Dư âm từ Lễ trao tặng Giải thưởng VHNT Trần Nhân Tông lần thứ nhất

Ngày 27/7/2019 diễn ra một sự kiện được giới văn nghệ sỹ, người sáng tác thành phố Uông Bí mong đợi từ nhiều năm nay, đó là lễ công bố và trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Trần Nhân Tông thành phố Uông Bí lần thứ Nhất, giai đoạn 2011-2018. Với 31 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài thành phố Uông Bí được xét giải, tôn vinh, giải thưởng được đánh giá tổ chức thành công, để lại những dư âm tốt đẹp, đồng thời là sự khích lệ, động viên to lớn để các văn nghệ sỹ tiếp tục có nhiều sáng tác hay hơn, chất lượng hơn về vùng đất Uông Bí giàu tiềm năng, thế mạnh, đang không ngừng đổi mới, phát triển.

Bên thềm Lễ trao giải, Nhạc sỹ Xuân Tích, Trưởng Ban sân khấu - âm nhạc, Hội VHNT TP Uông Bí xúc động chia sẻ: Giải thưởng VHNT Trần Nhân Tông lần đầu tiên được tổ chức có thể nói là “dấu ấn lịch sử” đáng ghi nhận, thỏa mong đợi của văn nghệ sỹ thành phố Uông Bí từ nhiều năm qua. Bởi từ rất lâu rồi anh em văn nghệ sỹ mong mỏi Uông Bí có được một giải thưởng để tôn vinh những thành tựu, đóng góp chất lượng của đội ngũ người sáng tác mà chưa thành hiện thực. Năm 2019 chúng ta đã làm được và đã tổ chức thành công Giải thưởng Trần Nhân Tông, cho thấy sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Hội dành cho giới văn nghệ sỹ. Niềm vui không chỉ dành riêng cho cá nhân các tác giả đạt giải mà còn là niềm vui chung của anh em trong Hội. Chúng tôi sẽ cố gắng, cống hiến nhiều sáng tác hay hơn nữa, có giá trị, góp phần phản ánh chân thực diện mạo, sức sống của thành phố hôm nay.

Tập thơ Mùa trăng quê mẹ (tác giả Đỗ Văn Luyến) đạt giải A lĩnh vực Thơ.

Còn với nhà thơ Đỗ Luyến, tác giả vinh dự nhận giải A (lĩnh vực Thơ) cho tác phẩm Mùa trăng quê mẹ, ngoài chung khẳng định Giải thưởng Trần Nhân Tông là dấu ấn mang tính lịch sử, đáp ứng mong đợi của hội viên, giới sáng tác từ nhiều năm nay, còn nhấn mạnh: Giải thưởng là nguồn động viên trực tiếp, khẳng định vai trò của VHNT và những đóng góp của văn nghệ sỹ cho vùng đất Uông Bí. Bởi, ở Uông Bí nhiều tác giả tuổi đã cao, thậm chí rất cao, qua sự ghi nhận từ giải thưởng của thành phố sẽ là hình thức vinh danh kịp thời và rất ý nghĩa.  

Uông Bí là một trong những địa phương có phong trào sáng tác VHNT không chỉ phát triển về bề rộng mà còn cả chiều sâu, chất lượng. Đáp ứng mong mỏi của văn nghệ sỹ, đồng thời thực hiện nghị quyết của trung ương, của tỉnh về Xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tháng 9/2018, Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trần Nhân Tông, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh lần thứ nhất giai đoạn (2011-2018). Giải thưởng lấy tên Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua anh minh, tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, một nhà thơ, nhà văn hóa tiêu biểu thời trung đại, người đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử, văn hóa của vùng đất Uông Bí. Giải thưởng văn học nghệ thuật Trần Nhân Tông vì thế là giải thưởng lớn của thành phố, nhằm xét tặng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật viết về Uông Bí, về Đảng, Bác Hồ, đất nước và những vấn đề của đời sống xã hội.

Ngay sau khi phát động giải thưởng, đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài thành phố đã tích cực, hưởng ứng tham gia. Từ vòng sơ khảo, BTC đã lựa chọn 60/105 tác phẩm có chất lượng tốt, nội dung phù hợp với tiêu chí, thể lệ giải để chấm vòng chung khảo.

Ở vòng chung khảo, Ban tổ chức lựa chọn, mời Hội đồng chấm chung khảo là những nhà văn, nhà thơ, chuyên gia, nghệ sĩ có kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực văn học nghệ thuật để đảm bảo thẩm định tác phẩm khách quan, công tâm.

Nhà thơ Nguyễn Châu, giám khảo chuyên ngành thơ cho biết: mặc dù là giải thưởng lần đầu tiên phát động song tác phẩm thơ dự giải của Uông Bí không chỉ có số lượng nhiều mà còn có chất lượng rất tốt. Quá trình thẩm định, chúng tôi chọn những tác phẩm đạt tiêu chí về nghệ thuật, thể hiện rõ chủ đề, có chiều sâu tư tưởng. Đây là những tác phẩm quí, góp phần phản ánh chân thực, làm nên diện mạo của thành phố công nghiệp lớn. Những tác phẩm này không những tuyên truyền cho thành phố mà còn vươn xa ra cả nước. Đội ngũ sáng tác của thành phố vì thế sẽ có điều kiện “bay xa hơn”.

Nhận định về giải thưởng VHNT Trần Nhân Tông, Nhà thơ Nguyễn Châu cho biết thêm: Thành phố Uông Bí lần đầu tiên phát động giải thưởng Trần Nhân Tông là một việc làm đáng hoan nghênh. Điều này rất hiếm địa phương làm được. Tại Quảng Ninh, trước nay mới có TP Hạ Long, TP Cẩm Phả tổ chức xét giải riêng cho lĩnh vực VHNT. Nếu xét trên bình diện cả nước thì hầu như chưa có tỉnh, thành nào có nhiều địa phương cấp huyện chú trọng thúc đẩy phong trào sáng tác như vậy. Đây là sự quan tâm thiết thực của lãnh đạo thành phố, các ban, ngành, Hội VHNT, góp phần khích lệ phong trào sáng tác không chỉ ở địa phương mà còn của cả tỉnh. Giải thưởng cũng sẽ tạo tiền đề để anh chị em văn nghệ sỹ thi đua, sáng tạo những tác phẩm lớn hơn…

Chùm ảnh Danh Sơn Yên Tử (tác giả Bạch Ngọc Tư) đạt giải A lĩnh vực Nhiếp ảnh.

Trong 60 tác phẩm của 8 loại hình (gồm: thơ, văn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian, phóng sự - truyền hình, Âm nhạc), Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 31 tác phẩm để trao giải. Trong đó có 6 giải A; 6 giải B; 7 giải C; 7 giải khuyến khích và 5 giải ngoài hội VHNT thành phố Uông Bí. Các tác phẩm cho thấy sự nỗ lực sáng tạo, cống hiến không mệt mỏi của đội ngũ văn nghệ sỹ trong phản ánh dòng chảy cuộc sống đương đại, theo sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn thành phố. Nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng tốt, được độc giả đón nhận như: tác phẩm Mùa trăng quê mẹ, thể loại thơ của tác giả Đỗ Văn Luyến; tác phẩm Lá sòi reo, thể loại truyện ngắn của tác giả Vũ Khai; tác phẩm Người đàn bà thức của tác giả Nguyễn Năng Văn, thể loại sân khấu; tác phẩm Mùa xuân trên núi Yên Tử, tác giả Hoàng Văn Tại, thể loại mỹ thuật; tác phẩm Danh thắng Yên Tử, tác giả Bạch Ngọc Tư, thể loại nhiếp ảnh…v.v…

Các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm tại Lễ trao giải.

Là lần đầu tiên tổ chức, bên cạnh những thành công, giải thưởng cũng không tránh khỏi một số hạn chế, như: chưa có nhiều tác phẩm thực sự nổi trội, mang tính đột phá viết về Đất và Người Uông Bí, xứng tầm với một thành phố trẻ năng động và phát triển ở khu vực phía Tây tỉnh Quảng Ninh; việc thu hút các tác phẩm của các thể loại chưa phong phú, mới chủ yếu tập trung vào thể loại thơ, văn, âm nhạc; các loại hình sân khấu, văn nghệ dân gian chưa có nhiều tác phẩm dự thi… Đây cũng sẽ là cơ sở để BTC rút kinh nghiệm, sớm tham mưu hoàn thiện, bổ sung quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Trần Nhân Tông, thành phố Uông Bí lần thứ hai, giai đoạn (2019-2025) cho phù hợp, để giải thưởng thực sự trở thành giải VHNT uy tín, chất lượng, tập hợp được nhiều tác phẩm có giá trị cao về văn học nghệ thuật.

Đối với các văn nghệ sỹ, người sáng tác, tuy còn đâu đó những điều chưa thực tròn trịa, như ý, nhưng Giải thưởng VHNT Trần Nhân Tông là “chất xúc tác”, khích lệ họ hứng khởi hơn, hăng say hơn trong hành trình sáng tạo và cống hiến.

PV

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6960 Tổng lượt truy cập 91144409