Khẩu hiệu "Kỷ luật và đồng tâm" ra đời thế nào?
Nói đến truyền thống văn hóa công nhân mỏ, có thể khẳng định giá trị cốt lõi nhất, làm nên đặc trưng của ngành Than là tinh thần kỷ luật và đồng tâm. Giá trị văn hóa ấy là tài sản tinh thần vô giá, có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của những người thợ mỏ, góp phần tô điểm, làm sinh động văn hóa giai cấp công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, câu khẩu hiệu kỷ luật và đồng tâm ra đời từ bao giờ và nội hàm khái niệm như thế nào thì không phải ai cũng hiểu.
Kỷ luật và đồng tâm là trụ cột văn hóa phát triển ngành Than.
Văn hóa công nhân mỏ là văn hóa riêng có và là bản sắc đặc trưng nhất của Quảng Ninh. Đồng tâm vốn là truyền thống trong lao động, sản xuất, đấu tranh chống thiên tai, giặc giã của cư dân vùng Đông Bắc. Văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm” được hình thành từ giữa thế kỷ XIX khi người Việt Nam bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than tại núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, lực lượng công nhân mỏ được hình thành và phát triển ngày càng đông đảo. Trong quá trình lao động, sản xuất hầm lò, nhất là đấu tranh chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân và tay sai, công nhân mỏ phải đoàn kết, đồng tâm thành một khối thống nhất để cộng hưởng sức mạnh đấu tranh. Từ khi Đảng ta ra đời, đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nên phẩm chất đó càng được rèn giũa, phát huy, nâng lên tầm cao mới. Hơn nữa, giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao; sản xuất công nghiệp theo dây chuyền, mang tính chuyên môn hoá nên bắt buộc người lao động phải rèn tính kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối kỷ luật lao động và kỷ luật tổ chức. Như vậy, kỷ luật và đồng tâm là phẩm cách văn hóa Quảng Ninh ra đời từ văn hóa truyền thống và từ đời sống công nghiệp hiện đại, mà Quảng Ninh vốn là một trong những cái nôi hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam.
Truyền thống này được biểu hiện rõ nhất trong quá trình đấu tranh cách mạng năm 1936. Dưới khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, cuộc tổng bãi công đòi chủ mỏ phải tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, ngược đãi công nhân, cải thiện điều kiện lao động của hơn 3 vạn thợ mỏ bắt đầu từ Cẩm Phả, là cuộc đấu tranh lớn nhất của phong trào công nhân mỏ Quảng Ninh trước Cách mạng Tháng Tám, và cũng là cuộc đấu tranh lớn nhất của phong trào cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1936-1939.
Ngày 12/11/1936, truyền đơn kêu gọi nghỉ việc chuẩn bị đấu tranh bao trùm khu mỏ. Sáng 13/11/1936, nhiều truyền đơn, áp phích kêu gọi đấu tranh lại tiếp tục xuất hiện ở các ngã tư, lối lên tầng lò... Cuộc bãi công đã lan rộng khắp nơi. Lo sợ trước tình hình này, chủ mỏ cùng bọn cai ký bàn cách chống phá cuộc bãi công. Thế nhưng, công nhân đã đoàn kết chặt chẽ, với khẩu hiệu: “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!”. Chiều 14/11/1936, chủ mỏ đã phải nhượng bộ, chấp nhận mọi yêu sách của công nhân. Cuộc bãi công thắng lợi đúng như tinh thần của câu khẩu hiệu.
Truyền thống tốt đẹp của công nhân Vùng mỏ luôn được thợ mỏ Hà Lầm lưu giữ chuyển trao cho thế hệ sau.
Trong câu khẩu hiệu đó, “Kỷ luật” là những quy định xử sự chung của một cộng đồng hoặc một tổ chức xã hội, yêu cầu mọi người phải tuân theo, nhằm tạo ra sự thống nhất hành động để đạt chất lượng hiệu quả cao. “Đồng tâm” là những người cùng chí hướng, cùng có chung sự quyết tâm đạt được một mục tiêu. Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, ngay từ cuộc đình công tháng 11/1936 như là một mệnh lệnh, cương lĩnh của thợ mỏ, đã đi vào lịch sử truyền thống như một sự sáng tạo độc đáo, chỉ xuất hiện duy nhất, có một không hai trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là sự biểu hiện tập trung, đầy đủ nhất về bản chất cách mạng, bản lĩnh đấu tranh đặc sắc về phương thức, phương pháp tập hợp lực lượng tạo nên sức mạnh to lớn, mạnh mẽ của đội ngũ thợ mỏ.
Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm" được người thợ mỏ thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, sản xuất như: Trong đấu tranh cách mạng giành độc lập và chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước; trong lao động sản xuất; trong hoạt động xã hội, trong phong trào văn hóa, thể thao. Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đã cùng với giai cấp công nhân mỏ, với nhân dân tỉnh Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập rồi đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Truyền thống đó đã hiện thực hóa thành sức mạnh vật chất làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” một lần nữa được khơi dậy, phát huy để có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Trong thời bình, nhất là giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công nhân ngành Than, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để khai thác hàng triệu tấn than, làm giàu cho Tổ quốc.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027