Kinh nghiệm tổ chức, quản lý lễ hội xuân của Uông Bí
Cùng với Lễ hội Yên Tử nổi tiếng, hàng năm, trên địa bàn TP Uông Bí còn có các lễ hội xuân truyền thống như: Lễ hội chùa Ba Vàng, Đình - chùa Điền Công, Đền - chùa Hang Son... Các lễ hội này thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, chiêm bái. Lượng người đổ về lớn tạo áp lực không nhỏ cho công tác đảm bảo ANTT, ATGT, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và văn minh lễ hội. Nhưng qua nhiều mùa hội, nhất là những năm gần đây, đến với các lễ hội xuân Uông Bí, du khách đều có chung cảm nhận: càng ngày các lễ hội càng được quản lý tốt hơn, tổ chức qui củ, văn minh hơn.
Đầu mùa hội xuân Yên Tử 2017, ngày cao điểm, du khách đổ về đây từ 4 đến 5 vạn lượt người. Cùng với đó là số lượng “khổng lồ” các phương tiện ô tô, xe máy... Áp lực là như vậy, song du khách về với chốn Tổ Trúc Lâm phần lớn đều có những cảm nhận tích cực về sự cải tiến, đổi mới trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở đây. Chị Cẩm Linh - du khách đến từ TP Hải Phòng đã có nhiều năm đến Yên Tử cho biết: “Hầu như mùa hội xuân nào tôi cũng về Yên Tử. Mỗi một hội xuân, tôi đều thấy Yên Tử ngày càng thay đổi. Các dịch vụ đi lại hiện đại, thuận tiện hơn. Giá cả các mặt hàng đều rất “dễ chịu”, chúng tôi không bị ép giá, trả giá cao. Tình trạng rác thải được xử lý tốt... Đi hành hương, lễ Phật trong điều kiện thế này rất thoải mái, thư thái”.
Công ty Tùng Lâm bổ sung 30 xe điện phục vụ du khách mùa lễ hội 2017.
Mùa lễ hội năm nay, để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của du khách, Công ty CP phát triển Tùng Lâm (đơn vị được giao khai thác các hoạt động dịch vụ tại Yên Tử) đã đầu tư thêm 30 xe điện, nâng tổng số xe điện đưa vào phục vụ du khách lên 68 xe. Đây là một trong những cải tiến của doanh nghiệp này nhằm giảm đáng kể thời gian chờ đợi của du khách so với mùa lễ hội trước.
Các bến xe tại Yên Tử đảm bảo luân chuyển lượng xe lớn.
Trước thời điểm mùa lễ hội 2017 bắt đầu, Công ty Tùng Lâm cũng đã khẩn trương hoàn thiện Bến xe Dốc Hạ Kiệu 2, diện tích 7,5ha. Cùng với bến xe cũ ở Khu vực Dốc Hạ Kiệu 1, mùa hội này, việc sử dụng thêm bến xe mới đã đưa tổng diện tích bến bãi gửi xe tại Yên Tử lên hơn 10ha, sức chứa trên 2.100 xe ô tô. Nỗ lực này nhằm đảm bảo công suất lưu chuyển xe trong các ngày cao điểm, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ phương tiện ở các mùa lễ hội trước. Công ty tiếp tục có những cải tiến để đảm bảo sự thuận tiện hơn khi du khách sử dụng các dịch vụ tại Yên Tử.
Khu dịch vụ ăn uống tại Yên Tử được quy hoạch gọn gàng.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết: “Để thuận tiện hơn cho du khách, mùa hội 2017 chúng tôi đã thực hiện tích hợp vé xe điện, vé cáp treo thành 1 vé, du khách chỉ mua 1 lần là có thể sử dụng được cả hai loại dịch vụ. Chúng tôi cũng tích hợp vé giữ xe máy với phí gửi đồ miễn phí. Để đảm bảo tốt vệ sinh môi trường, chúng tôi bố trí gần 100 nhân viên liên tục dọn, thu gom rác trải đều các vị trí từ Dốc Hạ Kiệu lên đến tận Chùa Đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã triển khai các biện pháp để đảm bảo việc thi công Dự án trung tâm dịch vụ, lễ hội Yên Tử không ảnh hưởng đến hoạt động hành hương, lễ phật của du khách”.
Tuân thủ việc niêm yết giá tại chợ xuân Yên Tử.
Tại Chùa Ba Vàng - một điểm du lịch tâm linh có sức “hấp dẫn” lớn với phật tử, du khách. Theo quan sát, trong ngày khai hội dù trùng với ngày nghỉ cuối tuần, lượng khách đến chùa tăng cao, song hoàn toàn không có cảnh chen lấn, xô đẩy.
Ở khu vực Chính điện, du khách tự giác tuân thủ qui định: không mang giày dép; xếp hàng theo thứ tự. Để đảm bảo các hoạt động tôn nghiêm, trật tự, Chùa đã phân công bộ phận lễ tân, bảo vệ tận tình hướng dẫn du khách. Ngay cả việc sắp đặt lễ cũng có bộ phận riêng hỗ trợ phật tử. Cùng với đó, du khách còn được thụ hưởng hệ thống dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Gồm miễn phí vé trông giữ phương tiện, miễn phí nước uống. Những ngày đại lễ, nhà chùa chuẩn bị hàng vạn suất cơm chay phục vụ miễn phí du khách. Những điều này chính là “điểm cộng” tạo sự hài lòng cho du khách, phật tử khi về đây hành hương, lễ phật. Ông Hoàng Kim Phương - Du khách đến từ Đông Triều, Quảng Ninh nhận xét: “Tôi đến chùa Ba Vàng lần thứ 2 và đều thấy rằng ở đây không chỉ cảnh quan đẹp, không gian khoáng đạt mà hệ thống dịch vụ đều thuận tiện cho du khách. Chúng tôi gửi xe không mất phí; được dùng nước uống tinh khiết miễn phí. Nhất là ngày lễ, thưởng thức cơm chay của nhà chùa chúng tôi cảm thấy tinh thần hoan hỉ, hướng thiện và đoàn kết hơn”.
Chuẩn bị các suất cơm chay phục vụ phật tử, du khách Ngày khai hội.
Với quan niệm: nhà chùa là nơi tôn nghiêm, thành kính, nếu để các dịch vụ tràn lan, không có sự quản lý chặt chẽ, qui củ sẽ ảnh hưởng đến không gian hành hương của du khách, chùa Ba Vàng thực hiện phương châm phục vụ thay vì “làm dịch vụ”. Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì Chùa Ba Vàng khẳng định: “Rút kinh nghiệm ở một số điểm di tích diễn ra tình trạng hàng quán ăn uống quá nhiều, tranh giành khách khứa, bán đắt bán rẻ, hàng thật hàng giả khiến cảnh chùa không tôn nghiêm, mất ANTT, Chùa Ba Vàng đã thống nhất với thành phố ở chùa không tổ chức hàng quán ăn uống dịch vụ mà chỉ tập trung phục vụ phật tử, du khách. Các dịch vụ để phường, thành phố chủ động tổ chức ngoài phạm vi chùa”.
Cùng với lễ hội Yên Tử, lễ hội Chùa Ba Vàng, mỗi mùa hội xuân, tại Thành phố Uông Bí diễn ra các lễ hội truyền thống khác là: Lễ hội Đình Điền Công; lễ hội Đình - chùa Lạc Thanh; Lễ hội Đền - Chùa Hang Son; lễ hội chùa Am. Cũng như ở Lễ hội Yên Tử và Ba Vàng, việc tổ chức, quản lý các lễ hội còn lại được thực hiện bài bản, qui củ, không có hiện tượng ăn xin, ăn mày, đeo bám, chèo kéo du khách. Các hiện tượng mê tín dị đoan, xóc thẻ, hầu đồng, cờ bạc cũng được khống chế. Việc tổ chức phần nghi lễ đảm bảo tôn nghiêm, trang trọng. Các hoạt động thuộc phần hội thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, thành phố, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân, du khách. Cùng với đó, công tác đảm bảo ANTT, ATGT, vệ sinh môi trường, ATTP, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch được thành phố thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, theo phương châm: các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, tạo không gian thân thiện, thoải mái cho du khách.
Để thực hiện tốt phương châm đó, từ nhiều năm nay, đã thành nền nếp, trước mùa lễ hội xuân 2 tháng, thành phố Uông Bí chủ động kiện toàn, thành lập Ban chỉ đạo, BTC các lễ hội. Đối với lễ hội cấp thành phố, thành viên của BTC mời đại diện các cơ quan, ban ngành, như: Công an, Quân sự, y tế, Nội vụ, truyền thông, Tài nguyên môi trường, Mặt trận tổ quốc, Quản lý thị trường, Kinh tế, các xã, phường, doanh nghiệp liên quan... Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp làm trưởng ban tổ chức hội xuân. Đối với lễ hội do cấp xã, phường quản lý, thành phố giao các xã phường chủ động thành lập BTC, ban hành các kế hoạch triển khai lễ hội theo chỉ đạo chung của tỉnh, thành phố. Đồng chí Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí chia sẻ: “Để quản lý, tổ chức tốt các Lễ hội xuân trên địa bàn, TP Uông Bí đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ một cách cụ thể cho các ngành chức năng, các thành viên trong BTC. Trên cơ sở đó các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ANTT, ATGT, vệ sinh môi trường, Phòng chống chảy nổ, vệ sinh ATTP... tại các lễ hội. Quá trình thực hiện, chúng tôi cũng tranh thủ tốt sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành liên quan của tỉnh về con người, phương tiện để chúng tôi có thêm nguồn lực, đảm bảo các lễ hội diễn ra qui củ, an toàn, văn minh”.
Các lực lượng phối hợp điều tiết giao thông tại Lễ hội chùa Ba Vàng.
Là một trong những thành viên của BTC lễ hội xuân thành phố Uông Bí, với nhiệm vụ đảm bảo ANTT, ATGT các tuyến đường từ trung tâm thành phố vào các di tích, trọng điểm là Di tích Yên Tử và Chùa Ba Vàng, Công an thành phố Uông Bí ngay từ sớm đã chủ động xây dựng các phương án tăng cường ANTT, ATGT. Những ngày cao điểm, riêng tại Yên Tử, đơn vị bố trí trên 100 CBCS các lực lượng đảm bảo giao thông toàn tuyến. Đồng thời kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng cò mồi, trộm cắp, móc túi; tập trung phối hợp đảm bảo VSATTP, quản lý các điểm kinh doanh, nhà hàng tại khu di tích. Còn tại Chùa Ba Vàng, ngày cao điểm, đơn vị bố trí từ 60 đến 70 CBCS (gồm lực lượng công an, trật tự viên, bảo vệ dân phố) tham gia bảo vệ TTATGT toàn tuyến. Để những chuyến hành hương của du khách được an toàn, thông suốt, Công an thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện, làm việc tận tâm, với tinh thần trách nhiệm cao, không quản thời gian, thời tiết khắc nghiệt. Đại tá Vũ Đức Tính, Trưởng Công an thành phố Uông Bí cho biết: “Công an thành phố thực hiện tập trung lực lượng, phân công phân nhiệm rõ đối với không chỉ cán bộ, chỉ huy phụ trách các lĩnh vực mà còn với từng chiến sỹ phụ trách ở từng điểm di tích. Phương châm của chúng tôi là phải tập trung đảm bảo tuyệt đối an toàn về ANTT, ATGT cho khách thập phương. Hằng ngày, đặc biệt trong các ngày cao điểm, chúng tôi duy trì lực lượng làm việc từ 5 giờ sáng đến 7, 8 giờ tối. Đặc biệt tại chùa Ba Vàng đến 9 giờ tối chúng tôi mới “rút” quân”.
Không chỉ các ban, ngành của thành phố chủ động, tích cực làm tốt nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội, các xã, phường có các điểm di tích cũng quán triệt, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Phường Phương Đông là địa bàn có các điểm chùa thuộc hệ thống Di tích Yên Tử gồm chùa Trình, chùa Suối Tắm và chùa Cầm Thực. Ngay sau khi BTC Hội xuân Yên Tử có kế hoạch cho mùa lễ hội năm 2017, phường đã cụ thể hóa, khẩn trương “bắt tay” triển khai các phần việc được phân công nhằm đảm bảo ANTT, ATGT, trật tự đô thị tại các điểm di tích.
Cùng với nâng cao sự tích cực, chủ động của từng thành viên, TP Uông Bí cũng đặc biệt chú trọng đến việc kết nối, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các đơn vị, ban ngành trong tổ chức, quản lý hoạt động diễn ra tại các lễ hội.
Kiểm tra việc niêm yết giá cả hàng hoá, không để xảy ra tình trạng bán hàng giá cao, bán hàng rong, mời chào khách thiếu văn minh lịch sự; treo mắc thịt động vật tươi sống, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mất mỹ quan, gây phản cảm... tại các điểm kinh doanh, nhà hàng là nhiệm vụ thường xuyên của Tổ thường trực quản lý môi trường kinh doanh du lịch Yên Tử. Tổ công tác này có sự tham gia phối hợp của các ngành thường trực như: Phòng VHTT thành phố, Ban Quản lý Yên Tử, Công ty Tùng Lâm, Đội Quản lý thị trường, công an thành phố, ngành Kiểm lâm, xã Thượng Yên Công...
Du khách tham quan chùa Ba Vàng trong ngày khai hội 2017.
Đi cùng với tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, tổ còn kiên quyết xử lý những hộ kinh doanh, nhà hàng cố tình không chấp hành qui định về đảm bảo văn minh, trật tự tại lễ hội; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản hồi của du khách qua đường dây nóng... Hiệu quả hoạt động của bộ phận này đã góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch an toàn, văn minh, tạo được ấn tượng đẹp cho du khách khi hành hương về đất Phật.
Cùng với đó, tại Yên Tử sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị, ngành chức năng đã đưa hoạt động quản lý, tổ chức đi vào nền nếp, hạn chế tối đa các biểu hiện phản cảm, thiếu văn minh tại lễ hội. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết: “BQL đã phối hợp với các đơn vị tăng cường biện pháp tuyên truyền để du khách chấp hành tốt qui định khi đi lễ hội. Cùng với đó, lực lượng an ninh, bảo vệ và phật sự tại các điểm chùa thường xuyên nhắc nhở người dân, du khách khi có biểu hiện chưa đúng trong hành lễ và kiên quyết yêu cầu thực hiện, chấp hành đúng qui định. Vì thế từ nhiều năm nay ở Yên Tử không có hiện tượng mê tín dị đoan, hầu đồng, xóc thẻ... Mọi qui định của BTC đều được du khách thực hiện tốt”.
Để đảm bảo công tác tổ chức, quản lý lễ hội đạt kết quả tốt, tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc trong thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được phân công của các ngành, đơn vị chức năng cũng là một trong những nhiệm vụ được TP Uông Bí tập trung thực hiện. Ngoài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, thành phố còn kiểm tra đột xuất, với phương châm có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, chi tiết. Qua đó kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, xử lý tốt những phát sinh, đảm bảo các hoạt động, bộ phận vận hành nhịp nhàng, hiệu quả. Đối với những lễ hội lớn như Yên Tử, thường xuyên 1 tuần 1 lần, BTC tiến hành họp giao ban các thành viên để trao đổi, nắm vững tình hình, kịp thời có giải pháp thống nhất, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Thành phố Uông Bí đang nỗ lực hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh và cả nước. Việc thành phố triển khai chủ động, sáng tạo và đồng bộ công tác tổ chức, quản lý các lễ hội trên địa bàn cũng chính là một trong những giải pháp thiết thực góp phần đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển mạnh mẽ. Và những kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức lễ hội xuân của Uông Bí cũng rất cần được các địa phương trao đổi, chia sẻ để mỗi lễ hội thực sự đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần lành mạnh, văn minh của nhân dân, du khách.
Hoàng Yến-Hải Ninh
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027