"Giao phương tiện cho người chưa đủ tuổi điều khiển là vi phạm pháp luật"

Từ đầu năm 2004 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan tới học sinh không đúng độ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, về vấn đề này.

Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh.

- Luật sư đánh giá thế nào về tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông đang diễn ra khá phổ biến hiện nay trên địa bàn tỉnh?

+ Tình trạng học sinh vi phạm các quy định về an toàn khi tham gia giao thông đang là vấn đề “nóng” không chỉ đối với Quảng Ninh mà trên phạm vi toàn quốc. Để ngăn chặn tình trạng này, các cấp chính quyền tỉnh đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp. Đặc biệt tháng 10/2024 Quảng Ninh thực hiện tháng cao điểm về xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Theo đánh giá bước đầu, cơ bản tạo tính răn đe, không để tình trạng học sinh vi phạm diễn ra tràn lan, công khai.

Ngành Giáo dục tỉnh cũng vào cuộc quyết liệt trong việc tuyên truyền luật giao thông trong các cấp học. Từ những giờ ngoại khoá, chính khoá các học sinh đã được trang bị những kỹ năng về tham gia giao thông an toàn. Đây được xem là một trong những cách làm nhằm nâng cao ý thức chấp hành trật tự ATGT cho học sinh, nâng cao tính xây dựng “Văn hoá giao thông học đường”.

Công an TP Hạ Long thăm hỏi một trường hợp là học sinh bị TNGT.

- Cơ quan chức năng sẽ xử lý như thế nào với người giao xe cho học sinh chưa đủ độ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây tai nạn?

+ Tại khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông đường bộ. Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, quy định cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 2 triệu đồng; đối với ô-tô, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng. Trường hợp để xảy ra TNGT chết người, thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.

Cục CSGT Bộ Công an đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Dự thảo mới nhất này đề xuất tăng xử phạt hành chính đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gấp 5 lần, từ 4-6 triệu đồng (mức cũ) lên 28-30 triệu đồng.

Đối với chủ mô-tô, xe gắn máy: Đề xuất phạt 8-10 triệu đồng đối với cá nhân; 16-20 triệu đồng đối với tổ chức mà giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện cầm lái. Mức phạt hiện nay là 800.000-2 triệu đồng đối với cá nhân và 1,6-4 triệu đồng đối với tổ chức.

Trường THCS Mạo Khê I (TP Đông Triều) tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông cho học sinh.

- Theo Luật sư, chúng ta cần làm gì để các em học sinh hạn chế thấp nhất việc vi phạm luật giao thông nói chung, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ độ tuổi nói riêng?

+ Các em học sinh đang trong độ tuổi phát triển nên việc tò mò và muốn thể hiện bản thân là điều khó tránh khỏi. Vì vậy trách nhiệm của xã hội, gia đình định hướng cho các em là rất quan trọng để hình thành nên một nhân cách tốt không vi phạm pháp luật. Điều này này cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, song cần hơn nữa là sự chung tay của các gia đình trong quản lý, giáo dục con em mình việc tuyệt đối tuân thủ pháp luật.

Riêng đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, việc đề xuất tăng chế tài xử lý sẽ gắn chặt trách nhiệm của hành vi này với người giao xe, chủ phương tiện khi tạo khung pháp luật cho phép, kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe mà xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng.

- Xin cảm ơn Luật sư!

Theo Nguyễn Duy/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10025 Tổng lượt truy cập 94746058