Kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng

Mới đây, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã tiến hành rà soát, sàng lọc thông tin về những tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh để tính thu thuế. Việc làm này được đánh giá là động thái cần thiết nhằm tăng cường kiểm soát loại hình mua bán hàng qua mạng (kinh doanh online) đang phát triển khá nóng hiện nay.

Theo thống kê gần đây của mạng xã hội Facebook, tại Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người (tương đương một phần ba dân số) có tài khoản Facebook và đang duy trì hoạt động hằng tháng, trong đó có 21 triệu người thường xuyên truy cập mạng thông qua điện thoại di động kết nối internet (in-tơ-nét). Việt Nam là quốc gia đứng thứ ba trong khu vực Ðông - Nam Á về số lượng người dùng mạng Facebook (sau Indonesia với 82 triệu người, Thái-lan 37 triệu người). Nhanh chóng nắm bắt xu hướng dùng mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp đã coi đây là kênh hữu hiệu để quảng bá thương hiệu cũng như tiếp thị sản phẩm đến người tiêu dùng. Nhiều cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ cũng dấn bước vào thị trường hấp dẫn này, với tiêu chí "có cầu là có cung"! Cũng từ đó mà trên Facebook, không khí "nhà nhà kinh doanh, người người kinh doanh" có lẽ chưa bao giờ sôi động như hiện nay. Song điều này cũng khiến không ít người có cảm giác ngợp, vì mỗi lần vào mạng lại bắt gặp vô số mặt hàng được rao bán từ rất nhiều tài khoản Facebook khác nhau, thậm chí có người bỗng thấy tên mình xuất hiện trong một nhóm yêu thích một thương hiệu, sản phẩm nào đó mà chính họ cũng chưa hề hay biết!

Một thống kê sơ bộ cho thấy có hàng triệu người Việt đang kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội. Ðối tượng bán hàng có thể là nhân viên văn phòng, viên chức, giáo viên, sinh viên, cán bộ về hưu,... Nghĩa là bất cứ ai có sản phẩm muốn bán, thậm chí là "của nhà trồng được" đều có thể tự lập tài khoản để kinh doanh trên mạng. Chính vì vậy các mặt hàng được rao bán online đa dạng chủng loại, từ thực phẩm, đồ gia dụng, thời trang, mỹ phẩm cho đến máy tính, điện thoại,... với giá cả các mặt hàng có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Thủ tục mua bán giản tiện và nhanh gọn: Người mua chỉ việc đặt hàng sẽ có người ship (giao hàng) đến tận nơi rồi thu tiền, nếu không ưng có thể đổi trả. Hình thức bán hàng online "chiều lòng" được cả người bán và người mua, bởi về phía người bán, hình thức này giúp tiết kiệm việc thuê cửa hàng, tiền trang trí cửa hàng cũng như giảm số nhân viên bán hàng. Vì thế, việc bán hàng không phụ thuộc vào địa chỉ cửa hàng, cửa hiệu mà mở rộng trên toàn quốc; từ việc rao bán sản phẩm tới việc trao đổi với khách hàng, người bán hàng chỉ cần thao tác trên máy tính. Thậm chí có chủ kinh doanh không cần tích trữ sản phẩm trong nhà, khi có đơn hàng của khách, họ chỉ việc điều tiết hàng từ mối gốc đến tận tay người mua,... Các yếu tố này làm cho việc bán hàng trực tuyến có ưu thế riêng, như giá cả cạnh tranh hơn, do không cần kho chứa cũng như chi phí phát sinh trong thời gian hàng hóa lưu kho. Về phía người mua, việc mua hàng qua mạng giúp tiết kiệm thời gian, không mất công đi lại, tiện lợi trong so sánh giá cả, mẫu mã mặt hàng; cách thức thanh toán linh hoạt. Sự tiện dụng khiến việc kinh doanh online ngày càng "ăn nên làm ra" và tác động đến các chủ thể kinh doanh theo hình thức truyền thống. Vì không muốn mất lợi thế cạnh tranh, một số cửa hàng, doanh nghiệp cũng có sự chuyển đổi mở thêm kênh kinh doanh trên mạng.

Thực tế cho thấy không hiếm người đã kiếm được tiền tỷ từ kinh doanh online. Dạo qua các thông tin trên báo chí, có thể bắt gặp những câu chuyện "người thực việc thực" khá sinh động như: Nhân viên văn phòng kiếm tiền tỷ nhờ kinh doanh mỹ phẩm online, Cặp đôi kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng, mua ô-tô tiền tỷ; 9x thu nhập 200 triệu đồng/tháng nhờ bán mỹ phẩm online; Sinh viên kiếm tiền triệu nhờ bán hàng online; Thành nữ triệu phú nhờ bán quần áo online; Kiếm tiền khủng nhờ bán hàng trên Facebook... Ðặc biệt, hiện có khoảng 50 triệu phú USD nhờ bán hàng trên mạng là những người trẻ tuổi mới đôi mươi. Tuy nhiên, xu hướng kinh doanh mới đã tạo cơ hội làm ăn cho một số người thì đồng thời cũng đặt ra vấn đề quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này, cụ thể là thu thuế do có phát sinh doanh thu cũng như kiểm soát những hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh đang diễn biến ngày càng phức tạp trên mạng xã hội. Hiện nay, việc quản lý bán hàng online gặp không ít trở ngại, chủ yếu là do người kinh doanh lại không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu, bán hàng chủ yếu theo hình thức tiền trao tay, không hóa đơn,... do đó không có cơ sở để tính thuế. Việc rà soát, sàng lọc các cá nhân kinh doanh mang tính chuyên nghiệp, có doanh thu lớn và những cá nhân chỉ kinh doanh mang tính thời vụ cũng không dễ dàng, chưa kể nhiều tài khoản Facebook thường xuyên thay đổi tên đăng nhập cũng như số điện thoại giao dịch. Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, hình thức thương mại điện tử (giao dịch thực hiện bằng phương tiện điện tử), đặc biệt là bán hàng qua mạng xã hội, đang phát triển mạnh trong ba năm gần đây, với số lượng website thương mại điện tử khoảng 80.000 trang. Ðáng chú ý là khoảng 50% website trong số đó có thời gian hoạt động ổn định từ hai năm trở lên, đồng nghĩa với việc phát sinh doanh thu nhưng Sở Công thương không kiểm soát được nguồn thu. Với đối tượng là cá nhân bán hàng qua mạng thì gần như thất thu thuế hoàn toàn! Luật sư Phạm Thị Hồng Ðào phân tích: "Theo Luật Quản lý thuế năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2016) thì tổ chức, cá nhân phát sinh nghĩa vụ thuế khi có hoạt động thương mại hoặc làm công, mua bán tài sản, không phân biệt giao dịch thương mại được thực hiện theo phương thức truyền thống hay theo phương thức điện tử. Có nghĩa là bất kể doanh nghiệp hay cá nhân có đăng ký kinh doanh hay không, miễn có hoạt động mua bán phát sinh thu nhập thì có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp thuế. Với người bán hàng là cá nhân thì được miễn nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân nếu mức doanh thu cả năm không vượt quá 100 triệu đồng. Tuy nhiên, đã mua bán phải kê khai, khi kê khai mới xác định có phải nộp thuế hay không. Thế nhưng, hầu hết những cá nhân kinh doanh trên các trang thương mại điện tử hiện nay không kê khai. Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên mạng không có địa điểm kinh doanh, không tài khoản ngân hàng rõ ràng. Không ít doanh nghiệp, cá nhân có cả website điện tử bán hàng nhưng không thông báo cho Cục Thương mại điện tử và không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ…". Như vậy, có thể khẳng định chúng ta đang thiếu cơ chế kiểm soát một loại hình kinh doanh mới mẻ. Về nguyên tắc, các cơ quan chức năng chỉ có thể quản lý trên cơ sở tổ chức, cá nhân tự nguyện đăng ký, kê khai thuế, nhưng điều này chưa thể thực hiện được do ý thức tự giác của người kinh doanh; nhưng nếu không tăng cường kiểm soát loại hình kinh doanh này sẽ dẫn đến bất bình đẳng trong kinh doanh và thất thu thuế. Ðã có ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng làm việc với đại diện Facebook đề nghị có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu từ hoạt động kinh doanh online, nhưng điều này không đơn giản. Cũng có thể Facebook được hưởng lợi từ các hoạt động quảng cáo, bán hàng trên mạng, nên nếu tăng cường quản lý loại hình kinh doanh này rất có thể ảnh hưởng đến doanh thu của nhà mạng.

Ngay từ năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử. Từ khi có Luật Giao dịch điện tử đến nay, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để kịp thời điều chỉnh các hoạt động giao dịch điện tử, bao gồm cả loại hình kinh doanh online, nhưng nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ. Còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng như chế tài xử lý phù hợp. Ðầu tháng 5 vừa qua, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã thông tin về việc trung tâm dữ liệu của cơ quan này đang lọc thông tin các tài khoản Facebook có hoạt động kinh doanh, trên cơ sở đó, với những tài khoản Facebook cá nhân có doanh số lớn và chưa kê khai thuế sẽ là "mục tiêu" cần phải quan tâm để thực hiện thu thuế. Bên cạnh việc rà soát, rất cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trực tuyến thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, hoặc cung cấp thông tin cá nhân giúp vào việc quản lý, cũng như có biện pháp xử lý kịp thời khi nảy sinh tranh chấp, khiếu nại. Hiện nay, trong kinh doanh online đã xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại như: giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản Facebook để tranh giành khách, bán hàng giả, hàng nhái,... gây ra những hệ lụy khó lường. Do đó, sự hợp tác của các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh trực tuyến nói riêng sẽ giúp xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, để từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của người kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6964 Tổng lượt truy cập 94828178