Hội nghị bàn tròn Thủ tướng Chính phủ với Mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam

Chiều 13-12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Nhóm Sáng kiến Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn Thủ tướng Chính phủ với Mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; các chuyên gia, học giả uy tín trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. Ảnh: TRẦN HẢI

Hội nghị bàn tròn lần này có chủ đề "Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu". Ðây là một trong nhiều hội nghị tham vấn chính sách cho Chính phủ với sự tham dự của đông đảo chuyên gia quốc tế và trí thức Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, góp phần tích cực tạo kênh đối thoại quan trọng để trí thức Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến phản biện vào quá trình hoạch định và điều hành chính sách của Chính phủ. Hội nghị đã thảo luận về ba chủ đề: Ðịnh vị Việt Nam trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; Chính sách công nghiệp hóa (CNH) cho Việt Nam trong giai đoạn tới; Phá bỏ điểm nghẽn tăng trưởng và kiến tạo phát triển. Ðây là những vấn đề Việt Nam đang rất quan tâm thúc đẩy, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.

Tại hội nghị, GS R.Hau-xơ-man (Ðại học Ha-vớt, Hoa Kỳ) trình bày ấn tượng về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế thông qua đánh giá về sự đa dạng năng lực sản xuất, độ phức tạp của các sản phẩm xuất khẩu và mối liên hệ mật thiết với tăng trưởng của một quốc gia. GS Trần Văn Thọ (Ðại học Oa-sê-đa, Nhật Bản) trình bày về chính sách CNH của Việt Nam cho giai đoạn mới, đặc biệt nhấn mạnh Việt Nam phải đẩy mạnh CNH vừa theo diện rộng vừa đi vào chiều sâu, trong đó cần tránh được bẫy gia công khi tham gia chuỗi giá trị là một thách thức không nhỏ. PGS, TS Trần Ngọc Anh (Ðại học In-đi-a-na, Hoa Kỳ), Giám đốc Sáng kiến Việt Nam, đã chỉ ra những điểm nghẽn đang tồn tại trong hệ thống kinh tế Việt Nam hiện đại, đang cản trở Việt Nam phát triển kinh tế một cách bền vững cần phải được phá bỏ…

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn những đóng góp, những ý kiến tâm huyết và những đề xuất giải pháp hữu ích của các chuyên gia. Bày tỏ nhất trí với trình bày của các chuyên gia, Thủ tướng đánh giá, đây là sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ trong nước và quốc tế cho phát triển của Việt Nam. Ðiều đáng mừng là trong khó khăn, nhưng dư địa tăng trưởng cho Việt Nam còn lớn, Việt Nam có lợi thế trong phát triển, điều đó mang lại niềm tin cho chúng ta. Do đó, Chính phủ cần lắng nghe, cầu thị và khắc phục gấp những bất cập, hạn chế, từ đó phải hành động nhanh, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Ðể Việt Nam gặt hái được thành công ở giai đoạn phát triển có tính chất bước ngoặt hiện nay, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần có "tầm nhìn toàn cầu" kết hợp với thực tiễn Việt Nam trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển. Muốn vậy phải kết hợp tốt giữa "ngoại lực" và "nội lực"; sắp tới phải đẩy mạnh hơn sự hợp tác để gia tăng nguồn lực trí thức Việt Nam phục vụ yêu cầu phát triển. Qua hội nghị này, Thủ tướng muốn gửi đến các trí thức trong nước và quốc tế một thông điệp: Chính phủ lắng nghe người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là từ các nhà khoa học, để chính sách Chính phủ có phản biện, có cái nhìn đa chiều. Quan trọng là lắng nghe để hành động. Vấn đề không phải chúng ta ban hành bao nhiêu luật mà điều quan trọng là chất lượng của các văn bản pháp luật, hướng tới người dân và doanh nghiệp bởi doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định cho tăng trưởng; trong tăng trưởng, cần phải coi trọng cả số lượng đi liền với chất lượng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ Ngoại giao và Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn trí thức quốc tế kết hợp với nguồn trí thức trong nước thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật cho phép, hoạt động cần có kết quả cụ thể, thiết thực. Bộ Công thương trao đổi sâu hơn với nhóm nghiên cứu của GS R.Hau-xơ-man, GS Trần Văn Thọ về những nội dung đã trình bày để phục vụ đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế Việt Nam và các chính sách về CNH. Bộ Nội vụ chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình chấm điểm hành chính công một cách thấu đáo; Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ phối hợp Nhóm Sáng kiến Việt Nam xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia cho Chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn chào đón, cầu thị và mong muốn nhận được sự đóng góp, hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ hơn của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước.

Ðặt tại Trường Chính sách công (SPEA), Ðại học In-đi-a-na Blum-minh-tơn (Hoa Kỳ), Sáng kiến Việt Nam là một tổ chức hàn lâm độc lập, phi chính phủ, phi chính trị với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam; có mạng lưới các chuyên gia, học giả đến từ hơn 40 trường đại học lớn, các công ty luật, các tổ chức quốc tế ở Hoa Kỳ cũng như trên toàn thế giới; đã có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển Việt Nam và tổ chức thành công một số chương trình lớn để giảng dạy và đào tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam.

 

Theo nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8081 Tổng lượt truy cập 94790386