Du khách đi chùa ngày xuân: 'Biết đông nhưng vẫn cố'

Hàng trăm nghìn người đã đến những ngôi chùa ở miền Bắc ngày đầu xuân, nhiều người có những trải nghiệm tồi tệ, nhưng vẫn chấp nhận.

"Mọi người thường bảo qua Tết nhiều nơi sẽ vắng khách hơn. Nhưng ở khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), dù đã mùng 7-8 Tết, khách vẫn ùn ùn. Đây là lễ hội đầu năm, biết đông nhưng tôi vẫn đến, đi chùa dịp này mới ý nghĩa", Bùi Quyết Thắng, đầu bếp 28 tuổi, người địa phương, chia sẻ.

Anh Thắng cho biết thêm đã đến chùa cả hai ngày 7 và 8 Tết để du xuân. Ngày mùng 7, anh dẫn em gái đi cùng và chưa đi được hết các điểm. Do đó mùng 8, anh tiếp tục quay lại để đi cho trọn vẹn.

Khu du lịch Tam Chúc ngày mùng 7 Tết. Ảnh: Bùi Quyết Thắng

Chùa Tam Chúc thuộc quần thể Khu du lịch Tam Chúc có tổng diện tích 5.100 ha. Chùa được xây dựng với thế lưng tựa núi Thất Tinh, mặt hướng hồ Tam Chúc. Bao quanh chùa là những dãy núi đá vôi và rừng tự nhiên. Chùa Ngọc hay Đàn Tế Trời là những điểm tham quan chính. Chùa cao 15 m, được xây dựng từ 2.000 tấn đá granite đỏ, xếp liền nhau không cần xi măng hay keo. Một số điểm tham quan khác là điện Tam Thế, điện Giáo chủ, điện Quan Âm, chùa Ba Sao cùng quần thể vườn, các cột kinh.

Theo quan sát của Thắng, trong cả hai ngày Tam Chúc luôn đông kín khách. Sáng mùng 8 Tết, Thắng đến từ 5h30 mà trong khu nhà Vesak chờ ra bến thuyền đã có hàng trăm người đứng đợi. Vào giờ cao điểm khoảng 8-9h, lượng khách đổ về đông nhất. Từ khu vực mua vé để xuống thuyền chỉ vài trăm mét nhưng 2-3 tiếng mới đến lượt. Nhiều vị khách, đủ lứa tuổi, đều tỏ ra mệt mỏi vì phải chờ lâu. "Có những cháu bé khóc, uể oải vì mệt dù được bố mẹ bế", Thắng nói.

Nhờ lợi thế "thổ địa", Thắng tránh được giờ cao điểm. Anh đi vào sáng sớm, và buổi trưa, lúc 13h nên vắng hơn. Thời gian chờ đợi chỉ mất khoảng một tiếng.

Thắng nhận xét dù đông, "tình hình có vẻ ổn". Đường xá lưu thông không bị ách tắc vì lực lượng an ninh phân nhánh hai làn đường. Trong chùa chia làm ba khu bán vé thay vì một như năm ngoái, khiến thời gian chờ đợi giảm nhiều. "Năm ngoái mua vé phải xếp hàng dài gấp đôi", anh nói. Tuy nhiên, anh cho biết việc đông đúc, chen lấn, ách tắc, chờ đợi lâu là không thể tránh khỏi vì đây là dịp cao điểm, ai cũng muốn đến hành hương.

Đường xuống chùa Ngọc cũng bị tắc. Nhưng mọi người đều vui vẻ, ít người tỏ vẻ cáu gắt. Ảnh: Bùi Quyết Thắng

Chị Nguyễn Huyền, chủ một cửa hàng cho thuê áo dài trong khu phố Cổ Tam Chúc, cho hay ngày mùng 7 Tết, chị thấy nhiều người mua vé xe điện VIP giá 100.000 đồng nhưng không thể sử dụng khi vào Tam Quan Nội. Lý do là đông quá không có xe. "Nhưng du khách đừng vứt vé đi, mà mang ra quầy để được hoàn tiền. Tôi đã mua giúp vé cho một đoàn khách, và cũng được trả lại tiền", chị Huyền nói. Năm nay, Tam Chúc mở thêm khu phố cổ, với nhiều địa điểm check-in đẹp, thích hợp với các du khách "sống ảo".

Nói về lượng khách đến đây hai ngày cuối tuần, chị cho biết thêm: "Mọi người đi những ngày này sẽ quá tải nên sẽ không được phục vụ hết các dịch vụ. Cũng do quá đông nên một số điểm vẫn xảy ra tình trạng khách chen lấn, không kiểm soát được". Chị gợi ý, nếu muốn đến Tam Chúc dịp cao điểm, nên đi vào sáng sớm, trước 7h hoặc sau 13h.

Tương tự chùa Tam Chúc, các điểm hành hương nổi tiếng khác ở miền Bắc như Bái Đính (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội), Ba Vàng (Quảng Ninh)... cũng ghi nhận lượng khách lớn trong dịp Tết và hai ngày cuối tuần đầu tiên của năm Quý Mão.

Ở Chùa Hương, một số khách có những trải nghiệm khó quên với dịch vụ đò. Chị Diệu Thúy (Hà Nội) kể hôm mùng 4 Tết đã bị một bên làm dịch vụ đò "chặt chém". "Hai vợ chồng tôi đặt vé hai người hết 260.000 đồng. Đến lúc xuống đò tôi mới biết tiền chở vào bến chỉ mất 50.000 đồng. Người ta làm dịch vụ trọn gói đương nhiên sẽ có chênh lệch, nhưng chênh ở mức độ này khó chấp nhận", chị Thuý kể.

Cũng ở chùa Hương, chị Lê Hải Yến (Hà Nội) còn bị bên nhà thuyền "bùng" hẹn. Đoàn đi chùa của chị có 7 người bao gồm cả trẻ em. Do biết lượng khách ngày Tết đông nên chị đã đặt lịch trước. Tuy nhiên, đến giờ hẹn, chị lại không thể gọi được nhà thuyền. Sau khoảng nửa tiếng chờ đợi không có kết quả, chị đành liên hệ với một bên khác và chấp nhận mất thêm 200.000 đồng để có đò vì cả đoàn đã mất công tới chùa.

Anh Nguyễn Anh Tuấn làm dịch vụ du lịch chùa Hương chia sẻ, giá vé một người đi chùa Hương vào những ngày Tết năm nay ở mức 130.000-140.000 đồng, bao gồm vé đò (50.000 đồng), vé vào cổng tham quan (80.000 đồng) và vé xe điện (10.000 đồng). Tuy nhiên, một số đơn vị thường lợi dụng ngày lễ Tết, lượng khách tăng cao nên tăng giá, yêu cầu tiền bồi dưỡng cho lái đò hoặc "bỏ" khách đã đặt trước để nhận những khách sau với giá cao hơn.

Hơn 50.000 người đổ về chùa Ba Vàng sáng mùng 8 Tết để khai hội. Ảnh: Chùa Ba Vàng

Mùng 8 Tết, lễ khai hội xuân được tổ chức tại chùa Ba Vàng. Chị Nguyễn Thị Lan Anh (Hải Phòng) đã gặp tình trạng ùn tắc trên đường đến nơi gửi xe ở cổng. Chùa đã có phân chia khu vực gửi ôtô và xe máy, nhưng các xe vẫn phải nối đuôi xếp hàng khá dài.

Sau khi gửi xe và tham quan xong, chị ra thì không thấy xe ở vị trí cũ. Chị và chồng chia nhau đi tìm. Mất khoảng 15 phút họ mới tìm thấy xe ở cách xa chỗ ban đầu. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Quân, đoán: "Có lẽ vì lượng khách quá đông, xe xếp sát nhau, lại không có người của bãi giữ xe hỗ trợ lấy và sắp xếp nên những người muốn lấy xe bên trong hay bên cạnh phải dịch chuyển xe nhà tôi ra chỗ khác. Cứ như vậy khiến chiếc xe bị di chuyển ra xa".

Đường lên chùa Ba Vàng không dốc và nhiều bậc như chùa Yên Tử (cũng ở Quảng Ninh). Tuy nhiên, đường đi hẹp, lượng người lại đông nên xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và móc túi. "Một người bạn của tôi đã bị mất đồ. Để tránh chuyện này, tôi luôn đưa túi lên phía trước và giữ tay ở đó", chị Lan Anh nói. Chị cũng khuyên mọi người không nên mang nhiều tiền và những đồ có giá trị.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, chùa Ba Vàng đã đón gần 222.000 lượt khách, ngày cao điểm lên tới 75.000 lượt người. Trong ngày khai hội mùng 8 Tết, hơn 50.000 phật tử, du khách đã đến nơi này, theo thông tin trên trang cá nhân của trụ trì chùa Ba Vàng, thầy Thích Trúc Thái Minh. Tại chùa Hương, gần 5.000 đò đã được hạ thủy để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách dịp Tết. Ngày khai hội mùng 6 Tết, lượng khách đạt khoảng 150.000 người.

"Đi chùa ngày xuân là một trong những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt. Nhưng tôi nghĩ mọi người nên đi rải rác. Ngoài ra, nên để trẻ nhỏ ở nhà vì đông đúc, chen lấn, không khí ngột ngạt khiến các bé mệt mỏi, khóc. Người lớn tuổi cũng nên tránh các dịp cao điểm", Thắng chia sẻ.

Theo vnexpress.net

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 11023 Tổng lượt truy cập 91150721