Doanh nhân Bạch Thái Bưởi và "mối duyên" với vùng than

Với người dân và vùng đất Quảng Ninh, cái tên Bạch Thái Bưởi vô cùng gần gũi và thân thuộc. Hiện, ở TP Uông Bí có một cảng biển mang tên ông, cảng Bạch Thái Bưởi nằm ngay cuối đường Bạch Thái Bưởi. Cũng chính ở khuôn viên cảng này, Công ty Công nghiệp hoá chất mỏ (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) - đơn vị quản lý, vận hành cảng đã xây dựng đền thờ Bạch Thái Bưởi bên dòng sông Đá Bạc. Không chỉ vậy, để phát huy giá trị lịch sử văn hoá đồng thời góp phần phát triển du lịch địa phương, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương cho TP Uông Bí nghiên cứu xây dựng đền thờ Bạch Thái Bưởi tại khu vực hồ Yên Trung, nơi doanh nhân Bạch Thái Bưởi từng khai mỏ năm xưa. Thật may mắn, trong quá trình đi tìm hiểu tư liệu về Bạch Thái Bưởi - một trong 4 gương mặt kiệt xuất trong giới doanh nhân người Việt đầu thế kỷ XX (gồm “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”), tôi tình cờ được biết đến PGS.TS Phạm Xanh (nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). PGS.TS Phạm Xanh là người có công lớn trong việc công bố những thông tin giá trị về doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

Bạch Thái Bưởi được thờ tại đền thờ trong khuôn viên Công ty Công nghiệp hoá chất mỏ (TP Uông Bí). Ảnh: Lê Minh Quang (Phòng VHTT Uông Bí)

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, PGS.TS Phạm Xanh trở lại nghiên cứu giai cấp tư sản Việt Nam, đặc biệt là bộ phận tư sản dân tộc, trong đó có Bạch Thái Bưởi và lần lượt công bố những bài viết của mình trên các tạp chí chuyên ngành. Đặc biệt, bài “Tinh thần dân tộc trong kinh doanh của các nhà doanh nghiệp Việt Nam dưới thời Pháp thuộc: Trường hợp Bạch Thái Bưởi” được công bố tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất, tháng 7-1998. Đây chính là cơ sở quan trọng để từ đó hình thành Cup Bạch Thái Bưởi cũng như Ngày Doanh nhân Việt Nam. Để bạn đọc hiểu hơn về doanh nhân Bạch Thái Bưởi, PV Báo Quảng Ninh đã liên hệ với PGS.TS Phạm Xanh và thật may mắn ông vui vẻ nhận lời thực hiện cuộc trò chuyện.

- Doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã vươn lên làm giàu từ ý chí và hai bàn tay trắng, đặc biệt đã có những thành công trong lĩnh vực vận tải thuỷ và khai mỏ vốn là “cấm địa” với người Việt trong giai đoạn lịch sử khi đó. Vậy theo ông, điều gì là quyết định nhất tạo nên thành công của Bạch Thái Bưởi?

+ Để trở thành một doanh nhân cần phải có những điều kiện cần và đủ. Trong tay Bạch Thái Bưởi chẳng có gì cả, chỉ có hai bàn tay trắng và chí làm giàu mà ông làm nên cơ nghiệp, được người Việt xếp vào

PGS.TS Phạm Xanh: “Để trở thành một doanh nhân cần phải có những điều kiện cần và đủ. Trong tay Bạch Thái Bưởi chẳng có gì cả, chỉ có hai bàn tay trắng và chí làm giàu mà ông làm nên cơ nghiệp, được người Việt xếp vào một trong những người giàu có nhất nước Nam thời đó”.

một trong những người giàu có nhất nước Nam thời đó. Vào những năm 20 của thế kỷ trước, ông là chủ sở hữu một nhà máy đóng tàu và Công ty Vận tải sông biển với 40 chiếc tàu và xà lan chạy tuyến sông Bắc Kỳ và đang vươn ra biển lớn. Hồi đó, dân ta tự hào gọi ông là “Chúa sông Bắc Kỳ”. Ông thành công trong kinh doanh đường thuỷ trước hai đối thủ tư sản Hoa kiều và tư sản Pháp có tiềm lực kinh tế và chỗ dựa chính trị mạnh, bởi ông sử dụng tinh thần dân tộc như một thứ vũ khí sắc bén trên thương trường.

Ông cho người tới các bến tàu, xuống tận các tàu diễn thuyết về tình đồng bang, tinh thần “tương thân tương ái” và cho đặt các hòm lạc quyên trên tàu. Ngoài những tuyến vận tải cố định, tuỳ theo nhu cầu xã hội mà ông cho mở những tuyến vận tải theo mùa. Có lẽ Bạch Thái Bưởi là nhà doanh nghiệp Việt đầu tiên đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc để chiến thắng những đối thủ cạnh tranh của mình. Ông mạnh lên, vốn trường ra và vươn tay kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực: Lập nhà in Đông Kinh ấn quán, ra báo Khai Hoá cổ động cho phong trào thực nghiệp và khai mỏ Bí Chợ vùng Uông Bí, Quảng Yên và cuối cùng bước vào lĩnh vực bất động sản. Ông trở thành nhà doanh nghiệp có ảnh hưởng to lớn tới “phong trào chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp” của giới doanh nhân nước ta lúc đó. Dân ta lúc đó rất khoái với lời tuyên bố hùng hồn của ông: “Ở đâu có Bạch Thái Bưởi, ở đó không có Rô-banh” (Thống sứ Bắc Kỳ).

- Doanh nhân Bạch Thái Bưởi từng có một thời gian dài gắn bó với Quảng Ninh, đặc biệt đầu tư vào khai mỏ tại đây khi đã có bề dày cả về vốn liếng cũng như kinh nghiệm “thương chiến”. Ông có thể chia sẻ thêm những tư liệu về giai đoạn Bạch Thái Bưởi đầu tư khai mỏ tại Bí Chợ cũng như nguyên do ông lại di chúc mai táng ở đây, mặc dù Bạch Thái Bưởi không phải quê gốc, cũng không sinh ra ở Quảng Ninh?

+ Sự gắn bó của Bạch Thái Bưởi với Đất mỏ Quảng Ninh đầu tiên bởi khai mỏ than, gần núi Yên Tử thuộc Uông Bí ngày nay. Như chúng ta đều biết, trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chính quyền thực dân đã khoanh vùng cấm đối với người bản xứ trong hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực như khai mỏ, ngân hàng, đến năm 1914 mới dỡ bỏ. Sau khi làm ăn phát đạt trong lĩnh vực vận tải thuỷ, Bạch Thái Bưởi vươn tay làm ăn trong các địa hạt khác, trong đó có khai mỏ. Từ năm 1921, ông mua lại từ tay người Pháp hai mỏ than Ăngtoan và Cadip đầu tư khai thác than, xây dựng tuyến đường sắt chuyên chở than dài 3km. Hàng năm, mỏ than của ông khai thác được 3.000 tấn. Có lãi, năm 1925, ông bỏ tiền mua thêm mỏ than Bí Chợ và mỏ than Yên Thọ rộng 1.924ha và cho làm tuyến đường sắt chuyên chở than ra bến Đá Bạc dài 5,5km. Cùng thời gian đó, ông hùn vốn cùng với một chủ mỏ khác khai thác một mỏ than rộng 450ha. Hàng năm, tổng sản lượng than khai thác được của ông lên tới 9.500 tấn. Than của ông không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà còn xuất sang Pháp và Nhật Bản.

Sự nghiệp của “vua mỏ Bạch Thái Bưởi” gắn chặt với vùng đất Uông Bí, gần với vùng đất thiêng Yên Tử. Có lẽ vì thế, sau khi ông đột ngột qua đời tại Hải Phòng ngày 22-7-1932, theo lời trăn trối của ông, thi hài Bạch Thái Bưởi được gia đình, đồng nghiệp và Hội Khai Trí Tiến Đức đưa về mai táng tại hồ Yên Trung. Trong điếu văn của Hoàng Trọng Phu, Phó Chủ tịch Hội Khai Trí Tiến Đức trịnh trọng tôn vinh: “Họ Bạch thật là một bậc vĩ nhân ở đất Bắc, một bậc trượng phu trong thương trường. Than ôi! Mây mờ cửa Cấm. Gió lạnh ngàn Yên. Ông Bạch nay đã theo mây theo gió mà đi về nơi mỏ cũ, bến xưa”. Cửa Cấm là nơi ông lập nghiệp phát đạt, mỏ than Bí Chợ, gần núi Yên Tử là nơi ông yên giấc ngàn thu...

- Xin cảm ơn PGS.TS Phạm Xanh về cuộc trò chuyện ý nghĩa này.

Theo Phan Hằng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14818 Tổng lượt truy cập 94754662