Khởi sắc trong thu hút vốn đầu tư FDI

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực triển khai công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào địa bàn KCN, KKT. Qua đó, thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hạ tầng KCN Bắc Tiền Phong được đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu thu hút đầu tư các nhà đầu tư thứ cấp.

Trong giai đoạn 2018-2022, tổng nguồn vốn FDI thu hút tại địa bàn KCN, KKT tỉnh đạt 2.803 triệu USD, trong đó: Thu hút 45 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2.155,3 triệu USD và phê duyệt điều chỉnh tăng vốn cho 24 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 647,7 triệu USD. Như vậy, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn KCN, KKT của tỉnh có tổng số gần 87 dự án FDI của các nhà đầu tư đến từ 13 quốc gia, vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 4.608 triệu USD, bao gồm: 70 dự án tại các KCN (bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng KCN) có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 4.382 triệu USD và 17 dự án tại các KKT có tổng vốn đầu tư đăng ký 226 triệu USD.

Hoạt động thu hút FDI trên địa bàn KCN, KKT tỉnh đã có đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh với tỷ trọng ngày càng tăng, góp phần tăng cường năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ của nhiều ngành kinh tế, khai thông thị trường sản phẩm, đặc biệt là gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở ra những ngành kinh tế mới, có tác động lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại như Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định.

Đặc biệt, số lượng các dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm đa số, với tổng số 62 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký vào khoảng 3.391 triệu USD, chiếm 71,26% về số lượng và 73,6% về tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI trong địa bàn các KCN, KKT. Qua đó, làm gia tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN, KKT nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Từ nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao tại KCN Cảng biển Hải Hà (giai đoạn 1), KCN Việt Hưng; cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai. Lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ sạch bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn, có năng lực, kinh nghiệm vào nghiên cứu, triển khai đầu tư như tập đoàn TCL, Foxconn...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các dự án FDI trong KCN, KKT có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện qua sự bứt phá mạnh mẽ về các chỉ tiêu doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu. Đặc biệt trong 2 năm (2021-2022), khi một loạt các dự án FDI quy mô lớn đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tổng doanh thu của các dự án FDI đạt 10.558 triệu USD, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 15.883 triệu USD (trong đó xuất khẩu đạt 8.932 triệu USD), nộp ngân sách nhà nước 243,2 triệu USD và lao động bình quân hàng năm tăng thêm mỗi năm khoảng 2.000 người.

Sản xuất vải tại Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).

Nắm bắt cơ hội phát triển mới khi dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh lấy chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, với mục tiêu thu hút ít nhất 1,2 tỷ USD vào địa bàn KCN, KKT. Để đạt được con số này, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý KKT tỉnh báo cáo, đề xuất UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng hợp thu hút vốn đầu tư FDI năm 2023 vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, xác định danh mục 18 dự án FDI trọng điểm tập trung xúc tiến thu hút vào 5 KCN của tỉnh, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Trong đó chú trọng tập trung thu hút các nhà đầu tư tại các quốc gia, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu..., đảm bảo đúng định hướng phát triển KT-XH, phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Quan điểm thu hút dự án FDI vào tỉnh là lựa chọn các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sức cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên gắn với đảm bảo môi trường sinh thái, tạo sự lan tỏa và kết nối chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

Với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, tính đến hết quý I/2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã phê duyệt cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án FDI mới thực hiện tại địa bàn KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký 421,75 triệu USD, đạt 35,15% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 được giao. Đồng thời đang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hồ sơ đăng ký đầu tư cho các dự án khác đảm bảo đúng quy trình, luật định.

Theo Mạnh Trường/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23885 Tổng lượt truy cập 91171978