“Lá chắn” bảo vệ trước hiểm họa cháy nổ tại cơ sở
Lực lượng PCCC chuyên ngành là một trong những lực lượng nòng cốt của phong trào Toàn dân tham gia PCCC; có vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia chữa nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn... góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân do sự cố cháy, nổ gây ra.
Công an tỉnh tổ chức kiểm tra nghiệp vụ đối với lực lượng chữa cháy chuyên ngành tại Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long.
Theo quy định tại Điều 44, Điều 46 Luật PCCC, đội PCCC chuyên ngành được thành lập tại các cơ sở đặc thù, có nguy cơ cháy nổ cao. Không chỉ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC tại đơn vị quản lý, lực lượng này còn trực tiếp tham gia xử lý các sự cố cháy, nổ khi được điều động; trở thành "cánh tay nối dài" của Cảnh sát PCCC và là nòng cốt trong việc dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Hiện trên địa bàn Quảng Ninh có 65 đội PCCC chuyên ngành, với 1.594 đội viên, trong đó 100% đội viên PCCC chuyên ngành đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định. Bên cạnh đầu tư về trang thiết bị PCCC cho các cơ sở đặc thù, có nguy cơ cháy nổ cao, lực lượng PCCC chuyên ngành luôn được các đơn vị quan tâm bồi dưỡng thường xuyên. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC trong tỉnh quan tâm tổ chức hướng dẫn xây dựng và củng cố, duy trì hoạt động lực lượng PCCC chuyên ngành, để lực lượng này trở thành nòng cốt trong thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC tại cơ sở.
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC trong tỉnh đã tổ chức 772 buổi huấn luyện về PCCC&CNCH cho 41.050 lượt người; 806 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH cho 79.984 người. Đồng thời, tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH cho 504 người là công an xã bán chuyên trách và lực lượng bảo vệ dân phố; 5 lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra PCCC cho công an cấp huyện và công an cấp xã; quan tâm hướng dẫn các cơ sở thuộc diện quản lý củng cố về tổ chức và duy trì hoạt động của các đội PCCC cơ sở và chuyên ngành.
Là ngành nghề tiềm ẩn yếu tố rủi ro cháy nổ cao, cùng với thực hiện tốt các quy định về PCCC, thời gian qua Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn chú trọng đầu tư cho lực lượng chữa cháy chuyên ngành. Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomim là lực lượng cứu hộ mỏ chuyên nghiệp, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, phòng ngừa, thường trực sẵn sàng và giải quyết sự cố trong mỏ hầm lò.
Trung tâm hiện có 150 đội viên cứu hộ mỏ và hệ thống trang thiết bị hiện đại, gồm 25 phương tiện các loại, hoạt động như một đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp. Các đội viên được đào tạo bài bản, kiện toàn theo chu kỳ 3 năm, đảm bảo yêu cầu ngày càng cao về kỹ thuật, nghiệp vụ. Ông Nguyễn Tiến Duật, Trạm trưởng Trạm cấp cứu mỏ Hạ Long (Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin) cho biết: Hằng ngày, lực lượng tác chiến của trạm thực hiện rèn luyện thể lực theo các bài quy định của đơn vị; hằng quý đều được kiểm tra, nếu đạt sẽ tiếp tục thường trực, còn không đạt thì luyện tiếp, đảm bảo lực lượng có sức khỏe, kiến thức, kỹ năng, lòng dũng cảm khi có các sự cố nguy hiểm.
Lực lượng chữa cháy của Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin thực hành phương án chữa cháy.
Cùng với đó, nhiệt điện cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao cháy nổ. Được thành lập từ năm 2019 với 30 thành viên, Đội PCCC chuyên ngành thuộc Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long hiện có 41 đội viên. Đơn vị được đầu tư phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ chữa cháy và CNCH; nhiều đội viên được đào tạo bài bản. Hằng năm, Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long có kế hoạch mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng, chi phí tập luyện cho đội PCCC chuyên ngành và cơ sở. Anh Vũ Đức Anh, Đội trưởng Đội PCCC chuyên ngành (Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long), cho biết: Năm 2023, đội chữa cháy chuyên ngành của công ty tham gia hỗ trợ chữa cháy băng tải và rừng. Khi tham gia chữa cháy, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, rút kinh nghiệm thực hiện tốt công tác an toàn PCCC.
Giống như lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, đội viên các đội PCCC chuyên ngành luôn nêu cao nguyên tắc tuân thủ quy định nghiệp vụ. Công tác kiểm tra và tự kiểm tra lực lượng chữa cháy chuyên ngành, phương tiện được thực hiện nghiêm túc; công tác huấn luyện và thực tập phương án chữa cháy, CNCH được thực hiện thường xuyên.
Hằng năm, các cơ quan, doanh nghiệp đã đăng ký đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC. Qua các năm đã có 319 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được Giám đốc Công an tỉnh ký ban hành quyết định công nhận điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân tham gia PCCC. Lực lượng chữa cháy chuyên ngành trở thành lá chắn bảo vệ đầu tiên đối với các cơ sở kinh tế trọng điểm trước những hiểm họa cháy nổ, góp phần giảm thiểu thiệt hại tài sản cho Nhà nước và nhân dân.
Tin tức khác
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố
- Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
- Thông báo kết quả kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Phường Nam Khê (TP Uông Bí) được công nhận là vùng “An toàn dịch bệnh động vật”
- Cụm công đoàn khu vực thành phố Uông Bí sơ kết công tác phối hợp năm 2024
- Tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách
- Chưa ghi nhận thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân của trận động đất tại Tây Tạng (Trung Quốc)
- Công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ lật phà tại Hàn Quốc
- Ngày 10/1, Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có nơi dưới 5 độ C
- Bứt phá trên hành trình chuyển đổi số