"Giấc mộng" của Nguyễn Năng Văn

Là tập thơ đầu tay của Nguyễn Năng Văn, nhưng “Giấc mộng” thật sự khiến tôi bất ngờ bởi không chỉ phong phú về đề tài, mà còn đa dạng về hình thức thể hiện.

Trang bìa tập thơ.

Nguyễn Năng Văn hiện sinh sống ở TP Uông Bí, được kết nạp vào Hội VHNT Quảng Ninh năm 1992 chuyên ngành Sân khấu. Anh viết kịch bản, làm diễn viên, đạo diễn sân khấu, với hàng chục vở kịch và các tiểu phẩm, tham gia hội diễn sân khấu quần chúng của tỉnh, hội thi văn hoá văn nghệ của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, lực lượng vũ trang của thành phố và đã đạt nhiều giải thưởng, huy chương. Nguyễn Năng Văn không dừng ở đó. Với niềm đam mê được viết, được cống hiến, ngoài kịch anh đã có một số truyện ngắn, bút ký đăng báo, tạp chí. Gần đây lại thấy thơ anh xuất hiện đều trên trang báo Hạ Long… Tập thơ “Giấc mộng” ra đời chính là minh chứng cho sự đam mê viết và mong muốn luôn được viết của anh.  

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi cầm trên tay tập thơ “Giấc mộng” đó là cuốn sách có bìa trang trí bắt mắt, giấy in đẹp, 102 trang. Tập thơ có 76 bài, trong đó thơ lục bát 44, thơ đường luật 13, còn lại thơ song thất, song tứ - lục bát và thơ tự do. 

Hãy đọc những câu thơ anh viết về mẹ: "...Nghĩ về mẹ lòng đau se sắt/ Mẹ sinh con hiu hắt mùa đông/ Đói no lòng mẹ chờ trông/ Nuôi con khôn lớn bão giông tháng ngày…” (Nghĩ về mẹ). Thơ song tứ lục bát của Nguyễn Năng Văn xuất hiện trong tập không nhiều, nhưng đọc ta cảm nhận được tác giả là người nắm rất chắc về niêm luật của thể thơ này: "...Một chút đa tình/ Một thoáng phiêu linh/ Gái miền quan họ Bắc Ninh/ Ngất ngây trao trọn mối tình tâm giao…”.

Trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Năng Văn có vẻ như vô tư, nhưng đọc thơ anh lại thấy có một Nguyễn Năng Văn khác hẳn. Bài “Hương sắc tháng ba” chỉ với 12 câu lục bát, nhưng anh đã vẽ lên được khung cảnh mùa xuân bằng sự quan sát phát hiện thi vị: “Em về tím cả hoa xoan/ Hoa bưởi nở trắng nồng nàn hương đưa/ Bông gạo nở thắm gọi mưa/ Lộc vừng kết nụ song thưa giăng mành/ Cây bàng nở búp trên cành/ Sen hồng khoe sắc trời xanh nao lòng…” (Hương sắc tháng ba).

Viết về tình yêu nam nữ, Nguyễn Năng Văn lại có cách thể hiện rất riêng qua bài “Yêu nhau cởi áo cho nhau”. Mặc dù ý tứ của bài thơ được bật lên từ chủ đề không có gì mới lạ, nhưng đọc xong ta lại cảm thấy không thể không xốn xang: “Về nhà dối mẹ dối cha/ Áo con khuy đứt tại là… gió bay/ Mẹ cha nào biết, có hay/ Khát khao con trót trao tay bồng đào”. Và tình yêu đã được đẩy lên bằng những gì diễn ra như nó phải vậy: “Nụ hôn ngây ngất ngọt ngào/ Ái ân cháy bỏng xốn xao bóng hình/ Dại khờ trao trọn cuộc tình…”. Và sự rung cảm, mãnh liệt ấy đã chạm đến đỉnh điểm của hạnh phúc lứa đôi: “…Chân cầu sóng vỗ vơi đầy/ Trên cầu xoắn xuýt bao ngày cách xa/ Sương đêm ướt đẫm la đà/ Trăng khuya mờ tỏ “một toà thiên nhiên”…” (Yêu nhau cởi áo cho nhau).

Là cán bộ Phòng Văn hoá thông tin TP Uông Bí, được phân công phụ trách công tác văn hoá quần chúng nên Nguyễn Năng Văn có điều kiện đi và tiếp xúc nhiều. Điều đó đã giúp anh có thêm vốn sống cũng như có thêm nguồn tư liệu quý cho niềm đam mê sáng tác của anh. Hãy nghe anh chia sẻ về những phận đời cơ nhỡ: “Đời em khốn khổ chẳng kêu ca/ Gầy guộc lưng còm chốn phố xa/ Nắng đỏ ban ngày đi nhặt rác/ Đêm đen núp bóng bãi tha ma…” (Phận đời cơ nhỡ).

Cũng là nghĩ về mẹ, nhưng với thể thơ lục bát anh lại cho ta thấy sự thiết tha, đằm thắm trong cách cảm, cách nghĩ của mình: “…Thương mẹ nẻ toác gót chân/ Áo tơi cày cấy đồng gần đồng xa/ Chan trong nước mắt nhạt nhoà/ Mặn chua của vị miếng cà dầm tương…/…Con về nhớ mẹ vấn vương/ Mây giăng giăng mắc lời thương nghẹn ngào/ Nỗi niềm xin gửi trời cao/ Buâng khuâng tình mẹ dâng trào tim con” (Thương mẹ).

Được biết khi còn là học sinh cấp 3 ở Uông Bí năm 1975, anh đã từng đạt giải ba học sinh giỏi văn tỉnh Quảng Ninh và đạt giải khuyến khích học sinh giỏi văn cấp quốc gia. Nguyễn Năng Văn đã tốt nghiệp cử nhân sư phạm, đã từng là thầy giáo dạy học ở Móng Cái 4 năm, sau đó anh chuyển về công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Uông Bí. Với những gì sẵn có kết hợp với niềm đam mê trong sáng tác VHNT của Nguyễn Năng Văn, sau “Giấc mộng”, hy vọng anh sẽ có thêm nhiều tác phẩm mới ra đời để góp phần vào sự phát triển của VHNT Quảng Ninh.

Theo Nguyễn Ngọc Huấn (CTV)/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19374 Tổng lượt truy cập 94706387