Hội thảo khoa học “Nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí” với định hướng xây dựng Thành phố Di sản

Tại Hội thảo khoa học “Nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí” được diễn ra tại thành phố Uông Bí sáng nay, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được trên 30 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học Trung ương và địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố và đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo.

Các tác giả tham luận đã đi sâu phân tích, làm rõ các nội dung quan trọng về giá trị lịch sử - văn hoá và khoa học ẩn chứa trong kho tàng di sản văn hoá đa dạng và phong phú của thành phố Uông Bí, thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương; đồng thời đề xuất những giải pháp và mô hình phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn di sản, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có ngành du lịch mang sắc thái đặc trưng của thành phố Uông Bí.

Đồng chí Mai Vũ Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Thành ủy Uông Bí phát biểu tại Hội thảo. 

Báo cáo đề dẫn, PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh, Uông Bí là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều tiềm năng như hệ thống các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, di tích cấp tỉnh và những lễ hội truyền thống mang đặc trưng tín ngưỡng vùng miền. Hệ thống các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở Uông Bí đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng, riêng có.

PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia báo cáo đề dẫn tại Hội thảo.

Hiện, trên địa bàn thành phố Uông Bí có 31 di tích nằm trong danh mục của tỉnh, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa. Thành phố có 32 di sản văn hóa phi vật thể với 6 loại hình gồm: 08 di sản Tập quán xã hội; 06 di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian; 05 di sản Lễ hội truyền thống; 05 di sản Ngữ văn dân gian; 07 di sản Tri thức dân gian và 01 di sản Tiếng nói, chữ viết.

Đồng chí Phạm Tuấn Đạt, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí phát biểu tại Hội thảo.

Hàng năm, trên địa bàn thành phố Uông Bí diễn ra 7 lễ hội. Công tác lập hồ sơ xếp hạng di tích luôn được địa phương quan tâm, chú trọng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm triển khai; đã và đang nghiên cứu, phối hợp với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học đối với di sản văn hoá tiêu biểu quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử gửi trình UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh ở Việt Nam. Thành phố luôn quan tâm đến việc bảo tồn một số loại hình văn hóa phi vật thể, khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế. Cùng với đó là chú trọng chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích theo đúng Luật di sản văn hóa; đồng thời quan tâm bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Tiến sĩ Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh khẳng định, thành phố Uông Bí được xác định là trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Ninh; có vị trí, vị thế và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực. Uông Bí là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, đa dạng và đặc sắc, với sự góp mặt, hội tụ của nhiều yếu tố, giá trị văn hóa của các dân tộc khác nhau. Đặc biệt, vùng đất Uông Bí đã sớm hình thành một Trung tâm văn hóa Phật giáo tại Yên Tử, không chỉ có ý nghĩa đối với quá trình hình thành và phát triển văn hóa của Uông Bí, mà còn có ý nghĩa tạo dựng, thúc đẩy sự phát triển văn hóa tâm linh của cả nước. Bên cạnh các di tích lịch sử văn hóa, Uông Bí hiện còn có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng, ghi dấu lịch sử ngành Than, lịch sử hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam cũng như lịch sử đấu tranh cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Tiến sĩ Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Trên cơ sở những đánh giá, phân tích tại Hội thảo, đồng chí đề nghị thành phố Uông Bí nghiêm túc tiếp thu, vận dụng vào thực tế trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, vùng đất Uông Bí. Từ đó, tạo ra những đột phá mới trong lĩnh vực phát triển du lịch, dịch vụ gắn với định hướng phát triển bền vững của thành phố, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh có hiệu quả, chọn lọc và mang tính đặc trưng.

Cùng với đó, Uông Bí cũng cần quan tâm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để tăng cường ứng dụng chuyển đổi số với các công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản văn hóa địa phương trong bối cảnh hội nhập; sẵn sàng chuẩn bị tâm thế vững vàng, kế hoạch chiến lược tổng thể khi Yên Tử được vinh danh là Di sản thế giới. Từ đó, phấn đấu xây dựng thành phố Uông Bí trở thành Thành phố Di sản trong tương lai, lan tỏa thông điệp Quảng Ninh - Điểm đến an toàn, thân thiện, trách nhiệm.

Tại diễn đàn của hội thảo, các nhà nghiên cứu, khoa học đã có nhiều trao đổi, ý kiến tập trung vào một số chủ đề: Vấn đề bảo tồn di sản văn hoá trên nền cảnh lịch sử - văn hoá của tỉnh Quảng Ninh và triển vọng vươn lên trong khuôn khổ tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nét đặc trưng văn hoá của Uông Bí từ góc nhìn tài nguyên du lịch, hay khả năng đóng góp của di sản văn hoá của Uông Bí cho phát triển công nghiệp văn hoá ở địa phương; Sáng tạo các gói sản phẩm du lịch đặc thù như điểm đến, tour, tuyến du lịch, tạo sức cuốn hút với du khách đến thăm các di tích lịch sử - văn hoá ở Uông Bí; Bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững trong sự liên kết giữa Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên - Hạ Long, Uông Bí - Đông Triều - Tây Yên Tử (Bắc Giang) - Côn Sơn và Kiếp Bạc (Hải Dương). Nhìn chung, các ý kiến đều phân tích làm rõ những giá trị nổi bật của di sản trên địa bàn thành phố, mà điển hình là Yên Tử - Di tích Quốc gia đặc biệt, cũng như các tiềm năng, thế mạnh của di sản nói chung trong vai trò là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Uông Bí trong tương lai.

Các nhà khoa học, các nhà quản lý trao đổi, phân tích các vấn đề tại Hội thảo.

Hội thảo khoa học “Nhận diện bảo tồn và phát huy giá trị di sản vùng đất Uông Bí trong định hướng phát triển bền vững thành phố Uông Bí” có ý nghĩa quan trọng và thiết thực cho việc bảo tồn di sản văn hoá, gắn với phát triển du lịch bền vững của thành phố Uông Bí; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra về “Xây dựng Uông Bí thành Trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước”; phấn đấu thực hiện thắng lợi chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh và thành phố về “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh"; đồng thời thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Hồng Hoàn - Hồng Nhung

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20053 Tổng lượt truy cập 94707767