Kim chỉ nam thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung triển khai thực hiện với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nghị quyết số 09 chính là kim chỉ nam cho các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, tạo động lực cải cách hành chính. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã và đang triển khai những giải pháp hiệu quả và người dân đồng hành tích cực.

ĐVTN phường Yên Giang (TX Quảng Yên) hướng dẫn người dân nộp TTHC qua cổng dịch vụ công quốc gia.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp trong thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ dịch vụ công; tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Lợi ích thiết thực từ chính quyền số

Chị Nguyễn Thanh Tuyền (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) đến Trung tâm Hành chính công thành phố làm hồ sơ chuyển nhượng đất và được cán bộ hướng dẫn gửi hồ sơ bằng hình thức trực tuyến.

Chị Tuyền cho biết: Tôi thấy làm thủ tục hành chính (TTHC) bây giờ rất thuận tiện. Tôi đã được cán bộ Trung tâm Hành chính công thành phố hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ bằng hình thức trực tuyến rất nhanh chóng. Nếu sau này, tôi có hồ sơ cần giải quyết, thì chỉ cần ở bất cứ đâu có mạng Internet là có thể gửi được hồ sơ, không phải trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước để nộp.

Thời gian qua, các trung tâm hành chính công và các đơn vị trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo Nghị quyết số 09 của tỉnh, đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, trung tâm hành chính công các cấp và bộ phận một cửa hiện đại cấp xã đã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia; nhiều người dân thực hiện nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến và đánh giá cao sự tiện lợi này.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, số hồ sơ dịch vụ công tính riêng trên cổng dịch vụ công của cấp tỉnh là 18.149 hồ sơ (đạt 98,6%), số hồ sơ dịch vụ công trên cổng dịch vụ công của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành là 41.013 hồ sơ (đạt 72,4%); số hồ sơ dịch vụ công tính riêng trên cổng dịch vụ công của cấp huyện là 57.693 hồ sơ (đạt 91,9%).

Nhân viên VNPT hướng dẫn và tạo chữ ký điện tử cho người dân tại Trung tâm Hành chính công TP Móng Cái.

Tháng 6/2022, Quảng Ninh triển khai số hóa dữ liệu hồ sơ và kết quả TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình 5 bước trên môi trường điện tử (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, ký số, trả kết quả), gắn với việc áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết, TTHC được thực hiện theo hướng một cửa chuyển đổi số không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Điều này thực sự đã mang lại lợi ích thiết thức cho tổ chức, công dân ở những khu vực xa trung tâm, vùng biên giới, hải đảo.

Hiệu ứng từ Đề án 06

Từ khi tỉnh triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) đã đem lại giá trị, tiện ích to lớn cho đời sống của nhân dân, chính vì vậy người dân đã hưởng ứng tích cực.

Đi tái khám tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, chị Nguyễn Thu Hường (xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên) không còn phải mang theo thẻ BHYT giấy, mà chỉ cần CCCD gắn chíp. Với hệ thống dữ liệu đã được liên thông giữa Bộ Công an, Bộ Y tế và Cơ quan BHXH Việt Nam, những thông tin khám chữa bệnh của chị Hương được cơ sở y tế tìm kiếm và cập nhật tương tự như khi sử dụng BHYT giấy.

“Giờ tôi đi khám sức khỏe định kỳ tại trung tâm y tế không còn phải mang theo thẻ BHYT như trước, mà chỉ cần CCCD có gắn chíp. Những thông tin khám, chữa bệnh của tôi được cơ sở y tế tìm kiếm và cập nhật tương tự như khi sử dụng thẻ BHYT” - chị Nguyễn Thu Hường chia sẻ.

Chi nhánh BIDV Quảng Ninh triển khai sử dụng CCCD gắn chíp để nộp và rút tiền thông qua máy giao dịch tự động đa năng.

Cùng với việc sử dụng CCCD thay thẻ BHYT, người dân đã sử dụng thẻ CCCD để thông báo lưu trú tự động qua quét mã QR; sử dụng xác thực hành khách đi máy bay bằng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID thay thế cho thẻ CCCD; sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay thế hoàn toàn sổ hộ khẩu truyền thống; rút tiền bằng thẻ CCCD gắn chip tại ngân hàng...

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử đối với 1.255.576 trường hợp, thu nhận tài khoản định danh điện tử 549.566 trường hợp, kích hoạt thành công 312.667 trường hợp. Ngày 29/5/2023, Bộ Công an ghi nhận Quảng Ninh đã hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh.

 

Công an phường Quảng Yên (TX Quảng Yên) tổ chức hỗ trợ người dân cài đặt, đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Đặc biệt, người dân đã thấy được lợi ích của việc không dùng tiền mặt khi giao dịch tại các trung tâm hành chính công, giảm thao tác thủ công. Tỉnh Quảng Ninh hiện đã triển khai toàn diện hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với lệ phí TTHC, viện phí, điện, nước, mua sắm... Qua đó tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tính trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và đã thu tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC qua các hình thức không dùng tiền mặt gần 4 tỷ đồng (đạt 77,3%), đối với các trung tâm hành chính công cấp huyện là trên 3,7 tỷ đồng (đạt 93,2%).

Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân nhận thấy chuyển đổi số là chìa khóa mở cánh cửa cho nền nông nghiệp hiện đại, vì vậy, nhiều người đã thực hiện số hóa quy trình sản xuất trên các cánh đồng, khu sản xuất, tạo giá trị gia tăng và tính minh bạch của sản phẩm.

Nhiều hộ dân, doanh nghiệp, HTX đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản để mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã đưa 334 sản phẩm OCOP đạt chuẩn (từ 3-5 sao) lên các sàn thương mại điện tử.

Đoàn Thanh niên xã Cẩm La (TX Quảng Yên) tổ chức hướng dẫn học sinh quét mã QR code để tìm hiểu về miếu Tiên Công.

Đối với lĩnh vực du lịch, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch như: Giới thiệu các dạng tài nguyên du lịch tự nhiên, hệ thống nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông... mang lại tiện ích cho nhà quản lý, kinh doanh du lịch và du khách.

Các doanh nghiệp cũng đã đưa vào nhiều sản phẩm du lịch thông minh, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, du khách dễ dàng thiết kế tour cho bản thân và gia đình bằng cách đặt, hủy, hoặc thay đổi một phần hay toàn bộ tour thông qua thiết bị dị động.

Đoàn thanh niên các cấp đã số hóa và gắn mã QR đối với 165/370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh. Nhờ đó, du khách và người dân khi đến các điểm di tích, ngoài việc được nghe thuyết minh viên trực tiếp giới thiệu, còn có thể quét mã QR để tìm hiểu, nắm được thông tin cần thiết về di tích.

Để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, thời gian qua, các đơn vị, tổ chức xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động chung tay đồng hành chuyển đổi số toàn diện. Đặc biệt, 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 11.255 thành viên đang là nòng cốt trong việc đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số.

Tổ công nghệ số khu phố 4 (phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, xã hội. Mỗi chúng ta, đặt trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đang phát triển theo hướng hiện đại hóa, đặc biệt là chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cần thay đổi nhận thức, xây dựng tâm thế vào cuộc mạnh mẽ.

Mỗi người dân cần cập nhật, hiểu biết và từng bước sử dụng thành thạo các ứng dụng, phát huy hiệu quả hơn nữa những lợi ích mà dịch vụ công trực tuyến. Qua đó, tạo nền tảng để Quảng Ninh đạt được lộ trình trong chuyển đổi số như mục tiêu đề ra, góp phần phát triển KT-XH nhanh, bền vững. 

Quảng Ninh hiện đã cung cấp 1.231/1.280 TTHC của các sở, ban, ngành trên cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó có 1.034 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81%). Hoàn thành xây dựng và phát sóng thông tin di động 54 trạm phủ lõm sóng cho 66 thôn, bản (đạt 100% so với kế hoạch). Triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cho 97 thôn, bản (đạt 86%). Đến ngày 14/6/2023, các nhà mạng đã cung cấp miễn phí 2.638 chữ ký số cho người dân để thực hiện nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến.

 
Theo Thái Cảnh - Ngọc Trâm/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 11056 Tổng lượt truy cập 94834757