Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 16-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ

Ngày 15-11, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 16-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự tại đầu cầu Uông Bí có đồng chí Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các xã phường, các ban ngành liên quan.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 và Nghị quyết 16, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền và từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế-văn hoá-xã hội của tỉnh Quảng Ninh, phù hợp với định hướng đến năm 2020 xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu Uông Bí.

Ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, KCN, CCN… và đặc biệt là sự đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hoá, mở rộng… Theo đó, từ năm 2012 đến tháng 10-2016, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh đạt 35.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các công trình trọng tâm, trọng điểm mang tính đột phá như đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18, Xây dựng Chính quyền điện tử, đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn và xã đảo Cái Chiên…

Đối với TP Uông Bí: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và Nghị quyết số 16 của Trung ương, kinh tế của thành phố tiếp tục ổn định, đạt mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần  tỷ trọng khu vực lâm – nông - ngư nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sự nghiệp y tế, phúc lợi công cộng và an sinh xã hội được đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. 5 năm qua, Uông Bí đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong phát triển: Từ thị xã đô thị loại 3, Uông Bí trở thành thành phố, đô thị loại 2; Khu di tích lịch sử Yên Tử được công nhận di tích đặc biệt cấp quốc gia; Thành phố đưa vào hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp huyện đầu tiên của tỉnh, góp phần cải cách hành chính nhà nước và xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2014, hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Điền Công và Thượng Yên Công.

Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng được thành phố thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện; về thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; về hệ thống cấp nước và xử lý rác thải và các công trình phúc lợi xã hội. Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2020, TP Uông Bí đã triển khai lập các quy hoạch  chiến lược với các tư vấn nước ngoài về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng TP Uông Bí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo quy định đã được duyệt, trong lộ trình từ nay đến năm 2020, TP Uông Bí sẽ xây dựng tuyến đường tránh phía Nam, kết nối phát triển du lịch Uông Bí - Đông Triều và  Hạ Long, Quảng Yên và với đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng theo hình thức BT; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long đi qua khu vực phía Bắc thành phố. Đồng thời, nâng cấp tuyến đường từ QL 18 vào Yên Tử; đường liên huyện Uông Bí - Hoành Bồ, Uông Bí - Đông Triều; xây dựng nâng cấp và mở rộng cảng Điền Công; xây dựng Hồ chứa nước 12 Khe tại Bắc Sơn, đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân TP Uông Bí và TX Quảng Yên.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã khẳng định: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 13 của BCH Trung ương và Nghị quyết 16 của Chính phủ, Quảng Ninh đã đạt được những đột phá mạnh mẽ trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh đã tập trung vào 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá trong kết cấu hạ tầng. Để hiện thực hóa chủ trương này, Quảng Ninh đã chủ động xin phép Chính phủ chấp thuận cho tỉnh được mời các chuyên gia tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới thực hiện quy hoạch chiến lược của tỉnh. Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng.

Tỉnh đã có thành công đột phá trong việc thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư tự bỏ vốn để đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, về hạ tầng giao thông như: Dự án cải tạo QL 18 từ Bắc Ninh đến Hạ Long với tổng mức đầu tư 5.743 tỷ đồng (đã đưa vào khai thác đoạn Uông Bí - Hạ Long); Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức PPP, hợp đồng BOT; Dự án cảng hàng không Quảng Ninh với tổng mức 7.500 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, còn nhiều lĩnh vực hạ tầng thương mại, du lịch, khu công nghiệp như dự án Big C Hạ Long với tổng mức 353 tỷ đồng; Vincom Center 1.072 tỷ đồng; công viên đại dương Hạ Long với tổng mức 7.779 tỷ đồng; hạ tầng KCN cảng biển Hải Hà với tổng mức 4.515 tỷ đồng; hạ tầng KCN và cảng biển Tiến Phòng - Đầm Nhà Mạc với tổng mức 2.687 tỷ đồng…

Trong điều hành, tỉnh cũng đã linh hoạt đề xuất Chính phủ bổ sung tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng vào Quy hoạch đường cao tốc quốc gia và tỉnh chủ động cân đối từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực BOT để thực hiện dự án này. Những năm gần đây, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các công trình giao thông quy mô lớn như: hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển quốc tế… Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn như đường tỉnh lộ, đường lên các khu Kinh tế cửa khẩu, đường trục chính Khu Kinh tế Vân Đồn, các tuyến đường đô thị, đường giao thông nông thôn cũng đã được đầu tư đồng bộ. Hệ thống hạ tầng trong các lĩnh vực khác như: điện, hạ tầng đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư với quy mô rất lớn. Quảng Ninh đã trở thành một Trung tâm nhiệt điện quốc gia, hệ thống điện cung cấp ra các tuyến đảo được hoàn thiện tạo sự thay đổi lớn trong chất lượng cuộc sống của nhân dân vùng hải đảo Cô Tô, Vân Đồn và xã đảo Cái Chiên (Hải Hà)… Tạo động lực làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, văn minh…

Bên cạnh sự đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, Quảng Ninh còn đột phát trong cải cách hành chính, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, tỉnh đã bước đầu xây dựng và vận hành Chính quyền điện tử với sự kết nối đồng bộ từ Trung tâm Hành chính công tỉnh đến Trung tâm hành chính công cấp huyện và Trung tâm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 tại các xã. Bên cạnh đó, tỉnh cũng dành nguồn lực đầu tư hợp lý vào các công trình văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học, y tế, giáo dục… từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa.

 

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8650 Tổng lượt truy cập 94791493