Hiệu quả rõ rệt trong thực hiện chủ đề “Nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân”

Ngày 4/5, Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban để nghe và cho ý kiến tình hình triển khai một số chỉ tiêu liên quan tới nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị.

Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 đã xác định chủ đề năm nay là: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”, cùng với đó là một số chỉ tiêu cốt lõi trong mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đó là tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm; chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt trên 70%. Điều này cũng thể hiện rõ định hướng của tỉnh Quảng Ninh là gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”.

Bám sát Nghị quyết 12, HĐND tỉnh đã thể chế hóa bằng Nghị quyết 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các cơ quan liên quan chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện cụ thể, quyết liệt phù hợp với thực tiễn của đơn vị, địa phương và tới nay đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7.946 người được tạo việc làm tăng thêm; số lượng suất tái định cư, diện tích đất tái định cư dự kiến bố trí trên địa bàn tỉnh năm 2023 là khoảng 7.599 suất, diện tích đất khoảng 526,81ha; tỷ lệ cấp nước sạch đô thị duy trì 98%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước sạch vượt trên 70%; có tới 86% công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do cộng đồng quản lý. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các địa phương bởi Quảng Ninh là tỉnh có tỷ lệ đồi núi cao, nhiều khu vực dân cư sống phân tán. Điều này, có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu năm 2023 của tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều cố gắng và đạt những kết quả khả quan.

Đối với chỉ tiêu tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm, Quảng Ninh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, kinh tế-xã hội. Trong đó, không chỉ bảo đảm việc làm đời sống, thu nhập cho người lao động mà còn đặt ra chỉ tiêu cao hơn là tạo ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa 1 trong 3 đột phá của tỉnh được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, mũi nhọn để tạo việc làm tăng thêm sẽ tập trung chính ở khu vực công nghiệp - xây dựng trên cơ sở dựa vào việc tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành các công trình, dự án đúng tiến độ; mở rộng sản xuất và đưa các dự án mới đi vào hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động ngành than.

Cùng với đó, phải tập trung cho khu vực dịch vụ du lịch trên cơ sở thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có sức cạnh tranh cao, phát triển du lịch cộng đồng tại các địa bàn vùng núi. Ngoài ra, cần tạo nhiều hơn các cơ hội việc làm cho lao động trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi thông qua tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đảm bảo mục tiêu bền vững, minh bạch, đúng đối tượng; nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích đào tạo nghề cho con em Quảng Ninh sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Các địa phương cũng cần có giải pháp để đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân sau khi họ dừng nghề nuôi trồng thủy sản để đảm bảo có nghề nghiệp, thu nhập bền vững, cuộc sống ổn định.

Đối với kế hoạch chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh, trong Nghị quyết 12 đã nêu rõ: Nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải đi trước một bước, người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở ổn định, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; đồng thời công bố, công khai để nhân dân giám sát và gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, các địa phương, các  KKT, KCN và những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao cần tiếp tục bám sát Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, Quy hoạch vùng huyện… rà soát các quỹ đất xen kẹp, dự trữ để có kế hoạch, đi trước một bước trong công tác chuẩn bị về quy hoạch, kế hoạch phát triển quỹ đất và công khai để nhân dân giám sát.

Về tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch, mặc dù hiện nay kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, nhưng các địa phương vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hơn nữa ở khu vực nông thôn, miền núi mà dân cư thường sinh sống phân tán, những nơi khó khăn về nguồn sinh thủy hoặc có nguồn sinh thủy nhưng đất và nước có nguy cơ ô nhiễm, nơi đất nhiễm phèn… Các địa phương hình thành bản đồ các điểm cấp nước và tính toán các mô hình quản lý liên quan tới cấp nước, theo hướng sinh thủy tại chỗ, giữ nước tại chỗ, bảo vệ nước tại chỗ và quản lý vận hành, phân phối nước tại chỗ gắn với mô hình cộng đồng quản lý, qua đó góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước.

Cùng ngày, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe báo cáo tình hình kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trên địa bàn tỉnh. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, sự điều hành của HĐND, UBND tỉnh, kỳ nghỉ lễ trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ngành, các địa phương, đơn vị quan tâm, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, đảm bảo cho nhân dân và du khách với Quảng Ninh được đón kỳ nghỉ lễ an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí diễn ra sôi động, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác hiệu quả. Trong 5 ngày nghỉ lễ, toàn tỉnh đón khoảng 689.000 lượt khách, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, trong đó số khách lưu trú ước đạt khoảng 285.600 lượt khách, tăng 180% so cùng kỳ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịp lễ diễn ra sôi động. Hàng hóa phong phú, chất lượng đảm bảo, giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, du khách.

Trong 5 ngày nghỉ lễ, tình hình chủ quyền biên giới, vùng trời, vùng biển được giữ vững. Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông đã được chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ. Việc cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông phục vụ kỳ nghỉ lễ được đảm bảo. Công tác thông tin tuyên truyền phong phú, hấp dẫn, phản ánh đậm nét các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh trong những ngày nghỉ lễ, nhất là dành thời lượng lớn đưa tin về Chương trình Carnaval Hạ Long 2023 và khánh thành, đưa dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả với 6 làn xe đi vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Thường trực Tỉnh ủy biểu dương, ghi nhận các cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực để đảm bảo cho nhân dân, du khách đón kỳ nghỉ lễ dài ngày an toàn, vui tươi. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị toàn tỉnh tiếp tục tập trung cho các nhiệm vụ phát triển KT-XH của quý II, trong đó thúc đẩy toàn diện các hoạt động du lịch, dịch vụ, sớm đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới ở các địa phương; chú trọng nâng chất lượng sản phẩm du lịch với giá cả cạnh tranh.

Cùng với đó, tiếp tục tập trung cho cho công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng giữ vững an ninh trật tự, nhất là an toàn an ninh du lịch, an toàn điểm đến, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thúc đẩy toàn diện hoạt động thương mại, du lịch trong nước và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với các dự án mới đã khởi công, hoàn thành các công trình gắn biển cũng như các phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh.

Theo Thu Chung/baoquangninh.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24350 Tổng lượt truy cập 91528946