai rừng Yên Tử lâu tàn. Từ lúc nở ra cho đến lúc lìa cành, cánh hoa vẫn tươi rói màu vàng, không bị đổi màu hay héo úa. Cánh hoa theo gió trải khắp vùng. Có cánh hoa theo suối đổ về xuôi, trôi mãi tới phương trời vô định.

Khi những hạt mưa phùn cuối xuân vừa ngớt, gió nồm nam hây hẩy thổi về, trận mưa rào đầu hạ cuốn sạch những cánh mai vương trên đường hành hương trên núi, những lá mai xanh nõn ngả sang màu xanh sậm, hòa vào màu xanh thẫm của rừng. Khi làn gió heo may báo hiệu mùa thu qua và sương giá đưa mùa đông đến, từng lá mai se sắt rời cành. Mai trơ trọi cành khẳng khiu bệch bạc. Chỉ chờ xuân sang, nhựa sống trong mai lại căng tràn, những búp lộc, nụ non mới được dịp trổ ra.

“Mai vàng miền Nam, đào hồng miền Bắc”, ta thường nghĩ vậy về hoa xuân. Trong tâm tưởng nhiều người, mai được khởi nguồn từ miền Nam, nơi ấm quanh năm, mưa nhuần gió thuận. Ít ai nghĩ ở núi rừng Yên Tử thuộc vùng Đông-Bắc Việt Nam này, vào mùa đông, gió bấc tràn về tượng đá cũng rét run, thế mà mai lại mọc thành rừng, nhiều cây đã trở thành cổ thụ, tuổi đời có dễ mấy trăm năm và được tôn danh là “Đại Lão Mai Vàng”. Ta tự hỏi: Mai vốn có ở đây hay hơn bảy trăm năm trước, đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã cùng các đệ tử của mình trồng mai, cũng như trồng tùng trên non thiêng Yên Tử?

Tọa lạc ở Tổ sơn Yên Tử, mai vàng như được thụ khí thiêng Cõi Phật. Những cành mai cắm lọ độc bình đựng nước trên ban thờ Phật, thờ Tam Tổ Trúc Lâm trong các ngôi chùa ở Yên Tử, sau khi hoa rụng, vẫn giữ được vẻ tươi xanh mãi.

Nhìn bầy chim ngũ sắc ríu rít đậu cành mai, ta nhớ tới bức tranh “mai  điểu” trong bộ tranh tứ quý treo nơi trang trọng trên tường nhà. Với những vạt trúc, tùng, mai, cúc, Yên Tử trở thành bảo tàng sống, lưu giữ muôn vàn tranh tứ quý, chờ đón du khách muôn phương về thưởng ngoạn. Luận về “tứ quý” của các loài thảo mộc, nhiều người cho là “mai, trúc, cúc, tùng”, bốn loài biểu trưng cho bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Có người cho là “mai, lan, cúc, trúc”; lại có người: “mai, cúc, trúc, trà”,  “mai, cúc, trúc, sen” hay “mai, sen, cúc, hồng”… Dù có sự khác biệt về loài thảo mộc được coi là “tứ quý”, riêng loài mai vẫn có mặt ở đó. Mai Vàng biểu tượng của Mùa Xuân.

Hình tượng “mai hóa rồng” thường được chạm khắc trên những bức đại tự, cửa võng, hương án… trong các công trình chùa, tự viện, đền, đình... Sắc mai vàng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Người Phật tử coi màu vàng là sắc kim thân Phật. Cõi Phật là cõi hoàng kim. Đạo Phật được coi là Đạo Vàng và Ánh Đạo Vàng là kim quang đức Phật. Người đời coi sắc mai biểu thị sự giàu sang phú quý, may mắn và hy vọng. Cây mai biểu trưng cốt cách thanh cao của bậc hiền nhân theo quan niệm người xưa[1]. Khí tiết cây mai khinh nhờn sương tuyết đã từng khiến danh nhân Cao Bá Quát (18091855) - một đại trượng phu bất khuất trước cường quyền - vẫn phải cúi đầu nể phục sùng bái khi ông viết:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,

 Nhất sinh đê thủ bái mai hoa.

(Mười năm bàn đạo giao du, khó như tìm cổ kiếm,

Một đời ta chỉ cúi đầu sùng bái hoa mai).

Sinh thời, đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông rất yêu hoa. Trong các loài hoa ở Yên Tử, hoa mai được Ngài yêu quý nhất. Trong 37 bài thơ, phú chữ Hán, chữ Nôm còn lại đến ngày nay, Thi sỹ - Phật Hoàng Trần Nhân Tông không dưới 20 lần nhắc đến “hoa”, ví như (phiên âm và dịch thơ): “Hoa kính bán tình âm” (Nắng rợp, ngõ hoa lồng)[2], “Hoa thảo giảm xuân dung” (Hoa cỏ giảm màu xuân)[3], “Hoa ảnh, chi đầu tận hướng đông” (Bóng hoa đầu ngọn ngóng đông hoài)[4], “Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ” (Trên cành hoa quế nguyệt lồng gương)[5], “Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường” (Giấc mộng xuân dài dưới bóng hoa)[6], “Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch” (Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng)[7], “Tự khai, tự lạ tùy thời tiết / Vấn trước đông quân tổng bất tri” (Hoa tàn, hoa nở theo thời tiết / Dẫu hỏi, Đông Quân chẳng biết gì)[8], “Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông”, “Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng quên, hương hoa cúng xem còn nên thảo[9] và “hoa” trong nhiều câu thơ, câu phú khác. Có bài thơ Ngài nhắc đến hoa mai: “Xuân nhập mai hoa chỉ lưỡng tam” (Xuân đến cành mai mới điểm bông)[10].

Đặc biệt, Ngài viết 3 bài vịnh hoa mai với tiêu đề: Mai, Tảo mai kỳ nhất (Hoa mai sớm kỳ 1) và Tảo mai kỳ nhị (Hoa mai sớm kỳ 2) nghĩa lý cao siêu, thắm tình người.

Ở bài thơ Mai, Ngài ca ngợi cây mai tuy mộc mạc nhưng có khí phách can trường coi thường sương tuyết, khác nào bậc quân vương mang khí tiết anh hùng.  

Ở bài Tảo mai kỳ nhất, thơ Ngài tả đóa hoa mai năm cánh mở ra bao quanh nhụy điểm vàng. Rừng mai hoa nở dưới ánh nắng mặt trời như bóng san hô, như muôn vàn vảy cá khi ẩn khi hiện ở biển khơi. Vào mùa đông, cành mai trắng thường phô ra phía trước. Một thoáng hương thơm vừa tỏa khắp khi mùa xuân mới thoạt về. Hạt sương mai ngọt ngào lưu mùi hương thơm đánh thức con bướm đang say đắm. Cảnh sắc ban đêm sóng sánh như nước khiến loài chim buồn sầu phải khát khao mong ước. Nếu Hằng Nga biết nơi có thứ hoa mai đẹp ấy, ắt nàng sẽ nghĩ rằng đâu chỉ có cung trăng của nàng mới là chỗ tốt lành!

Ở bài thơ Tảo mai kỳ nhị, hoa mai lạc vào giấc mộng của Ngài: “Nhất chi mê nhập cố nhân mộng / Giác hậu bất kham trì tặng quân” (Một cành hoa lạc vào giấc mộng người xưa / Sau khi tỉnh giấc, không thể đem tặng bạn được).

Ngày nay, cành hoa mai lạc vào giấc mộng của Phật Hoàng đã hiển hiện trong đời, đang được nhân lên trên núi rừng Yên Tử. Từ cuối năm 2012, hoa mai được trồng từ khu vực Chùa Lân-Thiền viện Trúc Lâm đến An Kỳ Sinh gần đỉnh núi Yên Tử và nhiều nơi khác thuộc Rừng quốc gia Yên Tử.

Hy vọng vào một ngày không xa, mỗi dịp xuân về, Cõi Thiêng Yên Tử lại tràn ngập sắc mai như Ánh Đạo Vàng Phật giáo Trúc Lâm bừng sáng và lan tỏa. Lễ Hội Mai Vàng sẽ tổ chức ở đây. Những cành mai trong giấc mộng Phật Hoàng lại hiển hiện trong đời, mang đến muôn nhà sắc nắng vàng tươi ấm no, an lành, hạnh phúc và thịnh vượng!

                                                                                        Tháng 3 năm 2016

 

[1] Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du dùng hình tượng “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” để tả Thúy Kiều và Thúy Vân.

[2] Trích bài thơ Đăng Bảo Đài sơn (Lên núi Bảo Đài), bản dịch của Ngô Tất Tổ.

[3] Trích bài thơ Động Thiên hồ thượng (Trên hồ Động Thiên), bản dịch của Trần Lê Văn.

[4] Trích bài thơ Khuê oán (Nỗi oán khuê phòng), bản dịch của Đông A.

[5] Trích bài thơ Nguyệt (Trăng), bản dịch của Đào Phương Bình.

[6] Trích bài thơ Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ (Đêm ngày mười một tháng hai), bản dịch của Trần Lê Văn.

[7] Trích bài thơ Sơn phòng mạn hứng kỳ 2 (Mạn hứng tại sơn phòng kỳ 2), bản dịch của Đỗ Văn Hỷ.

[8] Trích Sư đệ vấn đáp (Thầy trò hỏi đáp), bản dịch của Trần Thị Băng Thanh.

[9] Trích Cư trần lạc đạo phú

[10] Trích bài thơ Họa Kiều Nguyên Lãng vận (Họa vần thơ Kiều Nguyên Lãng), bản dịch của Lê Quý Đôn.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 28814 Tổng lượt truy cập 94726995