Hiện đại hóa nền hành chính phục vụ

Xác định cải cách hành chính là một trong 3 đột phá của tỉnh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư nguồn lực xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện điều hành, quản lý các công việc và giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, nền hành chính của tỉnh đã được hiện đại hóa, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Là huyện có nhiều khó khăn, những năm qua, huyện Ba Chẽ đã quan tâm tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Đến nay 100% cán bộ công chức của huyện đã sử dụng thuần thục hệ thống phần mềm chính quyền điện tử tỉnh, thực hiện việc tiếp nhận, xử lý, luân chuyển văn bản trên môi trường mạng. Qua đó không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính, mà còn góp phần thay đổi lề lối làm việc của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Chị Lê Thị Linh Hà, nhân viên Văn phòng UBND huyện Ba Chẽ cảm thấy thuận tiện khi sử dụng hộp thư điện tử xử lý công việc.

Chị Lê Thị Linh Hà, nhân viên Văn phòng UBND huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Từ khi huyện triển khai hệ thống văn bản điện tử trên nền tảng chính quyền điện tử, chúng tôi không còn phải in ấn giấy tờ, đi lại nhiều lần để báo cáo. Với hệ thống này, tôi chỉ cần vài thao tác trên máy tính để xử lý và trình lãnh đạo phê duyệt các văn bản thông qua hộp thư công vụ.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, UBND huyện Ba Chẽ đã có 5.650 văn bản đến và 2.800 văn bản điện tử được gửi đi, 100% sử dụng chữ ký số. Hàng năm huyện Ba Chẽ đã tiết kiệm được trên 30% chi phí in ấn, phô tô, đồng thời nâng cao hiệu suất xử lý công việc tiến tới một nền hành chính “không giấy tờ”.

Hiện nay, hệ thống chính quyền điện tử đã được đồng bộ tới 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản công chức điện tử và sử dụng thành thạo các tiện ích do Hệ thống Chính quyền điện tử cung cấp. Hoàn thành và đưa 239 điểm cầu trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã vào hoạt động. Số thủ tục hành chính cấp tỉnh cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 là 1.500 thủ tục hành chính, đạt 85% ở cả 3 cấp. Qua đó đã tiết giảm thời gian và chi phí đi lại cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, của người dân và doanh nghiệp, đồng thời cập nhật được những thông tin kịp thời, chính xác từ tỉnh đến cơ sở, tạo ra những chuyển biến căn bản trong quá trình hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, xây dựng môi trường công vụ hiện đại, minh bạch.

Anh Vũ Ngọc Đức, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Trade, TP Móng Cái, thường xuyên gửi hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Anh Vũ Ngọc Đức, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Trade, TP Móng Cái, cho biết: Thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chúng tôi có thể ở tại Công ty hoặc bất cứ đâu vẫn gửi được hồ sơ, không cần phải tiếp xúc với cán bộ công chức nhà nước, do đó giảm được thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tránh tiếp xúc chỗ đông người thì với việc gửi hồ sơ qua mạng như thế này tôi thấy thật sự hiệu quả.

Trên cơ sở kế thừa, xây dựng trên nền tảng chính quyền điện tử giai đoạn 1, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện xây dựng Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020. Trong đó, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, giao thông, du lịch giúp cải thiện và nâng cao sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả công việc.  

Đến hết năm 2019, Đề án triển khai thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh đã triển khai và có những kết quả bước đầu. Toàn tỉnh đã có 46 trường học với 551 lớp học áp dụng công nghệ thông minh. Triển khai dự án xây dựng 3 bệnh viện thông minh hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Kết nối đến 1.300 camera thuộc 9 lĩnh vực trên địa bàn TP Hạ Long, trong đó lĩnh vực giao thông đã kết nối 30 camera đặt tại các điểm nút giao thông quan trọng. Đã xây dựng 86 trạm quan trắc, nâng cao năng lực quan trắc, kiểm soát môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đầu tư hệ thống Wifi miễn phí trên địa bàn tỉnh với 107 điểm phát sóng đã phục vụ tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ.

TP Hạ Long đã kết nối 30 camera đặt tại các điểm nút giao thông quan trọng.

Với sự nỗ lực trong xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT ICT Index của Quảng Ninh 3 năm liền (2016-2018) đứng thứ 4 toàn quốc và vươn lên thứ 3 toàn quốc năm 2019. Đồng thời đóng góp quan trọng vào việc đưa Quảng Ninh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX và Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.     

Những kết quả đã đạt được là nền tảng quan trọng để tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ-công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; phát huy vai trò là cực tăng trưởng phía Bắc tạo sự kết nối, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước.

Theo Ngọc Trâm/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202009/hien-dai-hoa-nen-hanh-chinh-phuc-vu-2500503/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6719 Tổng lượt truy cập 94787890