Khát vọng "nhân dân hạnh phúc" ở Quảng Ninh
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống của nhân dân theo tiêu chí hạnh phúc. Các yếu tố “dân hạnh phúc”, “chỉ số hạnh phúc”, “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” là mục tiêu phấn đấu xuyên suốt của tỉnh, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2025.
Cách đây vài năm, Bàn A Ba, người dân tộc Dao ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh có nhiệm vụ đặc biệt là… canh ngăn không cho người dân vượt qua sông Cổng mỗi khi có lũ về. Vào thời điểm ấy, giấc mơ về một cây cầu vững chãi, an toàn dường như xa vời với A Ba cũng như hàng trăm người dân tại xã Đồn Đạc, một xã tận cùng xa, tận cùng khó của xứ mỏ vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Cách đó không xa, tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, bà Lò Thị Chiu mỗi lần có việc phải lên Ủy ban nhân dân xã cũng phải cắt rừng, vượt qua sống lưng núi Cổng Trời sừng sững để… tiết kiệm thời gian. Những người trẻ hơn, có xe máy thì sẽ phải đi vòng quãng đường 50km để có thể… chạm tới đích đến tương tự.
Cũng khoảng thời gian đó, ngay tại trung tâm thành phố Hạ Long, Bà Hoàng Thị Hạnh (Giếng Đáy), sau khi phát hiện 13 polyp trong đại tràng đã phải rất vất vả, chạy đôn đáo khắp nơi để lo đủ giấy tờ tại địa phương khi muốn thăm khám ở các bệnh viện tuyến trên. Như nhiều bệnh nhân khác, bà Hạnh mong sẽ có một… “cuốn bệnh án điện tử… thần kỳ” để giảm thủ tục nhiêu khê khi khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến.
NHỮNG GIẤC MƠ DẦN TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Chỉ vài năm sau, trong những ngày tháng 10 khi cả Quảng Ninh đang tưng bừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh, những “giấc mơ nhỏ” khắp mọi miền đất Mỏ đang dần được hiện thực hóa.
Tại Đồn Đạc, cầu Lang Cang mới bề thế, vững chãi được dựng nên, xóa đi cảnh lũ chia cắt đôi bờ cho đồng bào người Dao Ba Chẽ.
Cây cầu bê tông kiên cố, vững chắc nối đôi bờ hạnh phúc ở thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ở Tiên Yên, một con đường bê tông dài 7,5 cây số cũng được vắt qua Cổng Trời để nối hai đầu xã Đại Dực, giúp bà con tiết kiệm hàng giờ di chuyển mỗi ngày.
Trên khắp tỉnh Quảng Ninh, bệnh án điện tử được đưa vào sử dụng, nối liền các tuyến điều trị từ địa phương tới trung ương.
Ngành Y tế Quảng Ninh luôn hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Những ngôi trường của nụ cười, đường biên giới hạnh phúc, ứng dụng “chính quyền thông minh”, thiết chế văn hóa hướng tới người dân… lần lượt hình thành và ra đời, từng bước mang lại sự hài lòng cho nhân dân.
Bảo tàng và Thư viện tỉnh Quảng Ninh nhìn từ trên cao. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Giai đoạn 2015-2020, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định. (Ảnh: TTXVN)
Tỷ lệ dân cư nông thôn Quảng Ninh được sử dụng nước sạch tăng từ 91,4% năm 2015 lên 99,89% năm 2022. (Đồ họa: VĂN TOẢN)
Tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh qua các năm. (Đồ họa: VĂN TOẢN)
BẢO ĐẢM "DÂN HẠNH PHÚC, DÂN THỤ HƯỞNG"
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong đó việc bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, giảm chênh lệch vùng miền được quan tâm hàng đầu.
Chính nhờ quyết sách này, Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, một trong những trung tâm phát triển năng động toàn diện; nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững của phía Bắc; cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện và đồng bộ.
Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Đầu năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lựa chọn “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” là chủ đề công tác của năm, khẳng định quyết tâm của Quảng Ninh trong việc bảo đảm mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Quảng Ninh lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững”, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khẳng định.
Lãnh đạo ngành Y tế Quảng Ninh luôn có những định hướng để xóa nhòa ranh giới về chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền.
Theo người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, niềm tin của nhân dân chính là thước đo quý giá nhất đối với năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, năng lực quản lý điều hành của chính quyền địa phương, là thước đo của sự nêu gương cũng như năng lực, uy tín của người đứng đầu.
Đồng thời, đó cũng là một động lực to lớn nhất, chính yếu nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, phóng viên Báo Nhân Dân đã ghi nhận những đổi thay về an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, đời sống văn hóa tinh thần..., cùng những câu chuyện hạnh phúc qua lăng kính của người dân vùng mỏ.
Theo special.nhandan.vn
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán