Hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Quảng Ninh - miền đất được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đặc sắc, đa dạng. Tỉnh cũng là một cực tăng trưởng của vùng tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Khai thác hiệu quả tài nguyên của vùng đất di sản, không ngừng đổi mới quảng bá, đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch... là những yếu tố giúp ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ninh “cất cánh” và vươn tầm mạnh mẽ.
Tiềm năng, lợi thế riêng có
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong bối cảnh chung cả nước tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục các hoạt động kinh tế, phát triển sản xuất, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh khi đó chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước. Khách du lịch nội địa chủ yếu là khách du lịch công vụ, đoàn viên công đoàn được tiêu chuẩn đi nghỉ dưỡng với số ít khách sạn, nhà hàng tập trung ở khu vực Bãi Cháy (TX Hòn Gai)...
Vịnh Hạ Long đang được quản lý theo hướng khoa học để đảm bảo phát triển bền vững.
Ngày 17/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 171-TTg về việc thành lập Sở Du lịch của một số địa phương, trong đó có Quảng Ninh. Ngày 30/6/1993, Sở Du lịch Quảng Ninh được chính thức thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Thương mại và Du lịch Quảng Ninh, với nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch như một ngành kinh tế độc lập.
Nhìn tổng thể, du lịch Quảng Ninh hội tụ nhiều điều kiện đặc biệt thuận lợi để bứt phá, tạo đòn bẩy đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế trong tương lai gần. Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất trong cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển tiếp giáp với Trung Quốc, Quảng Ninh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là cửa ngõ hội nhập với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là điểm nút trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc và kết nối với khu vực Đông Nam Á (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN).
Chùa Hoa Yên, Yên Tử. Ảnh: Phạm Học
Cùng với đó, Quảng Ninh có thế mạnh về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên du lịch từ thiên nhiên đến văn hóa. Tỉnh là nơi hội tụ của 22 dân tộc anh em cùng sinh sống với những bản sắc văn hoá độc đáo; sở hữu trên 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc. Trong đó, có nhiều tài nguyên độc đáo đẳng cấp khu vực và thế giới như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, di tích - danh thắng Yên Tử. Việc Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận về các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo; được Tổ chức New7wonders bình chọn là một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã tạo bước ngoặt quan trọng cho phát triển du lịch của Quảng Ninh.
Đặc biệt, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang hiện đang tích cực trong giai đoạn nước rút hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới. Nếu được UNESCO công nhận, đây sẽ là điểm tựa quan trọng để đưa du lịch của Quảng Ninh tiếp tục bứt phá.
Nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS huyện Bình Liêu là yếu tố hấp dẫn du khách.
Thu hút nguồn lực đầu tư cho du lịch
Sáng tạo, đổi mới sản phẩm du lịch, đó là bài toán đầu tiên mà ngành du lịch Quảng Ninh đã làm và làm rất thành công trong những năm qua. Nhưng không chỉ đầu tư thuần sản phẩm du lịch, một mô hình rất thành công mà Quảng Ninh áp dụng là đầu tư hạ tầng làm đòn bẩy phát triển du lịch.
Bến cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2023, tạo sự đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp về hạ tầng cảng phục vụ du lịch biển đảo của Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương
Từ năm 2013, tỉnh đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Tập đoàn Boston Consulting Group (Hoa Kỳ) tư vấn. Thông qua quy hoạch đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực du lịch, như: BIM Group, Vingroup, Sun Group, Tuần Châu... Không gian du lịch của Quảng Ninh cũng được xác định theo hướng mở rộng, ngoài 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh là Hạ Long, Uông Bí - Quảng Yên - Đông Triều, Vân Đồn - Cô Tô và Móng Cái, còn có không gian du lịch tại các địa bàn tiềm năng như: Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, khu vực Hạ Long mới (Hoành Bồ cũ) cũng đang trong quá trình đầu tư và phát triển.
Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, dịch vụ, văn hóa - thể thao... theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nhiều công trình trọng điểm tác động tích cực đến hoạt động du lịch, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Tuần Châu, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cầu và đường dẫn cầu Bắc Luân II, cầu Tình Yêu, Bến cảng cao cấp Ao Tiên, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái… góp phần tạo liên kết vùng, động lực phát triển toàn diện Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 4 năm liên tiếp (2020-2023) được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh là “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á”. Ảnh: Đỗ Phương
Quy hoạch và hạ tầng giao thông được hoàn thiện đã trở thành tiền đề cho nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn tại Quảng Ninh, như: Khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Công viên Sunworld Hạ Long Complex; Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen Quang Hanh; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long... Qua đó, góp phần làm cho hệ sinh thái du lịch của tỉnh dần hoàn thiện, kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú và tăng chi tiêu của khách du lịch.
Cùng với đó, các thiết chế văn hóa, du lịch đặc sắc, nổi trội như: Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện - Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Bãi tắm Hòn Gai, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ (TP Móng Cái)... đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Quảng Ninh.
Sân golf FLC Hạ Long thu hút đông đảo golf thủ đến trải nghiệm.
Ông David A.Hill, Tổng quản lý Khách sạn Premier Best Western Sapphire Hạ Long, khẳng định: Những thành công của du lịch Quảng Ninh không chỉ đến từ lợi thế, tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, du lịch, mà đặc biệt từ những quyết tâm, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh và cả hệ thống chính trị, đã tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, chuyên nghiệp. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư đến Quảng Ninh.
Khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới
Bên cạnh sự đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo đòn bẩy, mở đường cho du lịch cất cánh, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch, từ việc xây dựng, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch du lịch đến hoạt động thanh tra, kiểm tra đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh; quản lý cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch; quản lý lữ hành và vận chuyển khách du lịch; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch được tăng cường.
Tỉnh trưởng các tỉnh thành viên EATOF nắm tay thể hiện sự đoàn kết, thống nhất Tuyên bố chung tại Đại hội đồng Diễn đàn du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 tổ chức tại Quảng Ninh (tháng 10/2022). Ảnh: Minh Hà
Hoạt động hợp tác quốc tế phát triển du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Tỉnh đã tập trung hợp tác với các nước, tổ chức đã có quan hệ, như: CLB vịnh đẹp nhất thế giới, Diễn đàn du lịch liên khu vực Đông Á (EATOF), mạng lưới các Di sản thiên nhiên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn tam giác di sản Thái Lan - Lào - Việt Nam, các tỉnh Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam (Trung Quốc), các nước Hàn Quốc, Philippines, Indonesia...
Quảng Ninh đã có những bước đi bài bản để bứt phá mạnh mẽ, vươn lên giành lấy vị trí “ngôi vương” trên bản đồ du lịch Việt Nam và đang tiến gần mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới. Thực tế chứng minh, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh liên tục tăng qua các năm. Giai đoạn 2015-2019, Quảng Ninh đón tổng số 52,239 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 21,521 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 95.203 tỷ đồng. Đặc biệt, với những chính sách thích ứng linh hoạt, an toàn, du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Riêng 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón 12,06 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch đạt gần 24.000 tỷ đồng.
Quảng Ninh đón đoàn khách du lịch Ấn Độ và người Hồi giáo (Halal), tháng 8/2023. Ảnh: Hoàng Quỳnh
Ngày 11/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 8/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2256/QĐ-UBND phê duyệt đề án Phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là bước đi quan trọng, là quyết tâm của Quảng Ninh nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ninh tiếp tục củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trở thành trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách từ khắp năm châu. Du lịch tỉnh có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, khác biệt, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Nhân viên Khu du lịch Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều) giới thiệu cho khách nước ngoài về món bánh đúc lạc truyền thống tại Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh, tháng 7/2023.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch, cho biết: Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục tham mưu, làm tốt công tác liên kết phát triển du lịch với các ngành, lĩnh vực khác, với các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Qua đó, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên các giá trị khác biệt về thiên nhiên, văn hóa, con người Quảng Ninh với các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch thể thao, giải trí; du lịch văn hóa; du lịch hội thảo; du lịch biên giới; du lịch sinh thái cộng đồng. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển KT-XH và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh.
Theo Nguyễn Dung/quangninh.gov.vn
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027