Đường đến chính quyền số

Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới chính quyền số là mục tiêu lớn của Quảng Ninh. Người dân là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này được thực hiện thành công. Tuy đích đến vẫn còn chặng đường không ngắn, nhưng việc ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh ghi nhận những kết quả bước đầu.

Các thông tin, số liệu trong nhiều ngành, lĩnh vực được hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Ảnh: Minh Hà 

Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Thực hiện chương trình này, Quảng Ninh có nhiều lợi thế khi đã xây dựng được một nền tảng vững chắc. Ngay từ năm 2012, tỉnh đã  chính thức phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu hoàn thiện hạ tầng CNTT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh. Tại thời điểm đó, việc xây dựng chính quyền điện tử được coi là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai, thực hiện giai đoạn II của Đề án. Mục tiêu là xây dựng và hoàn thiện hạ tầng CNTT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển trong lĩnh vực CNTT và truyền thông của tỉnh, hướng tới phát triển chính quyền điện tử. Hạ tầng công nghệ được đầu tư đồng bộ đã tạo điều kiện để các cấp chính quyền trong tỉnh thực hiện thuận lợi và đáp ứng hiệu quả yêu cầu công việc, cũng như đáp ứng cao nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã cung cấp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Từ năm 2019, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong nước áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi nhận tài liệu qua môi trường mạng. Hằng năm có trên 50.000 hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 1,2 triệu văn bản được trao đổi bằng văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng kết nối trên 900 đơn vị trong tỉnh. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc gửi, nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp, từ xã lên Văn phòng Chính phủ và từ xã của tỉnh đến một xã bất kỳ của địa phương khác (nếu xã đó đã có kết nối trục liên thông quốc gia); là một trong 3 địa phương đầu tiên trong toàn quốc tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia, với 1.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đạt tỷ lệ hơn 85% của cả 3 cấp

Đánh giá về Trung tâm Điều hành thành phố thông minh của Quảng Ninh khi được đưa vào vận hành, ông Dumitrascu Eduard Calin, Chủ tịch Hiệp hội thành phố thông minh thế giới, nhận định: “Quảng Ninh đã có một hệ thống tốt nhất để vận hành thành phố thông minh. Đây là hệ thống được tích hợp và bao gồm nhiều lĩnh vực, là công cụ hiệu quả để quản lý nhà nước, phục vụ đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân”.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Quảng Ninh xác định mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành, địa phương, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại. Tỉnh cũng xác định, trong mô hình chính quyền số, toàn bộ dữ liệu công dân, hành chính, điều hành của chính quyền được tích hợp, thực hiện trên nền tảng dữ liệu lớn, số hóa triệt để, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bộ máy vận hành…  

Theo đó, Quảng Ninh đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Trong đó, xây dựng Đề án chính quyền số tỉnh theo nguyên tắc kế thừa cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư, đầu tư bổ sung hạ tầng CNTT đảm bảo tiết kiệm tối đa nhưng cũng mạnh dạn đầu tư các cơ sở vật chất thiết yếu để vận hành chính quyền số.

Để đảm bảo chất lượng của Đề án, sát tình hình thực tiễn về đổi mới công nghệ, tỉnh đã phân công cụ thể cho từng đơn vị liên quan. Đồng thời nhanh chóng phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng tổng thể hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh và ứng dụng CNTT của tỉnh (hạ tầng, thiết bị, tình hình, hiệu quả triển khai, tồn tại, hạn chế) và thực trạng chât lượng nguồn nhân lực CNTT của tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Từ đó, đánh giá cụ thể mặt được, mặt chưa được, xác định tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp, mô hình, nguyên tắc xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Ninh và các nhiệm vụ cụ thể.  

Mục tiêu gần của Quảng Ninh là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội; là một trong tốp 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Điều hành thông minh cấp tỉnh và cấp sở, ngành, địa phương.

Những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, cộng với định hướng phát triển theo hướng công nghệ cao, lấy CNTT làm ngành kinh tế mũi nhọn sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh. Hy vọng, với những cách làm và nỗ lực riêng, Quảng Ninh sẽ đến gần hơn với mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, hiện đại trong các thành phố thông minh của Việt Nam và khu vực ASEAN.

 

Theo Hoài Anh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 7825 Tổng lượt truy cập 94790027