Giải pháp đóng mở ghi đường sắt phòng nổ ở Than Vàng Danh

Là đơn vị khai thác than hầm lò lớn nhất Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, bình quân mỗi năm, Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin cung cấp cho nền kinh tế trên 3,5 triệu tấn than nguyên khai. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất than trong điều kiện diện khai thác ngày càng xuống sâu, đi xa, Công ty CP Than Vàng Danh đã tập trung hiện đại hóa từng bước công tác vận tải hầm lò. Trong đó, việc tiến tới tự động hóa khâu vận tải đường sắt đã được đơn vị triển khai thành công.

Công ty CP Than Vàng Danh hiện đang sử dụng chủ yếu phương tiện vận tải bằng tàu điện để vận chuyển người, than, đá, vật liệu trên đường sắt trong hầm lò với tổng chiều dài 65km. Trên các tuyến đường có nhiều ga chứa, ga trung chuyển, nhiều lối rẽ. Trung bình một ca sản xuất, đơn vị này huy động 42 tàu để phục vụ công tác vận tải.

Cũng giống như vận tải đường sắt trên bộ, một trong những chi tiết rất quan trọng của hệ thống đường sắt dưới hầm lò là bộ phận chuyển ray (bẻ ghi). Bẻ ghi sẽ dẫn hướng cho tàu di chuyển từ đường ray này sang đường ray khác. Hiện nay, toàn tuyến đường sắt của Than Vàng Danh có 240 bộ ghi rẽ cần đóng/mở mỗi ngày. 

Để điều khiển chuyển hướng đoàn tàu, các công nhân lái tàu của đơn vị sẽ phải thao tác phanh hãm dừng phương tiện và đi bộ lên trước ghi rẽ từ 5-10m, thực hiện bẻ ghi bằng tay, sau đó quay trở lại cabin. Toàn bộ quy trình này sẽ mất từ 3-5 phút để thao tác. Tuy nhiên, mất an toàn lao động mới là vấn đề lớn. 

Theo tính toán của đơn vị, với mỗi đoàn tàu đi và về, người công nhân sẽ phải có ít nhất 4 lần lên và xuống tàu để bẻ ghi rẽ bằng tay. Đoạn đường nếu có 10 bộ ghi rẽ thì công nhân phải lên và xuống tàu 40 lần. “Nhiều lần lên và xuống tàu để bẻ ghi, người công nhân khó tránh được các thao tác sai, dẫn đến sự cố như dập ngón tay, ngã, trầy xước chân tay. Thậm chí có những vụ sự cố lao động nghiêm trọng do người lái không dừng hẳn tàu mà chỉ phanh hãm, sau đó nhảy xuống để bẻ ghi” - Anh Trần Đình Lợi, công nhân lái tàu của Phân xưởng Vận tải Giếng 2, Than Vàng Danh cho biết.

Để cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân và tăng năng suất vận tải, từ tháng 4 năm 2020, Công ty CP Than Vàng Danh đã nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng các bộ điều khiển từ xa đóng/mở ghi đường sắt phòng nổ dùng trong và ngoài hầm lò; khắc phục hoàn toàn những tồn tại nói trên. 

Theo thiết kế, một bộ điều khiển tự động đóng mở ghi đường sắt được cấu tạo gồm tủ điều khiển và bộ ghi điều khiển bằng piston khí nén. Tầm xa điều khiển của thiết bị lên tới 100-150m với môi trường mở và từ 30-50m với môi trường nhiều vật cản. Để thực hiện thao tác điều khiển ghi rẽ từ xa, công nhân lái tàu phải cho phương tiện chạy chậm lại trước ghi từ 10-20m; quan sát, kiểm tra vị trí ghi, đèn báo, biển chỉ hướng ghi để đóng mở ghi theo hướng cần di chuyển. Như vậy, thay vì phải lên/xuống như trước, giờ đây, người thợ vận hành chỉ cần ngồi trên tàu và nhấn nút để điều hướng đoàn tàu theo ý muốn. Thời gian thực hiện chỉ trong khoảng vài giây và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động. 

Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin sử dụng đường sắt là hình thức vận tải chính trong quá trình sản xuất than hầm lò.

Đến nay, sau 2 năm áp dụng, giải pháp điều khiển đóng/mở ghi đường sắt từ xa đã mang lại nhiều lợi ích cho Than Vàng Danh. Năng suất vận tải của các phương tiện được nâng lên, sức lao động thủ công của người thợ được giảm. Đặc biệt, công tác an toàn trong quá trình vận tải đường sắt của đơn vị được cải thiện đáng kể so với thời gian trước.

Theo ông Ngô Minh Tân, Trưởng phòng Cơ điện Vận tải Công ty CP Than Vàng Danh cho biết: "Từ khi công ty lắp đặt bộ điều khiển ghi từ xa, công tác trao đổi goòng của các phân xưởng vận tải hầm lò được thông suốt, liên tục, thời gian vận chuyển người và vật tư giảm so với trước đây từ 20-30 phút/chuyến. Ngoài ra, những chi phí sửa chữa, thay má phanh tàu cũng được giảm đáng kể, giúp đơn vị tiết kiệm được chi phí sản xuất. Hiện nay, đơn vị đã lắp đặt được 190/240 bộ ghi tự động và đang tiếp tục lắp đặt hoàn thiện những vị trí ghi rẽ còn lại".

Bộ điều khiển đóng/mở ghi đường sắt tự động phòng nổ được lắp đặt trong các đường lò của Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin.

Đánh giá cao hiệu quả của giải pháp này, ông Đinh Hữu Quyết, Trưởng ban Cơ điện TKV khẳng định: Tới đây, giải pháp này sẽ được các đơn vị khối hầm lò của Tập đoàn tham khảo, áp dụng, tiến tới tự động hóa hoàn toàn công tác vận tải đường sắt trong hầm lò của TKV. 

Theo Hoàng Yến/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 5890 Tổng lượt truy cập 94826584