Giả mạo cơ quan chức năng thông báo phạt nguội để dọa dẫm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại

Chuyên mục "Nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến", kì 4 là câu chuyện về các đối tượng lừa đảo với chiêu thức giả danh cơ quan chức năng thông báo phạt nguội để dọa dẫm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Độc giả hãy cùng đọc và chia sẻ để giảm thiểu tình trạng nhé!

Thời gian qua, rất nhiều người dân trên cả nước đã nhận được các cuộc gọi mạo danh cơ quan cảnh sát giao thông để thông báo về việc xử lý phạt nguội vi phạm Luật giao thông. Một số kịch bản phổ biến đang được nhiều đối tượng xấu sử dụng như giả mạo lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo nạn nhân đang liên quan đến một vụ án nghiêm trọng như buôn ma túy, lừa đảo xuyên quốc gia, vi phạm Luật Giao thông, gây tai nạn bỏ trốn,...

Trong một cảnh báo được phản ánh đến NCSC, anh H (ở Hà Nội) cho biết vào đầu tháng 8 năm nay, anh đã nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là Sở giao thông vận tải, gọi điện để thông báo về việc anh có một biên lai phạt nguội chưa được nộp, và yêu cầu anh nhấn phím ‘9’ để biết thêm chi tiết. Vì thường xuyên theo dõi tin tức, anh H cũng có hiểu biết đôi chút về các thủ đoạn và dấu hiệu của hành vi lừa đảo, nên anh đã nghi ngờ đây là một cuộc gọi lừa đảo. Tuy nhiên anh muốn nghe thử xem chúng sẽ làm gì để lừa mình để có thể cảnh báo lại cho người khác. Nghĩ vậy, anh nhấn thử vào phím 9.

Sau khi anh làm theo thì nghe thấy giọng một người đàn ông (gọi tắt là T) nghe có vẻ chững chạc vang lên: “Alo, Cục quản lý giao thông đường bộ xin nghe”. T tự giới thiệu “tôi là đồng chí Đỗ Minh Tiến, số hiệu quân nhân 136875, đang làm việc tại Tổng cục quản lý giao thông đường bộ số 03, địa chỉ số 24 Trần Phú, quận Hải Châu, Đà Nẵng” và yêu cầu H cung cấp thông tin tên đầy đủ và chứng minh nhân (nmnd) để kiểm tra thông tin biên lai của anh trên hệ thống. Anh H sau khi cung cung thông tin được yêu cầu (H đã cố tình đọc sai 2 số cnmd của mình), T báo lại rằng đã kiểm tra thấy một biên lai vi phạm giao thông của H và bảo anh tìm nơi yên tĩnh để nghe nội dung biên lai T chuẩn bị đọc.

Nội dung biên lai nêu rõ vào ngày 21 tháng 7 năm 2022, anh H đã thuê một chiếc xe Toyota màu đen, biển số 43A 68852, đã gây tai nạn ở đoạn đường Điện Biên Phủ giao nhau với đường Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Cụ thể, anh đã vượt đèn đỏ và va chạm với một người đi bộ trên đường. Anh không dừng lại để giải quyết mà đã lái xe rời khỏi hiện trường ngay sau khi gây tai nạn.

T nói tiếp: “hôm nay tôi liên hệ với anh để thông báo về vấn đề tiền phạt 16 triệu đồng và giam bằng 24 tháng đồng thời truy cứu các trách nhiệm khác liên quan đến vụ án. Sự việc thuê xe gây tai nạn và bỏ trốn của anh đang rất nghiêm trọng, và hôm nay, ngày 02 tháng 8 là ngày nộp phạt cuối cùng của anh, nếu anh không nộp phạt để giải quyết vấn đề thì vụ án của anh sẽ chuyển từ vụ án dân sự sang hình sự và anh có thể bị phạt từ 1 đến 3 năm tù.” Sau đó T yêu cầu anh H chuyển tiền nộp phạt đến số tài khoản 9924551821 - TRAN VAN QUANG - Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là số tài khoản được ủy quyền để thu phạt theo như T nói.

Nghe xong, anh H ngay lập tức nhủ nhận nội dung biên lai là không đúng sự thật, vì vào khoảng thời gian này anh vẫn luôn làm việc tại Hà Nội, không đi đâu hay có mặt tại Đà Nẵng thì sao có thể gây ra tai nạn được.

T đáp lại: “Nếu sự việc đúng như anh nói thì có thể thông tin cá nhân của anh đã bị đánh cắp và bị người khác sử dụng trái phép vì hiện tại, theo camera giám sát của chúng tôi ghi lại được biển số xe gây tai nạn. Qua điều tra, phía cơ quan công an đã xác định được chiếc xe thuộc một cửa hàng chuyên cho thuê xe và chủ cửa hàng đã khai báo và cung cấp hợp đồng thuê xe ghỉ rõ tên và số cmnd người thuê cho thấy anh là người đã thuê chiếc xe gây tai nạn trong ngày xảy ra vụ việc. Để làm rõ sự việc, tôi sẽ chuyển máy cho anh nói chuyện trực tiếp với cơ quan điều tra TP Đà Nẵng.”

Ngay sau đó cuộc gọi được chuyển hướng và có tiếng của một người đàn ông đứng tuổi khác: “Alo, công an TP Đà Nẵng xin nghe”. Tiếp đó, người này yêu cầu anh cung cấp lại đầy đủ thông tin cá nhân, bao gồm tên, ngày sinh, số cmnd và nơi ở hiện tại. Sau đó yêu cầu anh kết bạn đến số Zalo của Phòng điều tra để cung cấp thêm thông tin và xác minh vụ việc.

Sau khi kết bạn, anh được yêu cầu chụp lại ảnh mặt trước và mặt sau cmnd, kèm theo một ảnh chân dung hiện tại của mình để gửi qua Zalo cho Phòng điều tra. Đến đây, anh H cũng đã hiểu rõ được thủ đoạn của nhóm lừa đảo và chặn hết các số diện thoại của chúng để không bị làm phiền nữa. Sau đó, anh cũng đã báo cáo sự việc lại với công an phường nơi anh đang sinh sống.

Trên đây là điển hình cho câu chuyện lừa đảo bằng cách giả mạo cơ quan cảnh sát giao thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, bài bản và chuyên nghiệp.

Các đối tượng lừa đảo này thường nhắm vào nỗi sợ hãi của người dân khi có liên quan đến các xử lý vi phạm Pháp luật, mục tiêu chính của chúng là để chiếm đoạt tiền của nạn nhân bên cạnh việc thu thập thêm các thông tin cá nhân của nạn nhân để dùng trong các cuộc tấn công mạo danh, lừa đảo khác.

Người dân cần lưu ý rằng các lực lượng chức năng nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng.

Ngoài ra, để kiểm tra phạt nguội tại nhà, người dân có thể mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào địa chỉ http://www.csgt.vn ở góc phải sẽ có mục Tra cứu phương tiện vi phạm giao thông qua hình ảnh. Việc tra cứu phạt nguội này sẽ giúp người dân nắm được chính xác thông tin mình có vi phạm lỗi giao thông nào không; và ngăn ngừa được tình trạng giả danh công an lừa đảo tiền của người dân.

Trang web chính thức của cơ quan CSGT để tra cứu thông tin phạt nguội.

Khi gặp phải những cuộc gọi mạo danh cơ quan nhà nước như trên hay mạo danh nhân viên bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ phí, dọa cắt điện, … thì người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, cảnh giác để tránh trở thành nạn nân của các cuộc tấn công lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho các đối tượng không quen biết cũng như click vào những đường link lạ, và cần xác thực thông tin rõ ràng trước khi chuyển tiền.

Nguồn: Chuyển đổi số quốc gia

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4816 Tổng lượt truy cập 94784236