Điều chỉnh lương hưu cho hơn 91 nghìn lao động nữ

Chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ hưởng lương hưu trong giai đoạn từ 2018 đến 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng sẽ hiệu lực từ ngày 24-12 tới. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lương hưu của hơn 91 nghìn lao động nữ trong giai đoạn này sẽ được điều chỉnh, với kinh phí hỗ trợ khoảng 80 tỷ đồng.

Ảnh minh họa: Báo Bảo hiểm xã hội.

Áp dụng ngay với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng.

Nghị định này hướng tới mục tiêu hỗ trợ lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn trên bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam. Nguyên nhân chính là do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 so với Luật BHXH năm 2006.

Cụ thể, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1-1-2018 đến ngày 31-12-2021 (có từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng tùy thuộc vào thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu), sẽ được điều chỉnh mức lương hưu tính theo quy định tại khoản 2 Điều 56 hoặc khoản 2 Điều 74 Luật BHXH năm 2014 cộng với mức điều chỉnh.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình gửi Chính phủ nêu rõ, từ ngày 1-1-2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu trong Luật BHXH năm 2014 bên cạnh một số ưu điểm, quy định thay đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ đã làm phát sinh sự so sánh giữa lao động nữ với lao động nam, giữa lao động nữ nghỉ sau với lao động nữ nghỉ trước thời điểm ngày 1-1-2018.

Cụ thể, do quy định công thức tính lương hưu của nam được áp dụng nhưng có lộ trình thay đổi dần trong thời gian 5 năm, còn của nữ thì áp dụng thay đổi ngay trong năm 2018. Điều này dẫn đến một số lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 có tỷ lệ lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (từ 1% đến 10%). Từ đó tạo ra tâm lý so sánh giữa lao động nữ và lao động nam. Bởi thực tế, lao động nam chỉ giảm 1% đến 2% lương hưu.

Được truy lĩnh lương hưu tăng thêm

Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu.

Văn bản cũng nêu rõ, với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1-1-2018 đến trước ngày được nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định này, họ được truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm giữa mức lương hưu trước và sau khi thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Nghị định này.

Tỷ lệ điều chỉnh tương ứng cho nhóm lao động nữ thuộc đối tượng này đi cùng với thời gian đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu áp dụng theo từng mức cho từng năm. Mức cao nhất lên tới 12,31%, tùy vào thời gian đóng của đối tượng, trong năm 2018.

Mức lương hưu sau điều chỉnh theo quy định là căn cứ để tính điều chỉnh ở những lần điều chỉnh lương hưu theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH.

Thời điểm thực hiện điều chỉnh theo quy định được tính từ tháng lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu. Quỹ BHXH bảo đảm kinh phí điều chỉnh theo quy định.

Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 24-12-2018.

Số liệu dự báo của BHXH Việt Nam cho thấy, với việc áp dụng công thức tính lương hưu theo quy định của Luật BHXH năm 2014, hơn 91 nghìn lao động nữ có mức lương hưu bị thiệt hơn lao động nam trong giai đoạn 2018-2021.

Việc thực hiện theo phương án điều chỉnh lương hưu nêu trên trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ phát sinh kinh phí khoảng 80 tỷ đồng.

Theo XUÂN ANH/nhandan.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12064 Tổng lượt truy cập 94798024