Khai mạc Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 7/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 38 để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về công tác nhân sự và cho ý kiến lần cuối việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chỉ còn 2 tuần nữa Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sẽ diễn ra, do đó, Phiên họp thứ 38 rất quan trọng để rà soát những công việc chuẩn bị cho kỳ họp này. Dự kiến trong 5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định 21 nội dung.

Thứ nhất, công tác lập pháp tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, với thời lượng lớn nhất tại phiên họp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

“Thông thường, tại các phiên họp sát kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và một số ít nội dung cấp bách khác, nhưng do khối lượng công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn nên cho đến phiên tháng 10 này vẫn còn khá nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo đó, có 5 dự án luật trình xin ý kiến gồm: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Dữ liệu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Nhà giáo. Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đến nay, các cơ quan chưa chuẩn bị kịp hồ sơ nên trước mắt chưa bố trí trong chương trình phiên họp này.

Có 2 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 1 kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, công tác dân nguyện trình Quốc hội.

“Đây là các báo cáo quan trọng, trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc và phát thanh, truyền hình trực tiếp. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến kỹ lưỡng, cụ thể, làm cơ sở cho Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Dân nguyện nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội, bảo đảm ngắn gọn, thực chất, sát thực tiễn, đánh giá được tổng thể về tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách của đất nước trong một năm qua cũng như thể hiện một cách đầy đủ, trung thực, khách quan ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp sáng 7/10. (Ảnh: DUY LINH)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về 3 vấn đề quan trọng trình Quốc hội, gồm: chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; công tác nhân sự.

Về một số công việc khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; theo đó, sẽ rà soát lại lần cuối toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc tổ chức kỳ họp, từ công tác chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp đến cách thức tổ chức, công tác bảo đảm, an ninh...

Đồng thời, xem xét, quyết định theo thẩm quyền về: việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2024; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024 của Văn phòng Trung ương Đảng; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 9/2024 theo thông lệ.

Để phiên họp tiến hành hiệu quả, đạt yêu cầu đề ra, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp thời gian, tham dự phiên họp đầy đủ, phát huy trí tuệ tập thể, nghiên cứu kỹ tài liệu, tập trung xem xét, thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc chất lượng đối với mỗi nội dung, thể hiện quan điểm rõ ràng về việc các nội dung có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không.

Do phiên họp kết thúc sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 8, nên ngay sau khi kết thúc mỗi nội dung, các cơ quan cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện tài liệu. “Đây là giai đoạn “nước rút” để hoàn tất các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8. Các đồng chí có thể tranh thủ làm ban đêm, cả thứ 7, chủ nhật để bảo đảm công việc, làm sao hết sức khoa học”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung đầu tiên của phiên họp: cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1383 Tổng lượt truy cập 94975763