Du xuân trảy hội non thiêng

"Hôm nào về Yên Tử đi, có nhiều cái mới"… Gần như năm nào, tôi cũng dành thời gian hành hương về hội xuân Yên Tử. Xuân này, có một lời mời là có thêm động lực, tôi lại về Yên Tử vào một ngày cuối tuần sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua.

Nhân viên Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chỉ dẫn về hướng đi cho du khách ngay dưới chân núi.

Xuân này, thời tiết khá lạnh, vào Yên Tử sẽ còn lạnh hơn vì gió núi, vì độ cao… Vốn khá quen thuộc với nơi đây, tôi biết điều đó nhưng khí hậu thực tế vẫn khiến người ta khá bất ngờ. Không có những giọt mưa xuân ướt át hay sương mù trời mà ngược lại, nắng vàng ươm trên khắp cây lá. Nắng nhưng vẫn lạnh, gió thổi mạnh, khá buốt não khiến tôi phải cài lại áo cẩn thận rồi mới hoà vào dòng người đang nườm nượp thượng sơn. Nhìn xung quanh mới thấy, nhiều du khách cũng có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, không chỉ quần áo ấm mặc trên người mà còn trang bị thêm mũ đội đầu, che tai, quả thực là yên tâm với gió lạnh như thế này.

Các vườn hoa, tiểu cảnh rực rỡ sắc màu được trang trí ở nhiều nơi, chào đón du khách về với Yên Tử.

Chúng tôi đi Yên Tử vào ngày cuối tuần vừa qua, cũng là những ngày nghỉ cuối cùng của học sinh, sinh viên nên nhìn qua đã thấy số lượng các bạn trẻ trảy hội xuân khá đông. Ngay từ cổng Khai tâm, Yên Tử đã tạo ấn tượng khi trang hoàng những bồn hoa, tiểu cảnh lớn tạo không khí xuân tươi mới, rực rỡ chào đón du khách bốn phương. Sự tươi tắn này còn được điểm xuyết bằng những vườn hoa, xe hoa trên dọc tuyến đường của làng Nương, ở khu đình làng, khu chợ quê…

Đi tiếp vào khu vực gương Kính tâm, hồ nước, vườn thiền là tiếng nhạc dân tộc vui tươi, là khung cảnh rộn ràng của du khách check in, chụp ảnh, cho cá ăn bên hồ, bên những gốc tùng trong khung cảnh thoáng đãng, đẹp mắt. Nối tiếp đó là không gian cho du khách vui vẻ chơi đu, cưỡi ngựa tại khu vực sân lễ hội. Và ngay bên cạnh là làng Nương với không khí sôi động của những gian hàng chợ quê, của gánh hát chầu văn, quan họ đang phục vụ khách xuống núi ghé chơi, nghỉ chân…

Du khách xếp hàng khi đi cáp treo lên các điểm chùa trên núi của Yên Tử.

Vượt qua không gian này, theo chỉ dẫn của cô gái là nhân viên Công ty CP Phát triển Tùng Lâm túc trực bên đường, du khách chia hai hướng. Nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ lựa chọn lối hành hương bộ. Số khác, trong đó có chúng tôi lựa chọn đi cáp treo để tiết kiệm thời gian và thể lực hơn. Xe điện chạy liên tục, nhanh chóng đưa chúng tôi vào nhà ga cáp treo để lên núi.

Quan sát khách hành hương, tôi nhận ra cùng với những nhóm khách bạn bè, gia đình đi tự do có không ít những đoàn khách đi theo đơn vị lữ hành về Yên Tử. Bắt chuyện với chị Tạ Mai Hương, đến từ Hà Nội, chị chia sẻ: Năm nay, thời tiết ở Yên Tử rất là đẹp, không khí vui tươi, phù hợp vừa đi lễ chùa vừa du xuân. Yên Tử là đất thiêng, có nhiều truyền thuyết, được về Yên Tử là tâm nguyện của rất nhiều người. Công ty chúng tôi cứ cách vài năm lại tổ chức cho anh chị em cán bộ, nhân viên về tham quan, dâng lễ tại Yên Tử. Và mỗi một lần về, tôi lại nhìn thấy sự đổi mới của nơi đây, mỗi di tích lại có một dấu ấn riêng, rất là mừng…

Lượng khách về Yên Tử những ngày cao điểm lên tới hơn 2 vạn người, khiến nhiều tuyến đường chật kín khách.

Năm ngoái, chúng tôi cũng đi Yên Tử dịp đầu năm như thế này. Khi ấy cả nước chưa mở cửa toàn diện, mặc dù dịch bệnh đã tạm lui, khách hành hương khá đông đúc, nhưng tất nhiên không bằng năm nay. Tôi nhìn dòng người xếp hàng, nhìn những dáng người nối tiếp nhau leo đoạn dốc lên tháp Tổ và cảnh ken đặc người ở những đoạn nhỏ hẹp trên tuyến hành hương… chợt nhận ra, có lẽ đã lâu lắm, khách đến Yên Tử mới lại phải xếp hàng chờ cáp treo và phải chờ nhau.

Vậy là, lượng khách đã hồi phục sau những năm dịch bệnh, lại càng mừng hơn vì khách trảy hội xuân Yên Tử có ý thức văn minh cao, dù hành trình vì đông đúc có bị chậm lại nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy mà khi gặp những đoạn đông đúc thì bước chân ai nấy tự động chậm lại, chờ nhau tuần tự để tiến lên…

Dòng người hành hương như những đợt sóng, lúc trào lên ào ạt, có lúc lại lặng lẽ lùi xa khiến cả một khu vực bỗng chốc đông nghẹt người, bỗng chốc lại thưa vắng hẳn đi. Ngày cao điểm, Yên Tử đón tới 24.000 khách, hôm chúng tôi đi chỉ có hơn 20.000 khách thôi mà quả thật tôi đã hơn một lần phải thốt lên: người ở đâu mà đông thế không biết.

Các điểm di tích tập trung khách nhất là tháp Tổ, chùa Hoa Yên, khu vực An Kỳ Sinh – bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và chùa Đồng. Khoảng sân trước khu vực chùa Hoa Yên vốn nhỏ lại đông khách dâng hương, vào chùa làm lễ, còn chùa Đồng nằm trên đỉnh núi, các lối đi nằm xen giữa những tảng đá lớn tự nhiên nên lúc nào cũng kín đặc người. Kể cả không gian lớn tại khu vực tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đón cả dòng khách lên núi và xuống núi, dù đã chia hai đường nhưng lúc nào cũng đông.

Du khách thắp hương và thả tiền giọt dầu vào hòm, không cài giắt trên tượng Phật, hoa quả...

Thời tiết đẹp, trời trong nên khách thượng sơn lên tới chùa Đồng cũng nhiều hơn. Lượng khách về Yên Tử năm nay theo lối Tây Yên Tử (Bắc Giang) cũng nhiều hơn, mỗi ngày có vài nghìn khách hành hương, đa số khách này sẽ lên thắp hương lễ Phật tại khu vực An Kỳ Sinh – Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông và chùa Đồng, cũng góp phần gia tăng thêm sự rộn ràng, đông đúc ở khu vực đỉnh núi.

Các biển chỉ dẫn trên dọc tuyến hành hương của Yên Tử đều có và ở những lối rẽ còn có nhân viên hướng dẫn nhưng có lẽ vì khách quá đông, lực lượng hướng dẫn chỉ đường cho du khách dường như cũng làm không xuể. Chị Nguyễn Thị Trang, du khách đến từ Bắc Giang cho hay, chị đi các tuyến hành hương theo phản xạ là chính, chị mong là Yên Tử sẽ có thêm những biển chỉ dẫn hay người chỉ đường để du khách lần đầu về đây cảm thấy yên tâm hơn…

Chúng tôi nghỉ chân ở khu vực An Kỳ Sinh, thư thả chiêm ngưỡng tượng Phật hoàng mới được dát vàng lại. Nơi này dường như chỉ có đá là bền bỉ với thời gian. Mây mù, mưa rừng, gió núi, sương giá khắc nghiệt đã khiến bảo tượng Phật hoàng sớm bị sạm đi, nay được dát vàng lại sáng rõ, nổi bật trên nền trời trong xanh. Xa xa trên cao kia là đỉnh chùa Đồng, nay thời tiết khô ráo, nắng vàng rực rỡ càng soi rõ hơn dòng người đang hành hương tới đỉnh thiêng Yên Tử. 

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông mới được dát vàng lại, nổi bật trên nền trời trong.

Ở khu vực này, gió chợt lặng hẳn, không còn buốt giá nữa khiến ai nấy sau chặng dài leo núi cũng như chúng tôi đều muốn dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn, mua chút đồ lưu niệm hay ăn uống để dưỡng sức…

Thói quen khiến tôi đưa mắt quan sát xung quanh. Khu vực này tương đối sạch sẽ, những chiếc thùng nhựa, lồ đan bằng tre nứa được đặt ở nhiều nơi để du khách bỏ rác. Tuy nhiên, giống như toàn tuyến hành hương, thi thoảng trên đường vẫn có những chiếc vỏ chai, vỏ kem… mới bị du khách vứt lại lăn lóc. Và ngay bên cạnh chúng tôi, nhóm khách đang ăn hoa quả, uống nước vẫn có vị khách hồn nhiên bóc cam vứt luôn vỏ ra đất… Lại nhớ lời chị khách lúc trò chuyện ở chùa Hoa Yên, chị bảo chị khá hài lòng khi về Yên Tử, tuy nhiên chị cũng mong rằng vệ sinh môi trường có thể được dọn dẹp sạch sẽ hơn.

Du khách vui chơi, chụp ảnh tại khu vực hồ nước dưới chân núi.

Qua điện thoại hỏi về điều này, anh Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, chia sẻ: Năm nay, các đơn vị đứng chân ở Yên Tử phối hợp thực hiện tốt, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo khâu đón tiếp du khách an toàn, chu đáo, từ các điểm chùa, các tuyến hành hương tới hệ thống ăn, nghỉ, bến bãi đậu xe…

Riêng việc thu gom rác ở Yên Tử được TP Uông Bí giao cho doanh nghiệp thực hiện. Lực lượng trực tiếp dọn dẹp, thu gom lên tới hàng chục người và chia ra các khu vực để làm; rác vẫn được thu gom và chuyển đi hết trong ngày. Vào những ngày đông khách thì không có không gian để dọn dẹp ngay được mà phải chờ tới cuối ngày, vãn khách hơn. Hàng vạn du khách như thế, chỉ cần số ít khách thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi thì sẽ khó mà sạch sẽ hết được…

Quả thực, với lượng khách lớn, có những khu vực luôn đông kín người, lại vào địa hình núi quanh co như Yên Tử thì ý thức của du khách vẫn là vô cùng quan trọng. Thiết nghĩ, Yên Tử cũng có thể khôi phục việc treo những tấm băng rôn, pa nô ở các tuyến hành hương, để nhắc nhở du khách trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường chung, góp phần mang lại cho du khách một trải nghiệm trọn vẹn hơn khi về với hội xuân Yên Tử năm nay.

Theo Phan Hằng/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 5500 Tổng lượt truy cập 94785521