"Khúc tự tình" của Trần Ngọc Ước

Tập thơ “Khúc tự tình” (NXB Hội Nhà văn - 2018) của Trần Ngọc Ước tái hiện cô đọng cuộc đời cụ thể của một con người trên quê hương anh.

Ở đó những hình ảnh bến nước sông quê, với những kỷ niệm của “tuổi thơ tôi”, hình ảnh mẹ rửa lá dong, bố vo gạo nếp hiện lên sinh động. Trần Ngọc Ước tung tăng cùng hạnh phúc tuổi thơ, với đôi guốc gỗ mộc quai cao su bố đóng cho, với sải tay với dài bơi trên mặt sông đầy ắp sao trời. Quê hương có “Tiếng gà gáy bâng khuâng từ xóm nhỏ/ Nóc nhà sàn sợi khói khẽ đung đưa”. Hay như: “Ngọn gió vỗ về con dế khóc/ Bóng mây hờ hững… ánh trăng vơi”.

Trang bìa tập thơ.

Tuổi thơ của anh cùng chị em chúng bạn dùng lá tre tươi bắt con công cống trên nền đất có chiếc cối xay lúa… Anh nghe tiếng trống khai trường nháo nhác gọi tìm nhau. Với đám bạn mặt non như mầm phượng: “Nơi tôi ngồi lặng lẽ những chiều mưa/ Cây sáo trúc thổi không cần bản nhạc/ Nơi buổi sáng cả trường ran tiếng hát/ Chim sáo ran trên cây gạo đỏ hoa” (Ngày xưa ơi). Rồi lớn lên, tình yêu đến với những trái ngọt ban đầu đầy mê hoặc, quyến rũ: “Để tôi vấp phải nụ cười/ Ngã vào thăm thẳm một đời tìm em”. Đến với “Vườn yêu”, chàng trai nào cũng thấy “trái tim như có cánh” để được “Ôm ghì nhau thắm thiết giữa trời xuân”. Tình yêu ấy đã kết trái thành hạnh phúc gia đình: “Em vê cát ném hòa theo sóng biển/ Ánh mắt cười để lộ chữ yêu”.

Cuộc sống gia đình trôi đi giữa những đận sóng "cơm áo gạo tiền", nhưng: “Trong sâu thẳm trong lòng anh thầm cảm ơn em/ Bốn mươi năm qua chuyên cời than giữ lửa/ Ủ ấm gia đình khi rét lùa qua khe cửa/ Khi chuyển mùa… gió thốc lá tả tơi”. Có gia đình rồi, con cái sinh ra lớn lên người làm cha, làm mẹ đều lo lắng cho con từng đường đi nước bước: “…Ở nơi ồn ã xa xôi/ Con thì trẻ người non dạ/ Mẹ lo đến dại cả người”. Người cha dạy con trai mình qua tâm sự với con dâu: “Chồng con cậy sức khỏe/ Muốn vác cột chống trời/ Khát vọng chưa chín chắn/ Con phải khéo lựa lời”.

Tình yêu trên quê hương vùng than điện Uông Bí gắn bó sâu sắc với Trần Ngọc Ước để lại trong anh nhiều kỷ niệm: “Hòn than… lăn qua tay thành bát cơm, manh áo/ Những vết xước trên người than lặn vào đánh dấu”. Từ nhát cuốc khai hoang, từ mép lò xuyên vỉa, anh thêm gắn bó sâu sắc.

Thơ có thể đến có thể đi, có thể chia tay với nhiều người, những tình yêu thi ca - như người bạn đời chung thủy với Trần Ngọc Ước: “Kiếm bát cơm manh áo/ Vẫn biết không thể đùa/ Gam mầu đời lẫn lộn/ Mình chỉ là khách thơ”. Và “…Thấy đời còn điều tốt/ Ta lại ngồi làm thơ”.

Tập thơ “Khúc tự tình” là sự chắt lọc từ những giọt mồ hôi, nước mắt… của cuộc đời để mang đến cho bạn đọc. Tuy nhiên, đúng như anh tự nhận, anh chỉ là “khách” với thơ những gì vừa kể chỉ là lời tự tình chân thực, mộc mạc chưa làm chủ được ngôn ngữ thơ. Con đường thơ với anh còn là cả một chặng đường rất dài phía trước cần vươn tới.
                                                                                        

  Theo Nhà văn Trọng Khang/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19562 Tổng lượt truy cập 94706800