Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính

Quảng Ninh đang có sự vươn mình mạnh mẽ, trở thành “ngôi sao cải cách”, được Trung ương và các bộ, ngành đánh giá cao, từng bước khẳng định là một trong những đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Thành quả này là minh chứng cho sự thống nhất, đoàn kết, tư duy đột phá và những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh, hướng tới nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo giá trị thực tế nhất.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đến giải quyết TTHC.

Góc nhìn từ “Bức thư xin lỗi”

Năm 2015, trong một lần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một người dân xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên) đã bị chậm kết quả 2 ngày so với lịch hẹn, phải đi lại nhiều lần. Đang mang trong mình thắc mắc, hoài nghi về chuyện “bị gây khó dễ”, người dân nhận được bức thư xin lỗi của UBND xã Tiên Lãng. Trong thư nêu rõ nguyên nhân khiến hồ sơ bị chậm, đồng thời gửi lời xin lỗi chân thành và cam kết khắc phục tình trạng chậm trễ trong thời gian sớm nhất.

Người dân và CBCC dần làm quen thực hiện giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Từ "Bức thư xin lỗi" của UBND xã Tiên Lãng, thời gian qua nhiều người dân đã chia sẻ, có những phản hồi tích cực về cung cách, thái độ phục vụ giải quyết TTHC của các cấp chính quyền, CBCC hành chính.

Điển hình, chính quyền TP Uông Bí gửi thư chúc mừng một công dân ''nhí'' mới chào đời sau khi bố mẹ của bé đi làm giấy khai sinh; gửi thư chia buồn tới các gia đình tới làm thủ tục chứng tử cho người thân qua đời… Những hành động trên tuy nhỏ những lại mang ý nghĩa hết sức to lớn, tạo mối quan hệ gần gũi, gắn kết hơn giữa chính quyền với người dân; cho thấy bản chất của nền hành chính phục vụ, CBCC gần gũi, thân thiện, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo giá trị hoạt động.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tận tình hướng dẫn người dân các bước nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.

Trong triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC), để thu về những thành quả hôm nay, Quảng Ninh đã sớm xác định cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc định lượng, đo lường, đánh giá một cách thực chất, khách quan các kết quả đạt được về nội dung, mục tiêu cải cách, chứ không chỉ là hô hào khẩu hiệu. Đến nay, tỉnh đã có 9 năm tự thực hiện đánh giá Chỉ số PAR Index.

Từ năm 2018, thực hiện quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã thực hiện điều tra đánh giá Chỉ số SIPAS đối với các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; tích hợp điểm số SIPAS và kết quả PAR Index.

CBCCVC các trung tâm hành chính công, các sở, ban, ngành, địa phương tận tình giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Với cách làm này, Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung cải cách toàn diện, thực chất với mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của sự phục vụ. Cùng với đó tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được đóng góp tiếng nói, được thực thi vai trò giám sát các hoạt động điều hành kinh tế của tỉnh, sự phục vụ của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, góp phần quan trọng giúp tỉnh nhìn nhận, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc

Tinh thần của tỉnh trong công tác CCHC đã được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh nhấn mạnh lại tại hội nghị phân tích chuyên sâu kết quả các chỉ số CCHC năm 2021, tổ chức ngày 20/7 vừa qua. Theo đó, xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành và cải cách của mình, Quảng Ninh sẽ kiên trì thực hiện phương châm "5 thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật; người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng hiệu quả thật); "6 dám" (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách).

Người dân đánh giá mức độ hài lòng về sự phục vụ của CBCC Trung tâm Hành chính công TX Đông Triều.

Quảng Ninh cũng luôn xác định, cải cách là việc làm lâu dài và dư địa cải cách của tỉnh còn lớn, không gian cải cách còn rộng mở. Vì vậy, sau mỗi kỳ Trung ương công bố kết quả đánh giá các chỉ số cải cách, tỉnh luôn tổ chức ngay các cuộc họp bàn, hội nghị để phân tích, đánh giá từng chỉ số thành phần, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả những năm tiếp theo.

Tại hội nghị, các chuyên gia có uy tín đã tập trung “mổ xẻ” những điểm, tiêu chí còn yếu kém dẫn đến hạn chế trong công tác CCHC. Từ đó gợi mở, đưa ra giải pháp để tỉnh tiếp tục khắc phục những hạn chế, nâng cao các điểm thành phần, duy trì vị trí dẫn đầu. Không chỉ vậy, từ kết quả các bảng xếp hạng cấp tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng chủ động tổ chức các hội nghị phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm để phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế trong những năm sau.

Đoàn công tác Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) kiểm tra công tác giải quyết TTHC trên môi trường điện tử tại tỉnh Quảng Ninh.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh tháng 4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực CCHC để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển…

 Tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu các Chỉ số PAR Index, SIPAS năm 2021.

Từ sự gợi mở, định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, trong đó có nội dung về công tác CCHC, Quảng Ninh đã đặt ra và đang quyết tâm thực hiện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, từng cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể CBCCVC, người lao động, đặc biệt là người đứng đầu trong công tác CCHC, nâng cao các chỉ số cải cách của tỉnh; rà soát, cắt giảm TTHC, đưa nhiệm vụ CCHC đi vào chiều sâu; hình thành vững chắc tư duy hành chính phục vụ, chính quyền kiến tạo. Cùng với đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, quy trình 5 bước trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử...

Mục tiêu đến năm 2025, 100% TTHC ở cả 3 cấp của tỉnh đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đáp ứng yêu cầu sử dụng khai thác của người dân, doanh nghiệp trên nhiều phương tiện, bao gồm cả thiết bị di động...

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9802 Tổng lượt truy cập 94832749