Không để tình trạng doanh nghiệp nợ tiền lương của người lao động dịp Tết Nguyên đán

Ngày 26/12, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban tuần để nghe báo cáo tình hình chăm lo Tết cho người lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì cuộc họp.

Nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt các công việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, trong đó có nhấn mạnh tới việc quan tâm chăm lo Tết cho đội ngũ người lao động tại các KCN, KKT, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện khảo sát, giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động các doanh nghiệp, nhất là mức lương, mức thưởng, cũng như tình trạng nợ lương, bảo hiểm xã hội còn ở một số doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, từ nhiều nguồn lực, việc chăm lo Tết cho người lao động trên địa bàn tỉnh năm nay tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Dự kiến trong dịp Tết này, các cấp Công đoàn sẽ thăm hỏi, động viên và tặng quà cho trên 70.000 người lao động. Các cấp Công đoàn cũng sẽ tổ chức hàng loạt các chương trình, hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo cho đoàn viên và người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.  

Kết luận nội dung này, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, Tết Nguyên đán sắp tới gần, các cấp, ngành, địa phương phải hết sức quan tâm chăm lo Tết cho người lao động, giúp họ được đón Tết đầy đủ, an vui, tạo động lực, khích lệ tinh thần giúp người lao động làm việc năng suất, hiệu quả hơn và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, với tỉnh. Trách nhiệm trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo chính quyền các địa phương cấp huyện, cấp xã; Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo hệ thống tổ chức công đoàn trong toàn tỉnh, đồng thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý KKT, Bảo hiểm xã hội chủ động nắm chắc, sâu sát, cụ thể vấn đề tiền lương, thưởng Tết và các chế độ cho người lao động kịp thời, không để bị động về bất cứ trường hợp người lao động nào và không để ai bị bỏ lại phía sau theo đúng các chỉ đạo của tỉnh.

Trên cơ sở khảo sát các đối tượng đoàn viên công đoàn gặp khó khăn, yêu cầu Đảng Đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh thực hiện việc hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật; không để tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ tiền công của người lao động vào dịp Tết. Các hoạt động tổ chức thăm hỏi, tặng quà của các cấp phải thiết thực, tránh hình thức. Riêng quà của Trung ương, của tỉnh phải tới đúng, đủ các đối tượng trước ngày 20/12 âm lịch.

Giám đốc Sở Xây dựng trình bày Đồ án quy hoạch vùng huyện Tiên Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để nghe và cho ý kiến về Đồ án điều chỉnh quy hoạch vùng các địa phương Tiên Yên, Bình Liêu đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Tiên Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính huyện Tiên Yên gồm thị trấn Tiên Yên và 10 xã, với diện tích khoảng 651km2. Tính chất là đầu mối giao thông của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh và vùng biên giới Việt-Trung; cửa ngõ ra biển của tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh biên giới phía Bắc. Là vùng phát triển công nghiệp, logistics, chế biến nông lâm sản, phụ trợ cho KKT Móng Cái, Vân Đồn và các khu vực miền núi phía Bắc. Là vùng miền núi kết hợp với đồng bằng ven biển và đất ngập nước với cảnh quan thiên nhiên đặc thù, đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc...

Trong Đồ án cũng đã đưa ra các dự báo phát triển về quy mô dân số, quy mô đất đai, tỷ lệ đô thị hóa; định hướng phát triển không gian vùng; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế xã hội - hạ tầng kỹ thuật.

Cho ý kiến về nội dung này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khẳng định: Tiên Yên là vùng có điều kiện thuận lợi về giao thông kết nối cả về đường bộ, đường hàng không, cửa khẩu với các địa phương trong tỉnh, đặc biệt khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào khai thác, tới đây Quốc lộ 4B được đầu tư nâng cấp, cải tạo, Tiên Yên sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng của cả vùng Đông Bắc.

Với tiềm năng, lợi thế về giao thông, cảnh quan, cơ hội phát triển như vậy, Tiên Yên phải tự nhìn lại mình, đặt trong mối tương quan phát triển của khu vực và tỉnh để tính lại mục tiêu phát triển, định hướng phát triển, phân lại các vùng dựa trên cơ sở phân tích hiện trạng và tính toán kỹ hướng phát triển chi tiết, cụ thể cho từng vùng. Cụ thể như vùng đồi núi phải tập trung khai thác tài nguyên rừng, phát triển làm giàu từ rừng, kết nối với Bình Liêu để phát triển kinh tế nông nghiệp, giữ nguồn sinh thủy; vùng trung tâm tập trung phát triển đô thị và phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; vùng ven biển sẽ là động lực phát triển mới của Tiên Yên, phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch, vùng nông nghiệp sinh thái hữu cơ, giữ vùng nuôi thủy sản rộng lớn, quỹ rừng ngập mặn phong phú đa dạng...

Tiên Yên phải có sự đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm theo hướng lâu dài. Trong đó, cần phải có giải pháp đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư, cải thiện sản phẩm du lịch, dịch vụ, đi liền đó phải phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái.

Đối với Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Liêu đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cho rằng: Bình Liêu đang có rất nhiều cơ hội cho thoát nghèo bền vững, bước sang giai đoạn phát triển mới, nhất là khi hoàn thành chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững. Trong Thông báo 353 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Liêu cũng nêu rõ, năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 100 triệu đồng; đồng thời nhấn mạnh đến những tiềm năng lợi thế, cơ hội phát triển của Bình Liêu thời gian tới. Vì vậy Đồ án quy hoạch vùng huyện phải bám sát vào các chỉ đạo, định hướng phát triển của huyện đã được định hình rõ.

Được xác định là vùng có tiềm năng lớn để phát triển thương mại, biên giới, dịch vụ du lịch kết hợp với kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với sản phẩm địa phương để phát triển đời sống dân sinh, Bình Liêu phải xác định du lịch dịch vụ, trong đó dịch vụ thương mại biên giới sẽ là đột phá để phát triển Bình Liêu; phải giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh biên giới quốc gia; giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Đồ án cần rà soát, tính toán lại một số nội dung liên quan đến dân số quy đổi, tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ đô thị hóa, dự kiến kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, 2040 và năm 2050; việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; định hình quy hoạch cấp nước sạch cho nhân dân; tính toán kỹ quỹ đất để phục vụ phát triển KKT cửa khẩu Đồng Văn.

Theo Thu Chung/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18229 Tổng lượt truy cập 91516709