Diễn văn của đồng chí Nguyễn Anh Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố tại Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 -27/7/2017)

Đồng chí Nguyễn Anh Tú, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thông qua diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày thương binh, liệt sỹ 27-7

Trong không khí của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang thiết thực tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Hôm nay, thành phố Uông Bí long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ; Truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trao tặng Huân chương độc lập hạng Ba cho gia đình có nhiều liệt sĩ hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo và nhân dân các dân tộc thành phố Uông Bí, tôi xin trân trọng gửi đến các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí Thương binh, Bệnh binh, các thân nhân Liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần và lời tri ân sâu sắc nhất.  

Trong công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đất nước và nhân dân ta đã phải trải qua biết bao đau thương, mất mát. Hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hàng vạn các đồng chí thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể, máu xương nơi chiến trường. Trong bức thư gửi bác sỹ Vũ Đình Tụng tháng 1-1947, Bác viết: Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam”. Trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước, Người căn dặn: “Thương binh, gia đình Liệt sỹ là người có công với nước, vì vậy bổn phận của chúng ta là phải đền ơn giúp đỡ họ”. Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27/7/1947, “Ngày Thương binh toàn quốc” được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi tên ngày "Thương binh toàn quốc" thành "Ngày Thương binh liệt sĩ". 70 năm trôi qua, Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm đã trở thành sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để chúng ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Các thế hệ người Việt Nam mãi mãi khắc ghi những chiến công hào hùng, sự hy sinh oanh liệt, cống hiến to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Là một địa phương có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, là cửa ngõ kết nối Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, thành phố Uông Bí tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có truyền thống cách mạng hào hùng. Mang trong mình lòng yêu nước, ý chí cách mạng của quê hương, với truyền thống kỷ luật và đồng tâm của người thợ mỏ, lớp lớp các thế hệ thanh niên thành phố đã hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc. Các anh đã chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường, đóng góp cùng quân dân cả nước làm nên những chiến công hiển hách. Kết thúc các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thành phố Uông Bí có 425 liệt sĩ, 508 thương binh. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, quân và dân thành phố Uông Bí đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì; 26 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; gần 6.000 cán bộ, nhân dân, chiến sĩ lực lượng vũ trang của Uông Bí được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

Trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Uông Bí luôn ghi lòng, tạc dạ những công lao to lớn đó, đã biến đau thương và lòng biết ơn thành hành động, không ngừng nỗ lực, cố gắng, gian khổ, phấn đấu trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Từ một thị xã công nghiệp nghèo nàn bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thành phố đã vươn lên trở thành đô thị loại 2, đô thị trung tâm phía Tây tỉnh Quảng Ninh. Là địa phương đứng thứ ba toàn tỉnh về tăng trưởng kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng và thu ngân sách nhà nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân chung toàn tỉnh, trung bình 13%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 5.400 USD/người/năm, tăng bình quân 300USD/người/năm. Thu nhập bình quân đạt 3.300 USD/người/năm, tăng bình quân 200 USD/người/năm . Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp. Nhiều công trình lớn được xây dựng, nhiều dự án lớn được thu hút đầu tư làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị thành phố. Là một trong những địa phương đi đầu toàn quốc về tỷ lệ trường chuẩn quốc gia, Tỷ lệ các trường công lập đạt chuẩn quốc gia của 4 cấp học đạt 97,6%,. Công tác giảm nghèo được quan tâm; đến nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,16%, giảm trung bình 0,2%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được duy trì ổn định.

Song song với quá trình phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, Đảng bộ, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm và coi việc thực hiện các chế độ chính sách đối với Người có công là mục tiêu, là nhân tố quan trọng góp phần ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương. Toàn thành phố có hơn 9.000 người có công, trong đó đang hưởng trợ cấp thường xuyên là 1.259 đối tượng. Trên địa bàn thành phố hiện chỉ còn 02 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Phạm Thị Y, phường Quang Trung và Mẹ Hoàng Thị Nghi, phường Thanh Sơn. Phong trào vận động ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng tham gia, đạt kết quả tích cực. Từ năm 2012 đến nay, Thành phố đã vận động, hỗ trợ xây mới được 25 căn nhà tình nghĩa; sửa chữa 09 nhà cho đối tượng Người có công với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng. Duy trì đỡ đầu cho 02 mẹ Việt Nam Anh hùng với mức 2,5 triệu đồng/ tháng. Tổ chức khám bệnh và cấp thuốc cho hàng trăm lượt Thương bệnh binh và thân nhân liệt sỹ, hỗ trợ học tập cho con thương binh, tổ chức thăm lại chiến trường xưa cho Thương bệnh binh; thăm và tặng quà các gia đình người có công nhân dịp các ngày Tết và sự kiện chính trị của đất nước.  

Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ, trên địa bàn thành phố đã có 615 thương binh, gia đình liệt sỹ được bình xét đạt danh hiệu "Người công dân kiểu mẫu", "Gia đình cách mạng gương mẫu" và 534 thương binh, gia đình liệt sỹ đạt danh hiệu 5 năm liên tục là “Người công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”. Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ được nỗ lực thực hiện. Năm 2016, thành phố triển khai nâng cấp, mở rộng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố tại phường Thanh Sơn. Thường xuyên quan tâm, phát động ra quân dọn dẹp, chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ tại các xã, phường.  Những việc làm ý nghĩa trên chưa thể bù đắp những hy sinh mất mát mà các Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng đã hiến dâng cho quê hương đất nước, nhưng lại chứa đựng sự quan tâm, tấm lòng tri ân sâu sắc của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân thành phố Uông Bí. Chúng tôi rất trân trọng và biểu dương những cố gắng to lớn của các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng đã vượt lên trên mọi mất mát đau thương, khắc phục khó khăn, tích cực tham gia phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội, làm sâu sắc thêm lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn mà không phế” và trở thành tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.

Trong những ngày tháng Bảy lịch sử này, hàng triệu trái tim cả nước lại bồi hồi xúc động cùng chung nhịp đập hướng về anh linh những anh hùng liệt sỹ và dành những tình cảm và quan tâm ân cần, thiết thực nhất cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Để ghi nhận và thể hiện sự biết ơn với những người mẹ, người vợ của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tại buổi Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ hôm nay, thành phố Uông Bí vinh dự được đón nhận danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do Chủ tịch nước truy tặng cho mẹ Đào Thị An - phường Quang Trung (mẹ có chồng và 1 con là Liệt sỹ) và gia đình mẹ Đỗ Thị Nhỏ - phường Thanh Sơn (mẹ có 1 con duy nhất là liệt sỹ). Đón nhận Huân chương độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng cho gia đình cụ Phạm Văn Đảng, phường Quang Trung (có 3 con là liệt sĩ). Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Uông Bí xin thành kính nghiêng mình biết ơn sự hy sinh lớn lao của các Mẹ, các liệt sĩ đã góp phần tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương Uông Bí anh hùng.

Chiến tranh đã qua đi, nhưng trong lòng mỗi người chúng ta vẫn còn đau đáu nhiều điều, làm sao để yên lòng những người đã khuất và ấm lòng những người đang sống. Chúng ta chưa thể yên tâm khi vẫn còn những liệt sỹ đã hy sinh mà chưa tìm được hài cốt, vẫn còn những bia mộ không tên ở các nghĩa trang trên khắp mọi miền Tổ quốc, và vẫn còn những thương binh đã hy sinh một phần xương máu nơi chiến trường nhưng không đủ hồ sơ pháp lý để hưởng chính sách ưu đãi đối với người có công. Những vấn đề đó đang thôi thúc và đòi hỏi trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi chúng ta.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền thành phố, tôi đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn cùng toàn thể nhân dân các dân tộc thành phố tiếp tục chung tay thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi đối với người có công. Phát động sâu rộng và thực chất phong trào " Đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc người có công, làm cho mỗi gia đình người có công "yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ là sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng anh hùng vẻ vang của dân tộc, tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Liệt sỹ, các Thương binh, Bệnh binh và những người có công với cách mạng. Qua đó, thống nhất nhận thức và hành động thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Uông Bí mãi mãi ghi nhớ và đời đời biết ơn sự hy sinh cống hiến to lớn của các Mẹ Việt Nam anh hùng, của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng. Chúng tôi sẽ phát huy truyền thống anh hùng, huy động mọi nguồn lực vật chất và tinh thần, nỗ lực làm tốt hơn nữa chính sách đối với người có công, huy động mọi nguồn lực để xây dựng quê hương Uông Bí ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2088 Tổng lượt truy cập 94886604