Hiểu đúng về việc người dân được sử dụng pháo hoa để không phạm luật!
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt là Nghị định 137), có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009. Nghị định 137 đưa ra một số điểm mới phù hợp thực tế quản lý nhà nước về pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan. Tuy nhiên, người dân cần hiểu đúng, nắm rõ để tránh vi phạm pháp luật.
Phân biệt pháo hoa nổ và pháo hoa.
Nghị định 137 có nhiều điểm mới so với Nghị định số 36/2009. Trong đó, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngoài ra, nghị định này cũng quy định cụ thể các trường hợp được tổ chức bắn pháo hoa nổ. Đồng thời, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo. Theo đó, đã quy định cụ thể hơn với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo, so với 4 hành vi chung chung như trước đây.
Nhiều người dân khi tiếp cận thông tin liên quan đến Nghị định 137 bày tỏ ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thiết thực, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm, mất an ninh, trật tự. Một bộ phận người dân cũng đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa. Việc hiểu không kỹ, hiểu sai bản chất của Nghị định 137 sẽ vô tình khiến nhiều người có thể vi phạm pháp luật, dẫn tới bị xử lý hình sự, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề, nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao.
Trước hết, người dân cần phân biệt được khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh bị nhầm lẫn. Pháo hoa mà người dân được phép sử dụng, theo quy định tại điều 3, Khoản 1b, Nghị định 137 là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ. Đây là loại pháo không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Trên thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong dịp cưới hỏi, sinh nhật… trước khi Nghị định 137 ra đời. Còn loại pháo nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, điện, nhiệt, hóa tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng, màu sắc trong không gian. Pháo này còn được gọi là pháo hoa nổ và cấm tuyệt đối người dân sử dụng. Như vậy người dân chỉ được sử dụng loại pháo hoa không có thuốc nổ, không gây ra tiếng nổ, chứ không phải pháo hoa bắn lên trời phát nổ. Nếu người dân sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý hành chính. Nghị định 137 cũng quy định người sử dụng pháo hoa phải là “người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất năng lực hành vi dân sự hoặc tuyên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.
So với Nghị định 36/2009 thì Nghị định 137/2020 vẫn giữ nguyên quy định không cho phép cá nhân sử dụng pháo hoa nổ vào các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi… mà chỉ quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trình tự thủ tục của việc sử dụng pháo hoa nổ vào các ngày lễ, tết, các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao. Đối với loại pháo hoa thông thường như lâu nay chúng ta vẫn sử dụng vào các dịp cưới hỏi, sinh nhật… Nghị định 137 chính thức định nghĩa cụ thể để Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn.
Nghị định 137 có hiệu lực khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cận kề, đây cũng là thời điểm các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép. Hiện nay, Công an thành phố Uông Bí đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép. Để Nghị định 137 được thực hiện hiệu quả, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 137 về quản lý, sử dụng pháo; có giải pháp siết chặt thị trường, kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức không được cấp phép kinh doanh nhưng cố tình vi phạm, tránh lợi dụng việc cho phép sử dụng pháo hoa để buôn bán các loại pháo nổ khác; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm đến tay người tiêu dùng là pháo hoa rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn khi sử dụng. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân và người dân cũng cần chủ động tìm hiểu rõ thế nào là pháo hoa có tiếng nổ và không có tiếng nổ, loại pháo hoa được sử dụng và loại pháo hoa bị cấm nhằm bảo đảm an toàn, tránh vi phạm đáng tiếc.
Thanh Xuân (Công an thành phố)
Tin tức khác
- Cô giáo Trịnh Thị Thu Huệ - người truyền lửa nhiệt huyết
- Tháo gỡ khó khăn thực hiện dự án Công viên nghĩa trang Thiên Phúc Vĩnh Hằng Viên
- Bộ CHQS tỉnh phát động Phong trào Thi đua Quyết thắng và triển khai nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2025
- Công đoàn Công ty Than Uông Bí - TKV trao kinh phí hỗ trợ nhà ở cho công nhân
- Đại hội chi bộ khu An Hải, phường Phương Nam nhiệm kỳ 2025-2027
- Đại hội Chi bộ Công an phường Nam Khê nhiệm kỳ 2025-2027
- Bế giảng lớp Sơ cấp lý luận chính trị khoá II, III năm 2024
- Khu I, phường Yên Thanh truyền thông kiến thức về an toàn thực phẩm năm 2025
- Việt Thuận Group tổng kết năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
- Công an thành phố Uông Bí tổ chức thành công Đại hội Chi bộ điểm
- Công ty CP Xi măng - Xây dựng Quảng Ninh tổng kết năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025
- Chương trình truyền hình TP Uông Bí ngày 11/01/2024