HIV tăng nhanh trong nhóm nam thanh niên, giới trẻ, vì sao?

Tình trạng lây nhiễm HIV đang gia tăng trong nhóm đối tượng nam thanh niên, giới trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) ... Điều này có thể là một thách thức cho mục tiêu Chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 của Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trong 9 tháng của năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV, 1.263 trường hợp tử vong. Nếu trước kia, HIV chủ yếu lây truyền qua đường máu, thì hiện nay đường lây truyền HIV qua quan hệ tình dục là chủ yếu. Số người nhiễm HIV đang trẻ hóa. 

Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).

Số người mới phát hiện nhiễm HIV từ đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới MSM (42,2%).

Trăm ngàn lý do của giới trẻ góp phần làm gia tăng số ca lây nhiễm HIV

ThS.BS. Hoàng Nam Thái, Phó trưởng ban Dự phòng và Điều trị HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: "Kiểm soát HIV trong nhóm trẻ thực sự là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu kiểm soát dịch tại Việt Nam. Việc này còn khó khăn nhưng cũng có những giải pháp".

Theo chia sẻ từ các nhân viên tiếp cận cộng đồng và các bác sĩ điều trị, một lý do quan trọng khiến các bạn trẻ mắc HIV là do họ thiếu hiểu biết về các nguy cơ lây nhiễm HIV. Có những thanh niên không biết HIV là gì, hay khi biết mình mắc HIV nhưng không nhận thức được đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Khi được hỏi có sinh viên hồn nhiên cho rằng HIV chỉ lây nhiễm đối với một số nhóm nhất định như những người có quan hệ đồng tính hoặc gái mại dâm ... Thậm chí, một số bạn trẻ dù nhận thức được các nguy cơ và nghĩ rằng họ đã mắc HIV, nhưng lại sợ tiếp cận các dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV vì sợ bị kỳ thị.

ThS.BS. Hoàng Nam Thái, Phó trưởng ban Dự phòng và Điều trị HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ bắt đầu quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình trong khi lại chưa được trang bị những kiến thức phòng tránh HIV. Theo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019, tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019.  

Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất kích thích trong giới trẻ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Khi sử dụng chất kích thích, các bạn trẻ không làm chủ được bản thân, sử dụng chung kim tiêm có nguy cơ lây nhiễm HIV, hay có những hành vi quan hệ tình dục không an toàn như quan hệ tập thể hay quan hệ mà không sử dụng bao cao su. 

Ngoài ra, còn vô vàn các lý do dẫn đến lây nhiễm HIV khiến nhiều bạn trẻ phải hối tiếc. Như trường hợp H.D.H 19 tuổi (Hà Nội) chia sẻ trên Nhóm cộng đồng những người có H, chỉ vì những lời thách đố của bạn bè, muốn chứng tỏ bản thân đã là người lớn mà H. tham gia chemsex (sử dụng ma túy kết hợp với quan hệ tình dục) và lây nhiễm HIV từ đó.  

Tiếp cận nhóm đối tượng trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên... để truyền thông về HIV

Trên một số diễn đàn của người có HIV, nhiều bạn trẻ phải giấu tên, dùng tên giả khi đi tìm hiểu, tiếp cận với thông tin về HIV. Điều này cho thấy, còn một bộ phận thanh niên, người lao động trẻ chưa thực sự cởi mở với căn bệnh này, để sẵn sàng tiếp cận thông tin, hiểu biết về căn bệnh HIV.

Theo các chuyên gia, những đối tượng học sinh, sinh viên còn trẻ tuổi, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới)... là những quần thể ẩn, rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục (chemsex), quan hệ tình dục tập thể...

Vậy lý do khiến nhóm đối tượng thanh niên, giới trẻ, học sinh, sinh viên không tiếp cận được dịch vụ dự phòng, điều trị HIV là gì? 

Dưới đây là một số lý do: 

- Khoảng trống trong nhận thức của các đối tượng trẻ. Khi mỗi người trẻ không hiểu được nguy cơ của bản thân, những lợi ích và các biện pháp để dự phòng HIV, họ sẽ không sử dụng các dịch vụ này.

- Bản thân người trẻ không có hoặc không biết thông tin về các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV, địa điểm hay cách tiếp cận các dịch vụ này.  

- Các dịch vụ dự phòng và điều trị thân thiện, phù hợp với thanh thiếu niên, người lao động trẻ còn thiếu, kể cả với các đối tượng MSM (nam quan hệ đồng giới) trẻ. Các dịch vụ HIV tại các cơ sở y tế hiện nay chủ yếu để phục vụ người lớn. Nhiều nơi không có không gian riêng tư, thân thiện cho những người trẻ, họ lo sợ thông tin của mình không được giữ bí mật. 

- Các cơ sở y tế thường cung cấp các dịch vụ HIV trong giờ hành chính. Điều này gây khó khăn cho sinh viên, người lao động trẻ vì họ thường phải đi làm hoặc đi học trong giờ hành chính.

Theo ThS.BS. Hoàng Nam Thái, cần thông tin đến các bạn trẻ sự thật về HIV, các lựa chọn an toàn và hiệu quả để dự phòng và điều trị HIV, và rằng họ có thể sống khỏe mạnh bằng cách sử dụng các dịch vụ HIV hiện có. Hiện nay đã có những loại thuốc điều trị HIV hiệu quả, điều tốt nhất vẫn là không để mình và cộng đồng mắc HIV.

"Hơn nữa, không nên coi HIV là một vấn đề sức khỏe riêng biệt, mà nên lồng ghép chủ đề HIV như một phần của các cuộc trò chuyện rộng hơn về sức khỏe như sức khỏe tinh thần, thể chất, sức khỏe tình dục, sự đa dạng giới tính và chấp nhận đa dạng giới", ThS.BS. Hoàng Nam Thái nói.

Những người đang cung cấp dịch vụ HIV đang nỗ lực đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp theo cách thân thiện, nhân ái để các bạn trẻ có trải nghiệm tốt khi họ tìm kiếm sự chăm sóc, với mục tiêu hướng đến những thế hệ tương lai không có HIV tại Việt Nam.

Theo suckhoedoisong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6291 Tổng lượt truy cập 94786999