Hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt

Nghị quyết 09-NQ/TU về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; có 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử… Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh đã có nhiều cách làm hay, giải pháp sáng tạo trong triển khai thực hiện, từng bước đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen trong cuộc sống thường nhật.

Người mua và người bán thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt qua mã QR code tại chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả).

Thời gian gần đây, tại chợ Cẩm Đông (TP Cẩm Phả), việc mua bán, thanh toán hàng hóa không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen. Đến thời điểm hiện tại có 322/345 hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại chợ (93,33%) đăng ký và sử dụng mã QR  và ví điện tử VN Pay, MoMo, Zalo Pay, Viettel Money, Shopee Pay, VCB Pay… để chuyển khoản. Người mua hàng cũng đã hình thành thói quen trả tiền mua hàng qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt…

Chị Nguyễn Thị Phượng, khách mua hàng tại chợ Cẩm Đông, chia sẻ: Chúng tôi thấy việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đem lại rất nhiều tiện ích. Cả người mua và người bán đều không cần mang theo tiền mặt, đổi trả lại tiền thừa. Mọi giao dịch đều được thực hiện hết sức nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều thời gian, lại đảm bảo an toàn, chính xác.

Hiện nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP Cẩm Phả và trong toàn tỉnh đã hình thành thói quen giao dịch trực tuyến theo mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”. Trong đó, nhiều chợ truyền thống đã đạt tỷ lệ “phủ sóng” thanh toán trực tuyến cao, như: Chợ Trung tâm Uông Bí (TP Uông Bí) đăng ký mở tài khoản và mã QR thanh toán trực tuyến cho 100% hộ kinh doanh; chợ Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đã hoàn thành mở 353/381 tài khoản thanh toán trực tuyến cho 92% hộ kinh doanh; chợ Trung tâm  Tiên Yên (huyện Tiên Yên) đã đáp ứng hạ tầng và sẵn sàng cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% hộ kinh doanh… Với mô hình Chợ 4.0 - tiểu thương hay người kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ và khách hàng đều có thể mua bán hàng hóa, thanh toán bằng cách quét mã QR-Code mà không cần dùng tiền mặt. Mô hình đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các sở, ngành, địa phương và của nhân dân, đặc biệt là những người dân kinh doanh tại chợ.

Phát huy vai trò xung kích, đảm nhận các công trình, phần việc phù hợp với năng lực, sở trường, hiện lực lượng ĐVTN trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều mô hình hỗ trợ, hướng dẫn, triển khai mô hình “Chợ 4.0” tại các chợ truyền thống. Các huyện, thị, thành đoàn và các đoàn trực thuộc đã chủ động lựa chọn địa bàn, phối hợp với Ban Quản lý các chợ và các ngân hàng, nhà mạng cung cấp dịch vụ trong việc lấy thông tin, lập tài khoản, tạo mã QR để thanh toán không cần dùng tiền mặt... Hiện toàn tỉnh đã có 7 mô hình “Chợ 4.0” do ĐVTN triển khai thực hiện, hỗ trợ được trên 1.100 hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống làm quen và sử dụng thành thạo hình thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Đến hết tháng 8, dự kiến sẽ có thêm 13 mô hình “Chợ 4.0” do ĐVTN đảm nhận triển khai trên địa bàn tỉnh, hoàn thành chỉ tiêu đặt ra trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023.

Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Huyện đoàn Đầm Hà hỗ trợ tạo mã QR cho các tiểu thương Chợ Làng Nhang (xã Quảng An, huyện Đầm Hà). Ảnh: Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Không chỉ với mô hình “Chợ 4.0”, việc thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đã và đang đi sâu vào nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, đóng góp những chỉ số quan trọng cho chỉ tiêu phát triển kinh tế số của tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, 99,2% số thu ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí) đã được triển khai bằng phương thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. 86,2% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã thanh toán 97,5% số tiền điện bằng phương thức trực tuyến; 80,86% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã thanh toán 89,56% số tiền nước qua hình thức không dùng tiền mặt.

Hiện cũng đã có 88,5% cơ sở giáo dục, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức trực tuyến; 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị và các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 47,8% số tiền viện phí tại các bệnh viện và 34,2% số tiền viện phí tại các trung tâm y tế cấp huyện được thanh toán qua các tài khoản trực tuyến. Tại các trung tâm hành chính công, 75,9% số tiền phí dịch vụ hành chính công ở cấp tỉnh và 91,6% số tiền phí dịch vụ hành chính công ở cấp huyện được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt…

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, các sở, ngành, đơn vị chức năng đã phối hợp với các địa phương rà soát được 51.396/56.883 người hưởng chính sách xã hội trên địa bàn; thống kê được 9.843 người đã có tài khoản ngân hàng, ví điện tử chấp nhận thanh toán trực tuyến và đã chi trả tiền hỗ trợ qua tài khoản cho 8.095 người với số tiền 12 tỷ đồng…

Theo Song Hà/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26531 Tổng lượt truy cập 94862725