Khẳng định vị thế, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Ngành kiểm tra của Đảng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng, thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, đem lại niềm tin trong Đảng và trong Nhân dân. Kết quả của mỗi kỳ họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp được Nhân dân mong đợi, xem đó là những “chiến công” mới trong công cuộc chống “giặc nội xâm” trong giai đoạn hiện nay…

Hình ảnh tại Kỳ họp thứ 14 Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh: HH)

Kiểm tra, giám sát là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo.

Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng. Kiểm tra, giám sát là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng nói chung, cũng như của ngành kiểm tra nói riêng, đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch của Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Trong những năm qua, Ngành kiểm tra của Đảng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Điều lệ Đảng, thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, đem lại niềm tin trong Đảng và trong Nhân dân. Kết quả của mỗi kỳ họp Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp được Nhân dân mong đợi, xem đó là những “chiến công” mới trong công cuộc chống “giặc nội xâm” trong giai đoạn hiện nay.  

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tích cực thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; số lượng các cuộc kiểm tra, giám sát năm sau cao hơn năm trước. Nội dung đã tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát được nâng lên, có chuyển biến rõ rệt; kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm minh và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát hàng chục vạn tổ chức đảng và hàng triệu đảng viên; thi hành kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và hơn 87.000 đảng viên, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, kể cả đương chức và đã nghỉ hưu.

Từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 40 cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại các tổ chức Đảng. Ngay trong 4 tháng đầu năm nay, 16 tổ chức Đảng và nhiều đảng viên được kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Quý I/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thành lập các đoàn kiếm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021; công tác giám sát có nhiều đổi mới, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả giám sát; việc giải quyết tố cáo, khiếu nại kịp thời; công tác kiểm tra tài chính đảng kịp thời chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm cần chấn chỉnh.

Chỉ riêng vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và 8 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, thành; chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, thành kiểm tra dấu hiệu vi phạm liên quan đến vụ việc này.

Ủy ban kiểm tra các cấp đã đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực hiện quy định của Bộ Chính trị, đã đưa công tác phòng, chống tham nhũng thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, một nội dung quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát. Đã kịp thời kiểm tra, xử lý những cán bộ, đảng viên mắc vào tham nhũng, xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng.

Cùng với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, UBKT Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định về công tác kiểm tra, giám sát phù hợp với thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng. Ủy ban kiểm tra của Đảng đã phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý những tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm. Nhiều vụ việc sau đó đã bị các cơ quan pháp luật khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện hoàn toàn chủ động, đồng loạt, đồng thời chỉ đạo cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện. Theo quy định mới, các cơ quan chức năng điều tra thì cứ điều tra, Ủy ban kiểm tra vào ngay để kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên, kết luận sai tới đâu xử lý tới đó.

Theo ông Lê Thanh Vân, đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau, chỉ đạo của Tổng Bí thư rất rõ ràng, khi có dấu hiệu vi phạm lập tức phải kiểm tra ngay, chứ không phải chờ đợi thanh tra, điều tra nữa. Công tác Đảng phải là công tác quan trọng, rồi từ đó mới thẩm thấu vào các hoạt động của bộ máy nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 27/4/2022. (Ảnh: Tạp chí Nội chính)

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thực hiện toàn diện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ công tác kiểm tra, giám sát ở cả địa phương và Trung ương.

Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, không có vùng cấm và được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng. Cũng trong thời gian gần đây, nhiều vụ việc đình đám, mới, khó được phát hiện và xử lý kỷ luật như: vi phạm đấu thầu trong Hợp đồng mua sắm kit test xét nghiệm COVID-19; thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản; đánh bạc công nghệ… đã tiếp tục thể hiện bản lĩnh, ý chí và quyết tâm của Đảng nói chung và của Ngành Kiểm tra Đảng nói riêng.

Thông qua việc kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên để giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng và củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Công tác kiểm tra không chỉ phát hiện, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; đưa ra khỏi tổ chức những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất mà còn góp phần phát hiện, biểu dương những tập thể và cá nhân tiên tiến, xuất sắc.

Với phương châm không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, tổ chức kiểm tra ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, địa bàn khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm; trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực khó, địa bàn nổi cộm, phức tạp, trước đây ít kiểm tra hoặc chưa được kiểm tra, như: Kiểm tra về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, qua đó, đã xử lý kỷ luật khai trừ một số cán bộ, đảng viên suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng, có nhiều vi phạm về tuyên truyền chống lại nền tảng tư tưởng của Đảng. Kiểm tra các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang về công tác cán bộ, bảo vệ môi trường gắn với đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng…

Những kết quả trên đây đã khẳng định quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản lĩnh của ngành kiểm tra trong công cuộc chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đã lựa chọn đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, kết luận rõ các vi phạm, khuyết điểm, kiến nghị huỷ bỏ các nghị quyết, quyết định trái thẩm quyền, tạo sự ổn định cho địa phương, cơ quan, đơn vị.

Khẳng định kết quả này, ngay tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa diễn ra tuần trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo đã nhấn mạnh: Từ thực tế của công tác phòng chống tham nhũng đã rút ra kinh nghiệm hoàn toàn đúng cả về lý luận, thực tiễn và đường lối. Đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, cứ có dấu hiệu là Ủy ban Kiểm tra có quyền vào kiểm tra. Đây là kinh nghiệm hay, đúng nguyên tắc, kỷ luật Đảng trước, rồi đến kỷ luật về hành chính, tiếp đến là xử lý hình sự. Điều này phù hợp với đường lối và thực tiễn đã chứng minh là đúng, có kết quả tốt, phải nhân lên./.

Theo Hoa Hiền/dangcongsan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18934 Tổng lượt truy cập 94763874