Kỳ III: Đấu tranh càng mạnh mẽ, bảo vệ càng hiệu quả

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có quan hệ biện chứng với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bảo vệ đã bao hàm đấu tranh và trong đấu tranh phản bác đã hàm chứa yếu tố bảo vệ. Mục đích đấu tranh phản bác cũng chính là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo vệ là cơ bản, đấu tranh là quan trọng, cấp bách, thường xuyên; đấu tranh càng mạnh mẽ thì bảo vệ càng hiệu quả.

Làm chủ trên mặt trận truyền thông

Có thể ví việc đấu tranh với các quan điểm sai trái thù địch hiện nay là cuộc chiến truyền thông giữa hai bên chính - tà. Ta ở ngoài sáng, địch ở trong tối. Muốn chiến thắng địch, bên cạnh sự chính nghĩa thì một yếu tố vô cùng quan trọng đó là phải làm chủ được mặt trận truyền thông, phát huy mạnh mẽ vai trò của hệ thống báo chí cách mạng và truyền thông mạng xã hội.

Với khoảng 70 cơ quan báo chí Trung ương cùng gần 130 phóng viên đang hoạt động và theo dõi địa bàn tỉnh, Quảng Ninh nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí. Đây vừa là lợi thế, nhưng cũng tạo ra áp lực lớn cho tỉnh trong việc định hướng thông tin, tuyên truyền. Nếu thông tin chưa rõ ràng, thiếu minh bạch sẽ dẫn đến việc hiểu sai bản chất, suy diễn gây khủng hoảng truyền thông, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá khiến dư luận hoang mang, mất niềm tin trong nhân dân. Chính vì vậy, quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là thực hiện “truyền thông chủ động”, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, “hoa thơm lấn át cỏ dại”.

Tỉnh đã ban hành Quy định số 25-QĐ/TU ngày 22/10/2020 về công tác chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng đối với thông tin báo chí và công tác tiếp nhận xử lý thông tin báo chí, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh; Quyết định về “phê duyệt Đề án đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng về tỉnh Quảng Ninh” làm cơ sở để triên khai việc truyền thông chủ động trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị Thông tin báo chí thường kỳ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì tổ chức hàng tuần.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, hàng tuần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giao ban báo chí tháng, hội nghị thông tin báo chí tuần; các cơ quan, đơn vị, địa phương được mời đến để cung cấp thông tin tại hội nghị, đồng thời giải đáp, làm rõ thêm về các vấn đề báo chí quan tâm, phản ánh liên quan đến lĩnh vực đơn vị phụ trách, quản lý.

Cùng với đó, công tác nắm bắt và chỉ đạo xử lý thông tin báo chí, mạng xã hội cũng có nhiều sự đổi mới bằng việc ban hành quy định về đấu tranh, xử lý các thông tin quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; vận hành hoạt động Tổ giúp việc tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí, thông tin trên mạng xã hội, khủng hoảng truyền thông; thành lập các nhóm nắm bắt tình hình tư tưởng, thông tin, dư luận và thông tin, tuyên truyền có định hướng trên không gian mạng, đặc biệt trên mạng xã hội Facebook, Zalo...; nắm bắt thông tin phản hồi từ báo chí để cung cấp cho lãnh đạo tỉnh kịp thời ra văn bản chỉ đạo và định hướng dư luận xã hội... Qua đó, thống nhất nội dung phát ngôn, hình thức cung cấp thông tin cho báo chí, định hướng dư luận trên mạng xã hội; kịp thời đăng tải, định hướng thông tin chính thống trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và của tỉnh.

Nhờ có những cách làm bài bản mà tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xử lý rất kịp thời đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, gây hoang mang trong dư luận.

Một ví dụ điển hình đó là việc sau khi Báo Lao động đăng một loạt phản ánh hoạt động mê tín dị đoan “Thỉnh oan gia trái chủ” tại Chùa Ba Vàng tại thành phố Uông Bí, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng, xuyên tạc bịa đặt thông tin, cắt ghép hình ảnh, tạo dư luận cho rằng đứng đằng sau sự thành công của Chùa Ba Vàng là có sự bảo kê, cổ phần của quan chức.

Trước sự việc trên, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh một mặt nghiên cứu bản chất của vấn đề để kịp thời thông tin với báo chí, định hướng dư luận xã hội; mặt khác chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam có những biện pháp chấn chỉnh, chấn an dư luận. Đối với việc xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị Ban Chỉ đạo 35 đã chỉ đạo Nhóm chuyên gia của tỉnh đăng tải các thông tin định hướng trên mạng xã hội; đồng thời nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, kịp thời phản bác và xử lý kỹ thuật đối với những fanpage, tài khoản cố tình chống đối.

Hay như vụ việc người bán hàng rong vi phạm Chỉ thị phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hạ Long năm 2020 đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều cả trên báo chí và mạng xã hội. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, các lực lượng đã ngay lập tức phối hợp xử lý nhanh, không để thông tin bị đưa đẩy, làm sai bản chất; đồng thời chính quyền cũng lập tức kiểm tra, làm rõ với quan điểm chính quyền sửa, người dân sai người dân sửa.

Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh

Nhận định không gian mạng là nơi các thế lực thù địch, phản động tấn công mạnh mẽ nhất, Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã chủ động rà soát, nắm tình hình thông tin trên internet, mạng xã hội, tập trung vào các nền tảng phổ biến như Facebook, Youtube, zalo, kịp thời phát hiện, đưa vào diện quản lý, theo dõi các trường hợp địa chỉ tại Quảng Ninh có biểu hiện bất mãn, tiêu cực, tham gia bình luận, chia sẻ các bài viết có nội dung trái chiều; đồng thời trao đổi, hướng dẫn và cung cấp chứng cứ, thông tin cho các cơ quan chức năng trong tỉnh kịp thời xử lý tình trạng đưa tin sai sự thật trên mạng xã hội. Trong năm 2021, Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông và các địa phương, đơn vị đã phát hiện, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 trường hợp với tổng số tiền là 153 triệu đồng; cảnh báo, răn đe, nhắc nhở 20 trường hợp có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

“Đối với các trường hợp không xác định được danh tính hoặc đối tượng sử dụng mạng xã hội để tung tin đồn không thường trú tại tỉnh, Sở Thông tin - Truyền thông đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan đấu tranh phản bác. Đối với các thông tin giả, sai sự thật, sau khi được xác minh, làm rõ; kết quả xử lý sẽ được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống các trang mạng xã hội”, bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh cho biết.

Lực lượng chức năng xử lý đối tượng đăng thông tin sai sự thật. Ảnh: QMG

Để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các thế lực thù địch phản động thì việc sử dụng chiến thuật “lấy gậy ông để đập lưng ông” rất phù hợp. Nếu như các đối tượng chống phá triệt để khai thác, sử dụng không gian mạng và các nền tảng mạng xã hội nhằm đa dạng hóa các loại hình thông tin từ bài viết, hình ảnh, video nhằm tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị hiếu của đa dạng các đối tượng thì cả hệ thống chính trị cũng sử dụng chính môi trường đó để đấu tranh, phản bác và định hướng thông tin. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ, thông tin chính thống thường tiếp cận người đọc thường chậm, do phải kiểm chứng, xác minh, thì ngược lại thông tin xấu độc, thông tin giả, sai sự thật lại nhanh chóng được phát tán. Vì vậy, để ngăn chặn và định hướng kịp thời, đạt hiệu quả, các thông tin, bài viết phải đảm bảo được tính cập nhật, nhanh chóng, nội dung và hình thức theo hướng ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu phù hợp với thị hiếu người tham gia mạng xã hội như: infographic, hình ảnh, biểu đồ, video nhất là trước các vụ việc phức tạp, nhạy cảm liên quan đến tỉnh và các ngành, địa phương…

Thường xuyên tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhà báo, người có uy tín trong cộng đồng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) và quản trị các trang mạng xã hội lớn trên địa bàn để kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, đưa ra các quan điểm đồng thuận với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; đăng tải thông tin định hướng lên các diễn đàn lớn để tạo sự lan tỏa rộng khắp, tạo sự đồng thuận trong nhân dân… Cùng với đó, chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội về các vấn đề của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là với những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm để kịp thời phân tích, đánh giá, dự báo và đề xuất những giải pháp phù hợp.

Với những cách làm sáng tạo, chủ động, quyết liệt trong việc thực hiện truyền thông chủ động, làm chủ được không gian mạng để tuyên truyền, định hướng thông tin và đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá thông tin giả, sai sự thật, xấu, độc; từ đó bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên địa bàn tỉnh.

Thế trận lòng dân trong cuộc chiến không tiếng súng

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” trong công cuộc đấu tranh với các đối tượng thù địch, phản động, những năm qua, được sự hỗ trợ, tố giác tội phạm và cung cấp thông tin quần chúng nhân dân, các lực lượng chức năng đã kịp thời đấu tranh, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm.

Ông Nguyễn Hồng Dương, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Ban Thường trực BCĐ 35 của tỉnh đánh giá: “Công tác đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xuyên tạc, xấu độc đã góp phần định hướng tư tưởng, nhận thức của quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vào các thời điểm tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, công tác phòng, chống dịch Covid-19... góp phần giữ vững được sự ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực xấu. Điều đó đã thể hiện cuộc đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" ngày càng phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thế lực thù địch, phản động luôn lợi dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật để chống phá Việt Nam, đặc biệt là gia tăng các hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đó là sớm xây dựng “Thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng” như mục tiêu của Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022.

“Đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của thế lực thù địch là cuộc đấu tranh mang tính đặc thù, là cuộc chiến thông tin, phần thắng sẽ thuộc về phía giành được thế chủ động” - ông Dương nhấn mạnh.

Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Hồng Dương, bên cạnh các yếu tố về mặt phát triển khoa học, công nghệ thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi nguồn lực trong nhân dân tham gia. Cấp ủy Đảng các cấp cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng nhiệm vụ cần thiết, cấp bách bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, hiện nay; kịp thời chỉ đạo, định hướng dư luận để tạo sự thống nhất về nhận thức trong toàn xã hội; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi thông tin, quan tâm giải quyết các nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời xử lý nghiêm minh trước pháp luật các hành vi tung tin xuyên tạc, kích động, chống phá chế độ.

Đặc biệt, trước những luồng ý kiến trái chiều, nhận thức chưa đầy đủ về các vấn đề xã hội, chính trị phức tạp, nhạy cảm, cần bố trí những người có đủ uy tín, năng lực, trình độ để vận động, giáo dục, cảm hóa, phân tích rõ đúng sai. Không vội quy kết họ là thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị để đối phó. Làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch.

Tập trung củng cố, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; thường xuyên vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt các đoàn thể quần chúng, phát huy vai trò tuyên truyền, vận động, nêu gương của cán bộ đảng viên để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh trật tự…

Nghị quyết 35 ra đời trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bên cạnh những cơ hội, có thách thức không nhỏ tác động rất mạnh mẽ đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, để Nghị quyết đi vào thực chất, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, của tỉnh trong tình hình mới đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải chung sức, đồng lòng, chủ động cụ thể hóa, phát huy tính sáng tạo, đột phá phù hợp với tình hình cụ thể của từng vùng, miền, địa phương, từng ngành, lĩnh vực. Có như vậy, nhiệm vụ xây dựng thế trận toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc mới phát huy tối đa hiệu quả và làm thất bại hoàn toàn các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Theo Quang Hoàng – Yến Hoa (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 11040 Tổng lượt truy cập 95335791