Khẩn trương đáp ứng quy định EUDR để xuất khẩu vào thị trường EU
Sau ngày 30/12/2024, các tổ chức, doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU phải đáp ứng quy định của châu Âu về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng (EUDR). Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị vẫn chưa hoàn tất, khiến các doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ lúng túng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty TAVICO Long Bình (Đồng Nai).
Với nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng gây mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ môi trường bền vững, ngày 16/5/2023, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quy định EUDR, có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 và bắt đầu áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày có hiệu lực (ngày 30/12/2024); riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thời gian áp dụng sau 24 tháng (ngày 30/6/2025).
Còn nhiều vướng mắc
Theo đó, EU sẽ cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng nông lâm sản bao gồm cà-phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca-cao và đậu nành nếu các hoạt động trong chuỗi cung tại quốc gia sản xuất các sản phẩm này gây ra tình trạng mất rừng và suy thoái rừng (thời điểm tính từ sau ngày 31/12/2020). Đến nay, EU chưa có những hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực thi.
Theo quy định này, một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà-phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vị trí canh tác, sản xuất. Các doanh nghiệp làm đồ gỗ xuất khẩu sang EU hiện đang gặp nhiều vướng mắc khi các nhà nhập khẩu liên tục gửi các thông tin và yêu cầu phải cam kết tuân thủ EUDR.
Khu vực Tây Nguyên hiện được coi là nơi tập trung nhiều các mặt hàng xuất khẩu sang EU như gỗ, cà-phê và cao su. Các nhà quản lý doanh nghiệp trong khu vực đang gặp nhiều khó khăn, những cản trở trong chuỗi cung ứng chưa được tháo gỡ khi “giờ G” đã cận kề. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nơi đây có nhiều dân tộc thiểu số; trong quá trình di cư, di dân, có nhiều diện tích đất rừng mà người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. EUDR yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đồng nghĩa cây trồng trên đất canh tác phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Việc này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và nguồn hàng hóa xuất khẩu. Nếu thực hiện EUDR, vấn đề đặt ra là phía EU cũng như các cơ quan quản lý trong nước có giải pháp hỗ trợ nào cho cộng đồng người dân khu vực dân tộc thiểu số này khi họ khai thác tại các vùng đất chưa có chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Chung quanh cây cà-phê, cao su và gỗ sản xuất, những cây trồng phát triển kinh tế chủ lực của đồng bào Tây Nguyên, có nhiều ý kiến băn khoăn về chính sách nhập khẩu mới của EU, như diện tích canh tác lâu năm, hiện có nhiều tổ chức, hộ gia đình phát triển cà-phê bền vững, trồng xen, nhất là cây rừng, thì ở mật độ bao nhiêu là phù hợp với quy định của EU (?). Trong trường hợp này, cần có giải pháp cụ thể để tạo sinh kế cho những người đang canh tác trên mảnh đất đó và làm thế nào để các nông hộ, hộ tiểu điền không bị đánh bật khỏi chuỗi cung ứng.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Ðịnh Lê Minh Thiện cho rằng, quy định EUDR là rào cản và thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Đến nay, khung kế hoạch hành động thích ứng quy định EUDR do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện cũng mới chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị, nên các doanh nghiệp ngành gỗ rất lúng túng khi thực hiện quy định này. Hiện nhiều đối tác ở châu Âu đã yêu cầu, nếu tiếp tục xuất khẩu mặt hàng gỗ trong năm nay thì phải cung cấp hồ sơ sản phẩm, trong đó có bản đồ chuỗi cung ứng sản phẩm; định vị địa lý dưới dạng bản đồ đa giác hoặc tọa độ định vị GPS của vị trí khai thác gỗ; nguồn gốc gỗ; bằng chứng cho thấy các địa điểm gỗ khai thác không thuộc diện bị phá rừng và suy thoái rừng sau ngày 30/12/2020. Đây là vấn đề nan giải đối với nhiều doanh nghiệp vì phần lớn diện tích gỗ rừng trồng chưa được cấp chứng chỉ FSC; nhiều diện tích đất rừng chưa đầy đủ tính pháp lý, nên không thể truy xuất được nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Mặc dù, tiến trình thích ứng với EUDR tại Việt Nam được đánh giá có những thuận lợi. Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến về bảo vệ và phát triển rừng; trong đó, đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014. Doanh nghiệp Việt Nam đã tuân thủ quy định “Chống buôn bán bất hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ khai thác của EU” (EUTR), thực thi “Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản” (VPA/FLEGT), thực thi “Thỏa thuận gỗ với Hoa Kỳ”...
Ngay khi Liên minh châu Âu ban hành EUDR, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai nhiều hoạt động xác định rừng bảo đảm đủ các điều kiện xuất khẩu gỗ, hoàn thiện bản đồ rừng vệ tinh tại Việt Nam. Dù vậy, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng với EUDR, như cơ sở dữ liệu ngành lâm nghiệp vẫn còn thiếu, không đồng nhất; chưa có bản đồ ranh giới rừng 2020 đáp ứng yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, chuỗi cung các ngành hàng nông sản tại Việt Nam thường dài, phức tạp, nhỏ lẻ, việc tuân thủ truy xuất hạn chế. Phía đối tác EU hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp và chỉ số giám sát thực hiện EUDR.
Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, về triển khai thực hiện các quy định EUDR, thực tế, ngành gỗ và cao su là hai ngành hàng đã tham gia VPA/FLEGT với EU. Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BNPTNT ngày 15/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số thông tư ngành lâm nghiệp, trong đó có Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đã đáp ứng và cam kết của Chính phủ Việt Nam về tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu là hợp pháp.
Cùng với đó, Việt Nam đã dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên từ năm 2014 và có những quy định về chuyển đổi đất rừng rất chặt chẽ tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Do vậy, về cơ bản gỗ và sản phẩm của gỗ, cũng như cao su khi xuất khẩu sang thị trường EU không những bảo đảm hợp pháp mà còn không gây mất rừng và suy thoái rừng.
Để các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu của EUDR khi xuất khẩu, với vai trò quản lý nhà nước, ngành lâm nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp như thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là nền tảng để đáp ứng quy định EUDR, với những tiêu chuẩn về cả kinh tế, xã hội và môi trường; hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững có nhiều điểm tương đồng và sẽ thuận lợi khi thực hiện EUDR.
Quy định sản xuất hàng hóa của EUDR có các điểm mấu chốt là hàng hóa không được sản xuất từ nguyên liệu gây mất rừng, suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020; sản xuất phải tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại; có thông tin tọa độ đối với các lô khai thác; có hệ thống thẩm định trách nhiệm để minh chứng việc tuân thủ theo quy định luật pháp của nước sở tại.
Một trong những mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Theo đó, đối với các khu vực diện tích cá nhân, hộ gia đình có diện tích manh mún, nhỏ lẻ, nhất là các hộ sản xuất nhỏ có rất ít hoặc không có thông tin về các yêu cầu của EUDR hoặc thiếu dữ liệu cơ bản và bằng chứng về tính hợp pháp và phá rừng, cơ quan quản lý sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng trong thời gian tới.
Mới đây, Cục Lâm nghiệp đã xây dựng tài liệu hướng dẫn tạm thời cấp và quản lý mã số vùng trồng rừng nguyên liệu thực hiện thí điểm tại một số tỉnh phía bắc, ban hành kèm theo Quyết định số 2260/QĐ-BNN-LN. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ đánh giá và nhân rộng cấp mã số vùng trồng trên toàn quốc. Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp khẳng định tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các bên liên quan rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR của ngành gỗ; đồng thời, liên tục cập nhật và cung cấp những thông tin kịp thời và thực tế hỗ trợ cho các kế hoạch hành động theo các yêu cầu của quy định EUDR cho các doanh nghiệp và đơn vị liên quan.
Hiện nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đã phối hợp với Cục Lâm nghiệp và các đối tác liên quan lựa chọn 6 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ và sản phẩm của gỗ sang EU, doanh nghiệp nguyên liệu trong chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu sang EU để khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định khoảng trống mà doanh nghiệp cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu EUDR. Sau khi khảo sát và xây dựng tài liệu hướng dẫn, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý, thu thập thông tin, đánh giá rủi ro, các biện pháp giảm thiểu rủi ro theo quy định của EUDR.
Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn kỹ thuật tạm thời thích ứng với EUDR cho ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ để hỗ trợ, sẵn sàng đồng hành cùng ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đáp ứng được quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu…
Theo nhandan.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027