Động lực phát triển từ cải cách hành chính

Với quan điểm “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”, Quảng Ninh hiện là địa phương duy nhất trong nước đưa mục tiêu CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vào Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh và ban hành Nghị quyết chuyên đề (số 05-NQ/TU, ngày 9/4/2021) để tổ chức thực hiện hiệu quả.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Kỹ thuật Điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên).

Năm 2021 thực hiện giải quyết TTHC, tỉnh tái cấu trúc quy trình “5 bước tại chỗ” gắn với triển khai quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” tại cả 3 cấp. Đến tháng 3/2024 tỷ lệ TTHC thực hiện theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” đạt 91,5%; thực hiện số hóa trên 98% hồ sơ đầu vào và 92,5% kết quả bản điện tử vào kho dữ liệu. Quảng Ninh cũng là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình, tỷ lệ số hóa hồ sơ của tỉnh nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ TTHC giải quyết đúng và trước hạn đạt trên 99%. Kết quả khảo sát về mức độ hài lòng của tổ chức, doanh nghiệp và người dân về TTHC hằng năm đạt trên 99%.

Với những nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đã tạo dựng niềm tin vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân đối với chính quyền địa phương. Đây là yếu tố then chốt để tỉnh huy động được tối đa nguồn lực xã hội đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho những bước phát triển mang tầm chiến lược.

Trong 3 năm 2021-2023, Quảng Ninh thu hút trên 538.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách; trong đó thu hút vốn FDI đạt 6,76 tỷ USD, gấp hơn 6 lần so với giai đoạn trước. Các dự án đầu tư vào tỉnh đều là các dự án FDI thế hệ mới, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với các thương hiệu lớn của thế giới; đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Năm 2023 lĩnh vực này đạt mức tăng trưởng trên 19%, đóng góp 2,37 điểm % vào tăng trưởng GRDP, tạo ra hàng vạn việc làm mới. Những kết quả này cho thấy thương hiệu Quảng Ninh không chỉ giới hạn ở trong nước, mà đã vươn tầm quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ Hành chính công.

Ông Liu Mu Sheng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, cho biết: Sau dự án đầu tiên triển khai tại KCN Đông Mai, năm 2023 Công ty tiếp tục đầu tư dự án sản xuất linh kiện điện tử thông minh với tổng mức đầu tư trên 40 triệu USD, gấp đôi so với dự án đầu tiên. Lý do quan trọng nhất để Công ty chọn Quảng Ninh để đầu tư dự án thứ hai là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Với dự án thứ hai, giá trị sản xuất của Công ty tại Quảng Ninh sẽ tăng gấp nhiều lần. Công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư thêm các dự án mới tại KCN này, từng bước hình thành chuỗi dây chuyền sản xuất đồng bộ tại đây.

Để tiếp tục tạo những bước đột phá mới trong phát triển, Quảng Ninh đang tập trung nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với bối cảnh, xu thế chuyển đổi của thế giới; nâng cao hình ảnh, vị thế của địa phương trên các bảng xếp hạng quốc gia, quốc tế. Trong đó vấn đề cốt lõi được đặt ra là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của CBCCVC Quảng Ninh chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì người dân phục vụ. Đây là động lực, nền tảng đặc biệt quan trọng để Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Theo Minh Toàn/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26129 Tổng lượt truy cập 94774807