Địa điểm nào ở Việt Nam ngắm nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 đẹp nhất?

Đêm 27 rạng sáng ngày 28/7, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ. Việt Nam có thể quan sát gần như trọn vẹn sự kiện này.

Theo các nhà thiên văn học, đêm 27 rạng sáng ngày 28/7, người yêu thiên văn Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ. Việt Nam có thể quan sát gần như trọn vẹn sự kiện này.

Theo đó, Nguyệt thực bắt đầu từ lúc 00:14 phút (giờ Việt Nam), kết thúc vào 6:28 sáng ngày 28/7.

Nguyệt thực nửa tối (bóng nửa tối của Trái Đất bắt đầu che khuất bề mặt Mặt Trăng) bắt đầu 00h14 phút, đến 1h14 phút, nguyệt thực một phần bắt đầu (Mặt Trăng bắt đầu bị che khuất và có màu đỏ).

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần lần này dài nhất thế kỷ 21 - Ảnh: Getty.

Đến 2h30 phút, nguyệt thực toàn phần (Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ máu) bắt đầu và đạt cực đại lúc 3h12 phút. Đến 4h13 phút nguyệt thực toàn phần kết thúc sau đó chuyển sang nguyệt thực một phần, nguyệt thực nửa tối rồi kết thúc hoàn toàn vào 6h28. Tại Việt Nam, khoảng 5h35 phút Mặt Trăng lặn.

Để được chứng kiến những giờ phút nguyệt thực toàn phần và hiện tượng trăng máu trong rạng sáng ngày 28/7 thì cần có điều kiện thời tiết là trời trong, không mây và không mưa.

Tuy nhiên, chuyên gia dự báo thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương lấy làm tiếc, khi điều kiện thời tiết nhiều nơi trên cả nước không thuận lợi để chứng kiến 2 hiện tượng thiên văn thú vị này.

Cụ thể, vào đêm 27 và rạng sáng 28/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiều khả năng có mưa vừa đến mưa to. Trời sẽ rất âm u và không thể quan sát được mặt trăng trong thời điểm 0-6h30.

Các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Nam Bộ, đặc biệt là khu vực ven biển Trung Bộ và Nam Bộ, trời ít mây, không mưa, thời tiết mát mẻ. Nhiệt độ khoảng 25-28 độ C. Đây được cho là khu vực lý tưởng để quan sát hiện tượng nguyệt thực toàn phần cùng mưa sao băng lớn nhất trong năm.

Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, với Trái Đất ở giữa.

Do vậy, nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó.

Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi ánh sáng mặt trời trực tiếp bị bóng của trái đất che hoàn toàn.

Ánh sáng duy nhất nhìn thấy được là khúc xạ qua bóng tối của trái đất. Ánh sáng này có màu đỏ vì cùng lý do hoàng hôn có màu đỏ, do sự tán xạ Rayleigh của các tia sáng màu có bước sóng ngắn hơn. Bởi vì màu đỏ của nó, nguyệt thực toàn phần đôi khi được gọi là mặt trăng máu.

 

Theo Báo Đời sống & Pháp luật

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19398 Tổng lượt truy cập 94809649