Đột phá cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực
Năm 2013 được xác định là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Với Quảng Ninh đây còn là năm tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình tăng trưởng mới, vừa ý nghĩa chào mừng 50 năm thành lập tỉnh, vừa cụ thể hoá 3 khâu đột phá chiến lược. Với chủ đề công tác năm “Cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực”, Quảng Ninh đã ưu tiên dồn nguồn lực để đặt những “viên gạch” đầu tiên, xây nền móng vững chắc cho một trong những khâu trọng yếu, then chốt, tạo tiền đề cho cả một chặng đường thành công về sau.
Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí được khánh thành, đưa vào hoạt động tháng 8/2013.
Bước đột phá đầu tiên trên hành trình cải cách hành chính
Xác định năm 2013 là năm đột phá cải cách hành chính (CCHC), công tác CCHC của tỉnh đã có bước chuyển biến rõ nét trên cả 6 nội dung: Cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Trong đó, điểm nhấn của năm 2013 là đẩy mạnh triển khai Đề án chính quyền điện tử; tăng cường công tác rà soát, đơn giản hóa các TTHC; xây dựng các trung tâm hành chính công hiện đại và chuyên nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, rà soát chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy; đổi mới quy trình lựa chọn cán bộ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung đào tạo theo vị trí việc làm...
Với quyết tâm chính trị cao, ngay đầu năm 2013 BTV Tỉnh ủy ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công, do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban. Đồng thời tỉnh quyết định thành lập và đưa vào hoạt động mô hình trung tâm hành chính công tỉnh và 5 trung tâm hành chính công cấp huyện (Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn). Qua đó thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong việc hướng tới một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Trung tâm Hành chính công TP Uông Bí hoạt động ổn định phục vụ người dân sau 10 ngày khai trương, tháng 8/2013.
Trong năm 2013 UBND tỉnh đã ban hành 17 quyết định công bố TTHC thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý; 3 quyết định công bố TTHC thực hiện tại các trung tâm hành chính công Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái. Sau khi rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ, đơn giản hóa, tổng số TTHC của tỉnh là 1.572. Các TTHC khi đưa vào thực hiện tại các trung tâm hành chính công đã được rà soát, cắt giảm 40% lượng thời gian giải quyết so với thời gian quy định của pháp luật. Tỉnh cũng đã kiểm soát chất lượng và cập nhật 343 TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, góp phần công khai, minh bạch phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi cho CBCCVC và cá nhân, tổ chức tiếp nhận và giải quyết TTHC nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định.
Trung tâm Hành chính công TP Móng Cái được khánh thành, đưa vào hoạt động, tháng 8/2013.
Sau một thời gian vận hành, các trung tâm đã giải quyết cơ bản những yêu cầu của tổ chức, công dân. Số hồ sơ được giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt trên 99,4%, tại trung tâm hành chính công cấp huyện đạt 97,7%. Triển khai mô hình này đã giúp hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính công được nâng cao; tính minh bạch của các cơ quan, đơn vị được đảm bảo và tăng cường; sự phiền hà, chi phí không chính thức, thời gian, công sức của người dân và các tổ chức giảm rõ rệt. Mô hình thí điểm trung tâm hành chính công là bước cụ thể hóa quan trọng đầu tiên cho một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh; mô hình thí điểm đầu tiên trong nước thực hiện dịch vụ trong việc giải quyết các TTHC của các cơ quan nhà nước đối với tổ chức và người dân.
Ngay sau lễ khai trương, Trung tâm Hành chính công TP Móng Cái đã đi vào hoạt động hiệu quả, tháng 8/2013.
Cùng với sự ra đời của các trung tâm hành chính công đầu tiên, cải cách TTHC, tỉnh dành nhiều nguồn lực cho việc hiện đại hóa nền hành chính công, tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung của Đề án Chính quyền điện tử. Trong đó nổi bật là các nội dung công việc: Vận hành và nâng cấp hệ thống, chất lượng của Cổng Thông tin điện tử tỉnh; đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả hoạt động của Hệ thống thư điện tử của tỉnh; xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến tại các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã của 4 địa phương Móng Cái, Uông Bí, Tiên Yên, Vân Đồn... Những nỗ lực này đã phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị; nâng cao năng suất, chất lượng công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Giờ thực hành hóa học của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (tháng 12/2012).
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Cùng với đẩy mạnh CCHC, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó chất lượng nguồn nhân lực đã được nâng lên đáng kể, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi phương thức phát triển của tỉnh. Trong năm 2013 tỉnh đã ban hành quy định về chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC và thu hút nhân tài với nhiều chế độ đãi ngộ; chú trọng nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo tại tỉnh. Trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ nguồn, đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị và đào tạo sau đại học hằng năm... Nhờ đó đến hết năm 2013, cơ bản cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện đạt trình độ chuyên môn và lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định.
Giờ học Tiếng Anh của sinh viên Lớp Mẫu giáo K25I, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (tháng 4/2013).
Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác và mở rộng liên kết với một số trường đại học trong nước, như: Bách khoa, Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Luật Hà Nội, Mỏ địa chất, Thái Nguyên...; mở nhiều lớp đào tạo đại học, sau đại học cho hàng nghìn CBCC trong tỉnh. Tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác với một số trường đại học uy tín ở nước ngoài, như: Đại học Quảng Tây, Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc); Đại học Nanyang (Singapore)... để tổ chức các lớp đào tạo đối với các chuyên ngành mà tỉnh cần. Đồng thời đẩy mạnh tổ chức các lớp ngắn hạn bồi dưỡng về quản lý lãnh đạo, quản lý hành chính công, khoa học và công nghệ, kinh tế thị trường, mô hình hoạt động của các khu công nghiệp và khu chế xuất... nhằm từng bước nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trong năm 2013, tỉnh đã cử 105 cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đi bồi dưỡng ở nước ngoài; cử 37 đồng chí học sau đại học (5 đồng chí học tại nước ngoài); 90 đồng chí đi bồi dưỡng ngoại ngữ; 6 đồng chí đi bồi dưỡng theo Đề án 165 của Trung ương. Chi phí tỉnh dành cho đào tạo và đào tạo lại cán bộ là 70 tỷ đồng. Các địa phương, cơ quan còn sử dụng nguồn chi thường xuyên để phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC các cấp nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Một giờ thực hành nghiệp vụ bàn của sinh viên Trường Cao đẳng VHNT&DL Hạ Long (tháng 9/2013).
Cũng trong năm 2013, Quảng Ninh tập trung xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện các chương trình, đề án cụ thể phát triển nhân lực của tỉnh. Đồng thời hoàn thiện Đề án thí điểm xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch CCVC trong các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, nhằm xác định đúng công việc của mỗi CCVC đảm nhận. Tỉnh chú trọng đào tạo CCVC gắn với thực thi công vụ và xây dựng chương trình, nội dung đào tạo gắn với chuẩn hóa đội ngũ CCVC theo ngạch, bậc, chức danh, vị trí làm việc.
Bên cạnh cử cán bộ đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong nước; trong năm tỉnh còn cử nhiều lượt CBCC đi bồi dưỡng kiến thức ở nước ngoài. Nhằm tạo bước đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ đầu năm 2013 tỉnh đã tổ chức thí điểm thi tuyển thành công một số vị trí chức danh lãnh đạo cấp sở; một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động tổ chức thí điểm thi tuyển các chức danh quản lý cấp phòng.
Dấu ấn đậm nét nhất trong thực hiện chủ đề công tác năm 2013 về phát triển nguồn nhân lực, là việc tỉnh đã hoàn thành các thủ tục và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho triển khai thành lập Trường Đại học Hạ Long trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp các Trường Cao đẳng VHNT&DL Hạ Long, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh. Đại học Hạ Long là nơi đào tạo đa ngành ở trình độ đại học và các trình độ thấp hơn, nhằm góp phần phát triển đa dạng nguồn nhân lực cho tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Đây được coi là “viên gạch” đầu tiên để xây nền móng vững chắc, tạo ra những bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.
Một tiết mục văn nghệ của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh trong Hội thi nghiệp vụ sư phạm - văn nghệ - thể thao.
Tin tức khác
- Đấu tranh, ngăn chặn "nguồn cầu" về ma túy trong những ngày cao điểm
- Xử lý 60 trường hợp vi phạm Luật ATGT trên địa bàn thành phố Uông Bí tuần vừa qua
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027