Hạn chế dịch bệnh cho tôm từ mô hình nuôi tôm trải bạt áp dụng kỹ thuật cao

Tôm là loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao. Song người nuôi thường gặp rủi ro lớn, do sức đề kháng của thủy sản này kém. Nếu không quản lý được chất lượng nguồn nước, các yếu tố môi trường, rất dễ gây dịch bệnh và không ít chủ nuôi đã phải mất trắng cả vụ tôm. Để kiểm soát tốt môi trường nuôi, tại thành phố Uông Bí, hiện đã có trang trại áp dụng thí điểm mô hình nuôi tôm trải bạt áp dụng kỹ thuật cao.

Ông Phạm Xuân Huy (phải), chủ trang trại thỏa thuận giá tôm với thương lái.

Vụ tôm thứ 3 trang trại của ông Vũ Xuân Huy, khu Đầm Sứt, phường Yên Thanh thu hoạch từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm trải bạt và áp dụng kỹ thuật cao. Màu tôm đẹp, kích cỡ đồng đều, số lượng đạt từ 45 đến 55 con/1kg. So với giá tôm cùng loại cùng thời điểm trên địa bàn, mức giá bán đạt cao hơn từ 20 đến 40 ngàn đồng/kg.

Tôm thương phẩm của trang trại đạt trung bình 45 đến 55 con/kg.

Ông Phạm Xuân Huy, chủ trang trại, trước khi bắt tay vào nuôi tôm đã cất công tìm hiểu kỹ các hình thức nuôi tôm khác nhau tại nhiều địa phương. Chứng kiến nhiều người thành công, thu lợi nhuận cao từ con tôm, song cũng có nhiều chủ nuôi “trắng tay” chỉ sau một vụ tôm nhiễm dịch bệnh, nên ông xác định phải đảm bảo được môi trường, nguồn nước an toàn nhất, giúp tăng sức đề kháng cho tôm. Và ông quyết định đầu tư nuôi tôm bằng trải bạt thủy sản HDPE đáy và bờ ao thay vì nuôi tôm quảng canh trên ao đất, ao phủ bạt dứa hay ao láng bê - tông. Ông Phạm Xuân Huy chia sẻ: “Trực tiếp đi thăm quan nhiều mô hình nuôi tôm, tôi quyết định đầu tư mô hình của trang trại gia đình bằng kỹ thuật trải bạt đáy và bờ ao. Mặc dù so với đầu tư ao đất, chi phí trải bạt tốn kém hơn, lại đòi hỏi thiết bị phải đồng bộ. Song do hiệu quả quản lý dịch bệnh của mô hình này rất tốt. Tính đến hướng phát triển lâu dài, trang trại tôi đã chọn giải pháp trải bạt cho tất cả 6 ao nuôi”.

Bạt HDPE được trải ở đáy và bờ ao.

Tại các ao nuôi của trang trại ông Huy, nhờ trải bạt, nhựa bạt giúp ngăn việc tiếp xúc giữa nguồn nước nuôi và lòng đất nên hạn chế các tác động xấu của môi trường đến ao nuôi, như tránh được nhiễm phèn, nhiễm mặn, mầm bệnh ủ sâu trong lòng đất... Do đó nguồn nước nuôi tôm đảm bảo sạch, hạn chế tốt dịch bệnh.

Trải bạt ao nuôi cũng giúp trang trại tiết kiệm chi phí thức ăn và thuốc tăng trưởng. Do không tiếp xúc lòng đất nên nguồn thức ăn được tận dụng triệt để, thức ăn không bị phân hóa, tiêu hủy do các ảnh hưởng sinh hóa. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện hình thức này, chi phí vệ sinh ao nuôi cũng được tiết giảm đáng kể. Bởi bạt giúp ngăn cách lớp bùn, cặn ở đáy ao, nên công dọn vệ sinh lòng ao nuôi giảm, việc vệ sinh dễ dàng và nhẹ nhàng hơn so nuôi tôm truyền thống. Quản lý, kiểm soát được các yếu tố liên quan đến chất lượng nguồn nước là một trong những mấu chốt giúp tôm hạn chế tối đa dịch bệnh, tăng trưởng tốt, đạt sản lượng cao. Đặc biệt có thể tăng nuôi 3 vụ/năm so với 2 vụ/năm như cách truyền thống.

Ông Huy cho biết thêm những ưu điểm của nuôi tôm trên ao trải bạt so với nuôi bằng ao đất thông thường: “Khi trang trạng của tôi áp dụng nuôi tôm bằng trải bạt thì cho thấy quá trình nuôi thuận lợi, mật độ nuôi có thể tăng hơn, tốc độ lớn của tôm cũng nhanh hơn so với ao đất. Xét về lâu dài, nuôi ao trải bạt có thể nuôi 5 đến 10 năm không ảnh hưởng đến môi trường của ao. Còn ao đất chỉ có thể nuôi thuận lợi trong 1 đến 2 năm, do những vụ sau các chất cặn, bẩn, vi sinh, mầm bệnh ẩn trong đất khó vệ sinh khiến tôm dễ mắc dịch bệnh”.

Trang trại lắp hệ thống quạt nhím tăng lực đảo nước.

Để mô hình phát huy hiệu quả tốt, trang trại này đồng thời đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, kỹ thuật cao. Mỗi ao nuôi đều lắp các ống thoát khí nối từ nền đáy lên mặt phẳng bờ, tránh hiện tượng khí tích tụ dưới đáy đẩy bạt phồng lên khi ao có nước. Cùng với sử dụng quạt nhựa, trang trại lắp đặt các quạt nhím có lực đảo nước mạnh, làm tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước, đồng nhất chất lượng nước tại mọi điểm trong ao, tạo dòng chảy kích thích tôm di chuyển ăn. Đặc biệt, các ao nuôi đều bố trí hệ thống si-phông, chủ động trong việc bơm nước ra vào, tách lọc cặn thải, làm cho chất thải không có cơ hội tích lũy, phân hủy trong môi trường ao nuôi. Vì thế, hạn chế tốt dịch bệnh cho tôm.

Theo tính toán, để chi phí trải bạt cho 1.000m2 ao nuôi, trang trại đầu tư khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đi kèm với trải bạt đòi hỏi chi phí đầu tư cho hệ thống ống thoát khí, si-phông tách lọc cặn thải tương đối lớn. Tổng đầu tư 300 triệu đồng/1.000m2. Trước hiệu quả của mô hình, TP Uông Bí đã hỗ trợ trang trại 30% kinh phí đầu tư để thực hiện nuôi tôm trải bạt áp dụng kỹ thuật cao. Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: “Hiện thành phố có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, với khoảng 800ha, phân bố tập trung ở các xã, phường như Yên Thanh, Phương Nam, Quang Trung, Điền Công. Tuy nhiên, từ trước đến nay người dân nuôi trồng chủ yếu mang tính chất quảng canh, ít áp dụng kỹ thuật cao trong chăm sóc, dẫn đến năng suất thấp. Trong khi đó trang trại nuôi tôm của ông Huy tại khu Đầm Sứt, phường Yên Thanh sẵn sàng bỏ ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư mô hình nuôi tôm trải bạt áp dụng kỹ thuật cao. Hiệu quả bước đầu cho thấy rất khả quan. Vì thế, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố thực hiện hỗ trợ mô hình này với tư cách là mô hình đi đầu, tiên phong trong áp dụng khoa học công nghệ. Bởi mô hình hoạt động có hiệu quả sẽ kéo theo các vùng nuôi trồng thủy sản xung quanh mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ, góp phần phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của thành phố theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với năng suất, chất lượng cao”.

Hoàng Yến-Hải Ninh (Đài Uông Bí)

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19320 Tổng lượt truy cập 91164294