Hạn chế thấp nhất cháy nổ tại các cơ sở trọng điểm

Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu Nguyễn Thị Liễu, Tổ đại biểu Vân Đồn, Cô Tô; Nguyễn Mai Hùng, Tổ đại biểu Uông Bí; Nguyễn Anh Tuấn, Tổ đại biểu Đông Triều chất vấn nội dung:

Các giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra, nhất là đối với các cơ sở trọng điểm về cháy nổ như chung cư, các cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tàu du lịch... Đề nghị đánh giá hoạt động của 02 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng"; giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này ở địa bàn các khu dân cư. Kết quả khắc phục PCCC đối với các trường học đến thời điểm hiện tại và các giải pháp trong thời gian tới để bảo đảm an toàn về PCCC trong các trường học trên địa bàn.

Phó Giám đốc Công an tỉnh trả lời:

Các giải pháp để hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ xảy ra, nhất là đối với các cơ sở trọng điểm:

Qua rà soát, trên địa bàn có 13.871 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; trong đó có 46 chung cư, 1.889 nhà trọ, 435 tàu du lịch đang hoạt động (100 tàu du lịch ngủ đêm, 04 tàu nhà hàng, 331 tàu tham quan); có 07 khu công nghiệp, 05 cụm công nghiệp đã đưa vào hoạt động với tổng số 232 doanh nghiệp...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực; số vụ cháy, nổ giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái; không để xảy ra vụ cháy lớn, cháy phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản (xảy ra tổng số 59 vụ cháy, làm bị thương 04 người, không có người tử vong, thiệt hại về tài sản không lớn - trung bình 10,3 triệu đồng/vụ), góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, số vụ cháy được nhân dân và lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở chủ động tự dập tắt trong giai đoạn "5 phút giờ vàng", không cần sử dụng phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC chiếm tỷ lệ 34% (20/59 vụ).

Để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực tế, cụ thể:

Một là, quan tâm triển khai công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng PCCC và thoát nạn cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức như:

Nghiên cứu xây dựng các video clip về công tác PCCC và cách thoát nạn, vận động các cơ sở kinh doanh (cơ sở lưu trú, tàu du lịch...) cài đặt, trình chiếu qua hệ thống truyền hình nội bộ, tivi ở trong các phòng ngủ, khu vực sảnh, thang máy, nơi tập trung đông người.

Tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe chữa cháy, treo pano trên các tuyến đường chính, các địa điểm tập trung đông người, khu vực đông dân cư; trong đó in mã QR chứa đựng nhiều nội dung tuyên truyền về các biện pháp PCCC và CNCH để người dân có thể tải về, nghiên cứu trên thiết bị di động (thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai lắp đặt tại các địa điểm trên địa bàn Hạ Long và sẽ nhân rộng ra tất cả các địa phương còn lại trong toàn tỉnh).

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy. Tiếp tục tổ chức các buổi trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH tại địa phương vào ngày nghỉ cuối tuần để nhân dân tiếp cận kiến thức, trải nghiệm, thực hành thực tế.

Hai là, tham mưu, phối hợp củng cố kiện toàn tổ chức và phát huy hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC tại chỗ. Hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp thành lập, bố trí đủ lực lượng PCCC tại chỗ ở tất cả các ca, kíp làm việc và tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho số này; đầu tư, mua sắm trang thiết bị về PCCC với phương châm “4 tại chỗ”.

Duy trì và phát huy có hiệu quả của các mô hình tự quản về công tác PCCC như “Tổ liên gia an toàn PCCC”; “Điểm chữa cháy công cộng”, “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; “Tàu du lịch tự quản an toàn PCCC”; tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức kỹ năng về PCCC cho các hộ gia đình tham gia tổ liên gia; vận động các hộ gia đình tự trang bị các phương tiện PCCC....

Ba là, tổ chức, duy trì tốt công tác thường trực chữa cháy, CNCH. Tăng cường tổ chức thực tập phương án chữa cháy để nâng cao khả năng phối hợp chỉ huy, điều hành, vận hành cơ chế huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp tổ chức chữa cháy giữa các lực lượng; nhất là nâng cao kiến thức, kỹ năng, chiến thuật cho lực lượng PCCC tại chỗ khi xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tổ chức thực tập PACC lớn có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại 01 Khu công nghiệp và 01 Chung cư cao tầng trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra xử lý vi phạm về PCCC và CNCH. Tiếp tục phân công các Tổ công tác thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại, vi phạm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH.

Về đánh giá hoạt động của 02 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng" và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này ở địa bàn các khu dân cư:

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng 1.567 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", 514 mô hình "Điểm chữa cháy công cộng" tại các ngõ sâu trên 50m mà xe chữa cháy không thể tiếp cận được (các mô hình trên cơ bản đã được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC).

Để tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này, trong thời gian vừa qua Công an tỉnh đã phối hợp UBND các địa phương: (1) tổ chức hướng dẫn thực tập phương án chữa cháy tại 100% các mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh; (2) tham mưu tổ chức Hội thi nghiệp vụ PCCC và CNCH mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" cấp huyện và cấp tỉnh với sự tham gia của 123 đội thi và lựa chọn 01 đội tuyển (TP Cẩm Phả) tham gia thi cấp cụm.

Qua hơn 01 năm triển khai xây dựng và duy trì hoạt động của các mô hình đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng dân cư về công tác PCCC. Nhận thức, ý thức của người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH được nâng cao. Thành viên các hộ dân tham gia mô hình đã được lực lượng Công an trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về PCCC; tự kiểm tra, rà soát công tác PCCC của gia đình mình và các hộ dân xung quanh; có các kiến thức về thoát nạn an toàn... Ngoài thực hiện tốt công tác PCCC, các hộ gia đình còn làm tốt công tác bảo đảm ANTT, vệ sinh môi trường, xây dựng khu phố văn hóa... Hiệu quả mang lại rõ nét nhất là từ việc xây dựng, triển khai các mô hình trên, chưa xảy ra vụ cháy, nổ nào tại các mô hình đã được xây dựng.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục rà soát các địa điểm dân cư đủ tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Công an để tiến hành nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" và "Điểm chữa cháy công cộng".

Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng PCCC cho các thành viên trong hộ gia đình và kiểm tra, hướng dẫn duy trì các hệ thống chuông đèn, nút ấn báo cháy đã được trang bị để đảm bảo hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp.

Tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ gia đình, đặc biệt là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh lắp đặt các thiết bị báo cháy thông minh nhằm phát hiện cháy nhanh nhất để triển khai các biện pháp chữa cháy kịp thời ngay từ giây phút ban đầu.

Lực lượng Công an sẽ phối hợp với UBND cấp xã hướng dẫn các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC theo Tài liệu hướng dẫn của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh, hoàn thành trước ngày 30/3/2025 (theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/6/2024).

Về bảo đảm PCCC đối với các trường học trên địa bàn

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có tổng số 84 cơ sở chịu sự tác động của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND, ngày 27/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định việc xử lý đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QHI0 có hiệu lực; trong đó có 13 trường học (gồm 12 trường học công lập thuộc vốn ngân sách Nhà nước và 01 trường học tư thục thuộc vốn tư nhân).

Đến hiện tại, có 05/13 trường học (đều là trường công lập) đã hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu về PCCC theo tinh thần của Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND (đạt tỷ lệ 30,77%), tăng thêm 04 cơ sở đã hoàn thành so với thời điểm tháng 6/2023, còn 08 cơ sở (bao gồm 07 trường học công lập trên địa bàn Cẩm Phả và 01 trường học tư thục trên địa bàn Uông Bí) sau khi được hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đến nay đang triển khai bước lập dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập hồ sơ thiết kể, sẽ triển khai thi công khắc phục trong thời gian tới (không còn khó khăn, vướng mắc).

Ngoài ra, qua đợt tổng kiểm tra, rà soát và tiến độ khắc phục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo Công điện số 220/CĐ-TTg, ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, còn phát hiện: 190 công trình trường học vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động (187 trường học công lập, 03 trường học tư thục). Sau khi được lực lượng Công an hướng dẫn, 105 trường học đã khắc phục xong (03 công trình đã khắc phục hoàn toàn; 102 công trình theo Nghị định 50/2024 của Chính phủ không còn thuộc diện cần thẩm duyệt về PCCC), hiện còn 85 công trình trường học (83 trường học công lập và 02 trường học tư thục) đang tiếp tục thực hiện.

Đáng chú ý, phát hiện 35 cơ sở trường học còn có các tồn tại, chưa bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC theo quy chuẩn, tiêu chuẩn tại thời điểm thẩm duyệt và nghiệm thu công trình đưa vào hoạt động (13 trường học tư thục, 22 trường học công lập). Sau khi được lực lượng Công an hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, đã có 15 trường học (11 trường học tư, 04 trường học công lập) hoàn thành khắc phục; hiện còn 20 trường học việc khắc phục rất khó khăn (chủ yếu trong việc thực hiện cải tạo cầu thang thoát nạn trong nhà thành buồng thang kín, thiếu 01 cầu thang thoát nạn thứ 2, khối tích bể nước không đủ...).

Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng tài liệu hướng dẫn giải pháp nâng cao điều kiện an toàn cháy cho nhà và công trình hiện hữu. Công an tỉnh sẽ thường xuyên bám sát các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ Xây dựng để kịp thời cập nhật các văn bản hướng dẫn mới, đưa ra các giải pháp phù hợp cho dạng công trình này, đồng hành cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các địa phương nhằm khắc phục dứt điểm tồn tại, vi phạm về PCCC tại các trường học. Đề nghị UBND các địa phương quan tâm cấp kinh phí cho các trường học này để triển khai các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Theo Ngọc Ánh (biên soạn)/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15049 Tổng lượt truy cập 94755157