Lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số

Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, tỉnh Quảng Ninh xác định sẽ triển khai đồng thời cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo đã được các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các tiêu chí của trụ cột xã hội số, thực sự lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Cán bộ phường Yên Giang (TX Quảng Yên) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Quảng Ninh đặt mục tiêu cho trụ cột xã hội số đến năm 2025, 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ internet băng rộng, trong đó hạ tầng mạng cáp quang đến hộ gia đình đạt 95%; phấn đấu 100% người dân trong độ tuổi lao động có sử dụng điện thoại thông minh; 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình đều có địa chỉ số. Cùng với đó, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh có nội dung chuyển đổi số trong chương trình giảng dạy, đào tạo; 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử; triển khai tuyển sinh trực tuyến đầu cấp dựa trên dữ liệu số; 100% người dân được chăm sóc sức khỏe trên nền tảng y tế số. Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử đạt 95%...

Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi số, nhờ đó đã tạo nên những chuyển động tích cực. Để mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận internet, sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò, đẩy mạnh tuyên truyền, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với mọi người dân theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Là người dân tộc ở vùng sâu vùng xa, nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng, đến nay chị La Thị Nhung (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) đã có thể sử dụng thông thạo điện thoại thông minh để vào mạng internet, liên lạc với người thân, đọc báo… Chị Nhung chia sẻ: Trước đây tôi không biết dùng điện thoại thông minh, cũng không biết vào mạng để làm gì nhưng nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của Tổ công nghệ số cộng đồng, giờ tôi thấy chuyển đổi số thật gần gũi và dễ hiểu. Cuộc sống của tôi cũng như nhiều bà con đã thay đổi rất nhiều, được tiếp cận với thông tin, được đọc báo, được nhìn thấy người thân khi gọi điện nói chuyện... 

Nhân viên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí làm hồ sơ khám chữa bệnh cho người dân bằng CCCD gắn chíp qua hệ thống cơ sở dữ liệu liên kết giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Cùng với sự hoạt động tích cực, hiệu quả của các Tổ công nghệ số cộng đồng, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã có những cách làm hay, giải pháp sáng tạo để đưa chuyển đổi số đến gần hơn với người dân. Điển hình như tại phường Yên Giang (TX Quảng Yên), mô hình “Phường chuyển đổi số” được triển khai thí điểm đã và đang mang lại rất nhiều tiện ích thiết thực phục vụ đời sống nhân dân. Hiện nay, phường Yên Giang là đơn vị cấp xã đầu tiên trong tỉnh lắp đặt hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tới 5 khu phố trên địa bàn. Nhờ có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến này, quy mô mỗi cuộc họp đã được mở rộng, đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

100% TTHC thuộc thẩm quyền của phường cũng được phường Yên Giang cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến và tích hợp lên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của phường có các bảng quét mã QR để tổ chức, công dân tra cứu thông tin, thực hiện nộp phí, lệ phí. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn phường cũng đẩy mạnh sử dụng mã QR trong việc thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Chính quyền phường đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ hoàn thiện hạ tầng, cài đặt và hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm trên điện thoại để phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống...

Trong tất cả các ngành, lĩnh vực trọng điểm khác của đời sống xã hội như y tế, giáo dục, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng được triển khai tích cực, mang lại các tiện ích thực tế phục vụ người dân. Điển hình như trong lĩnh vực y tế và bảo hiểm xã hội, hiện nay gần 1,2 triệu người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đã được đồng bộ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp. Toàn bộ 225 cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh BHYT triển khai thực hiện sử dụng CCCD có gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT (100%), với gần 930.000 lượt tra cứu thông tin, tỷ lệ tra cứu thành công đạt 76,3%.

Trong lĩnh vực giáo dục, tỉnh đã cập nhật được gần 300.000 số định danh cá nhân của cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên lên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác quản lý (98,5%). Đồng thời đẩy mạnh sử dụng học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử theo quy định của Bộ GD&ĐT; số hóa tài liệu, học liệu; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập...

Thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt các kết quả cụ thể. Hết năm 2023, 99,2% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí); 87,19% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện và 83,82% thanh toán tiền nước; 88,5% các trường học, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị, các bệnh viện, Trung tâm y tế cấp huyện; 70% số tiền viện phí tại các bệnh viện và 41,2% số tiền viện phí tại các Trung tâm y tế; 100% thu phí, lệ phí giải quyết TTHC... đã được thanh toán bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt...

Theo Minh Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 815 Tổng lượt truy cập 94818595