"Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải là doanh nghiệp văn hóa"

Uông Bí là địa phương duy nhất trong tỉnh có tổ chức Hội Văn hóa Doanh nhân (VHDN). Trong những năm qua, Hội VHDN Uông Bí đã tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp, thúc đẩy mối liên kết trong sản xuất kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp không chỉ ở địa bàn thành phố mà còn lan tỏa đến các địa phương khác.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10, phóng viên Báo Quảng Ninh Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Đoàn Thế Xuyên, Chủ tịch Hội VHDN Uông Bí.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Chủ tịch Hội Văn hóa Doanh nhân Uông Bí.

- Thưa ông, hai chữ “Văn hóa” trong tên của Hội có ý nghĩa gì?

+ Thứ nhất, Hội không chỉ tập hợp nhiều doanh nhân mà còn quy tụ, đoàn kết nhiều thành viên là nhà quản lý doanh nghiệp, nhà nghiên cứu khoa học, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh, họa sĩ... Những người này tham gia hội để nói hộ doanh nhân, kết nối hộ các doanh nhân quảng bá thương hiệu.

Thứ hai và quan trọng hơn, Hội đưa văn hóa vào doanh nghiệp, từng bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp, làm lành mạnh hoá hoạt động sản xuất kinh doanh, lan toả những giá trị văn hóa vào giao tiếp xã hội. Kinh doanh làm sao cho giữ chữ tín, không phải tất cả đều chạy theo lợi nhuận. Làm kinh doanh lợi nhuận tất nhiên là quan trọng nhưng không phải là tất cả; phải làm sao vừa đạt được lợi nhuận lại vừa kinh doanh có văn hóa.

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững được thì tất yếu phải là doanh nghiệp văn hóa. “Thủ trưởng nào thì phong trào đó”, chỉ cần nhìn vào doanh nghiệp là có thể đánh giá được ông chủ doanh nghiệp đó là người như thế nào. Doanh nghiệp muốn có văn hóa thì người lãnh đạo doanh nghiệp phải sống có văn hóa, sản xuất kinh doanh có văn hóa, xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp. Đây là tiêu chí số một của Hội chúng tôi.

Văn hóa doanh nghiệp theo chúng tôi hiểu là những nét riêng của mỗi doanh nghiệp, cái khẳng định sự khác biệt giữa thương hiệu này với thương hiệu khác. Đơn cử như doanh nghiệp vận tải của chúng tôi hoạt động trong một môi trường rất phức tạp nhưng chúng tôi luôn có cách làm khác, một màu sắc khác biệt trong hoạt động kinh doanh của mình. Theo tôi, không cần tìm đâu xa, cái riêng đó chính là văn hóa.

- Cùng có tiêu chí gắn kết các doanh nghiệp với nhau, cùng nhau trao đổi, tạo điều kiện giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, Hội VHDN có gì khác so với hội doanh nghiệp, thưa ông?

+ Hội Văn hóa doanh nhân là hội tự nguyện, là sân chơi lành mạnh. Tổ chức hội lại có tính ổn định cao. Toàn bộ những chi phí đóng góp, những khoản tài trợ đều được minh bạch, thanh, quyết toán đầy đủ rõ ràng.

Những thương hiệu do anh em doanh nhân tự xây dựng cũng có tính bền vững. Như thương hiệu vận tải Phúc Xuyên vẫn mãi là Phúc Xuyên, xây dựng Tiên Tiến mãi là Tiên Tiến, dù cho có thay đổi người quản lý, cha mẹ để lại cho con cái, “cha truyền con nối” đi chăng nữa thì vẫn cứ giữ thương hiệu đó, hình ảnh đó.

Chính vì sự khác biệt đó mà các doanh nghiệp chúng tôi cần gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau. Chẳng thế mà từ xa xưa các cụ nhà ta đã nói “Buôn có bạn, bán có phường” đó sao? Chúng tôi liên kết với nhau không phải vì cho nhau vay tiền, mà chia sẻ với nhau những khó khăn, những kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, quản lý doanh nghiệp. Có những việc anh em phải đi thuê doanh nghiệp bên ngoài vào làm nhưng bây giờ anh em trong Hội có năng lực hỗ trợ nhau, nhận những phần việc đó về mình. Từ sân chơi chung rất lành mạnh đó, chúng tôi nghĩ anh em doanh nhân trong Hội có quyền tự hào rằng mỗi người đều là công dân ưu tú của TP Uông Bí.

- Uông Bí là mảnh đất mà doanh nhân Bạch Thái Bưởi lập nghiệp và phát triển rất thịnh vượng. Hội Văn hóa Doanh nhân đã quan tâm tôn vinh tinh thần dân tộc trong sản xuất kinh doanh của doanh nhân Bạch Thái Bưởi như thế nào?

+ Doanh nhân Bạch Thái Bưởi được coi là người đầu tiên khẳng định vị thế của doanh nhân nước Việt. Cụ có câu nói nổi tiếng là “Người An Nam đi tàu An Nam”. Phương châm ấy đã khơi dậy tinh thần dân tộc kéo khách hàng về phía mình cạnh tranh với tàu nước ngoài. Cụ Bạch Thái Bưởi còn mạnh dạn đầu tư đóng những còn tàu to vào thời điểm đó mà đã có con tàu tải trọng lên đến 600.000 tấn. Nhờ đó cụ Bạch Thái Bưởi không chỉ chiếm lĩnh thị trường của lĩnh vực vận tải, mà còn lấn sân thành công sang rất nhiều lĩnh vực khác như khai mỏ, xuất bản, in ấn, v.v..

Năm 2011, UBND tỉnh ra quyết định thành lập Hội VHDN Uông Bí trên cơ sở Câu lạc bộ VHDN TP Uông Bí. Việc thành lập Hội VHDN ở Uông Bí, một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lập nghiệp của cụ Bạch Thái Bưởi, doanh nhân yêu nước đầu tiên người Việt thời Pháp thuộc, là cần thiết và hết sức có ý nghĩa. 

Khai thác tinh thần dân tộc như cách cụ Bạch Thái Bưởi làm đã giúp nhiều doanh nhân hôm nay đứng vững trên thương trường. Đối với anh em doanh nhân Uông Bí, chúng tôi luôn coi cụ Bạch là mẫu hình để học tập, phấn đấu vươn lên với tinh thần khởi nghiệp. Ngày 13/10 hằng năm chúng tôi đều tổ chức kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôn vinh cụ Bạch Thái Bưởi.

- Thưa ông, trong thời gian qua, tỉnh nhà đã quan tâm đầu tư rất nhiều vào hạ tầng giao thông. Là một  doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực vận tải, Phúc Xuyên sẽ xây dựng thương hiệu của mình như thế nào trong bối cảnh mới?

+ Theo tôi, Quảng Ninh đã có bước đi hết sức đúng đắn trong việc đầu tư vào hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi vào hoạt động đã giúp kết nối giữa Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội, rút ngắn thời gian di chuyển. Tới đây là những dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái. Hệ thống giao thông của Quảng Ninh không chỉ giúp kết nối trong tỉnh, giữa miền Đông và miền Tây; giữa Quảng Ninh với Hải Phòng, Hà Nội mà còn kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đối với những doanh nghiệp vận tải thì đây là một thời cơ rất tốt để mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra với các doanh nghiệp cũng không nhỏ. Để vượt qua thách thức đó, các doanh nghiệp phải đáp ứng được vấn đề kỹ thuật. Đường đẹp, tốc độ cao hơn thì phương tiện cũng phải được đáp ứng theo. Khi thời gian chạy xe rút ngắn thì lượt luân chuyển trong ngày phải nhiều lên, việc điều hành phức tạp hơn. Chúng tôi phải tính toán tất cả để đáp ứng. Cơ hội cũng như thách thức đều sẽ chia đều cho các doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi.

Hội VHDN Uông Bí trao quà cứu trợ cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Ảnh tư liệu của Hội.

Chúng tôi ý thức được sự cạnh tranh đó nên tới đây sẽ đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 vào kinh doanh, đầu tư phần mềm gọi xe đặt chỗ, đặt ghế, lịch trình giờ chạy xe, hỗ trợ khách hàng. Khách hàng có thể biết chuyến xe mình đang chờ chạy đến vị trí nào, thanh toán vé xe qua mạng. Chúng tôi đang xây dựng một hệ thống phần mềm khá kỳ công, đòi hỏi có một “hệ sinh thái” tốt, số hóa thông tin của khách hàng, tích điểm cho khách hàng. Đồng thời, chúng tôi nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện cũng như nguồn nhân lực để có thể phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Phạm Học/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1456 Tổng lượt truy cập 94777957