Hôm nay, loạt chính sách BHYT ảnh hưởng tới hàng triệu người được Quốc hội thảo luận

Chiều nay (31/10), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ giải trình, làm rõ các ý kiến ĐBQH nêu.

Theo chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên làm việc buổi sáng 31/10, Quốc hội sẽ nghe các Tờ trình và thẩm tra về dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và Tờ trình về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở Tổ về 2 nội dung trên.

Buổi chiều, Quốc hội dành thời gian để thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Cuối phiên thảo luận, chủ tọa sẽ mời Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số ý kiến ĐBQH nêu. Phiên thảo luận sẽ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào sáng 24/10.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được trình Quốc hội vào sáng 24/10 vừa qua. Tại phiên thảo luận Tổ chiều 24/10, các ĐBQH đã thảo luận sôi nổi; với nhiều ý kiến đóng góp thấu đáo.

Tại lần sửa đổi này, dự án Luật tập trung sửa đổi với 4 nhóm chính sách, bao gồm:

Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan;

Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn;

Thứ ba, điều chỉnh các quy định BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT;

Thứ tư, phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Các ĐBQH thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT chiều 24/10.

Theo Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách, chế độ BHYT theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh, cụ thể: Về đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của BHYT; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng BHYT hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT…

Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT là cần thiết để bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở và hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Dự kiến, chiều 27/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.

Theo suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 35928 Tổng lượt truy cập 94879168