Đề xuất lao động nam được nghỉ chế độ thai sản tối thiểu 10 ngày

Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần tăng số ngày nghỉ chế độ thai sản với lao động nam lên tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp người vợ sinh con thông thường và có thể gấp đôi đối với những trường hợp sinh đôi trở lên, hoặc phải phẫu thuật...

Đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 7 tới. 

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một dự án luật rất khó, có tác động lớn đến đời sống của người dân cũng như đến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, có nhiều nội dung phức tạp, chuyên môn sâu, mang tính xã hội cao.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án luật. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

 Tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật. Các nội dung cụ thể tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đã được Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo đầy đủ trong dự thảo báo cáo về Luật này.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 diễn ra vào cuối tháng 3/2024. 

Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật tiếp tục hoàn thiện các ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng trước khi trình Quốc hôi xem xét tại kỳ họp thứ 7.

Nên thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau với những trường hợp con dưới 16 tuổi

Để hoàn thiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đóng góp một số ý kiến sau:

Về chế độ ốm đau: Tại khoản 2 Điều 43 và khoản 1 Điều 45 quy định "người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm con dưới 7 tuổi ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh. Thời gian hưởng chế độ cho con ốm đau trong 1 năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày nếu con dưới 3 tuổi, tối đa 15 ngày nếu con từ đủ 3 tuổi đến 7 tuổi".

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được các đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 trước khi trình Quốc hội tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 7 tới.

Đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị quy định thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau với những trường hợp con dưới 16 tuổi hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 44 của luật này. Lý do, Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi và trên thực tế khi con ốm thường bố mẹ vẫn phải nghỉ để chăm sóc, thậm chí có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nan y mãn tính hoặc nằm viện cha mẹ cũng phải nghỉ việc để chăm sóc con.

Tăng số lần đi khám thai lên tối thiểu 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần

Về chế độ thai sản: Thứ nhất, khoản 1 Điều 53, trong thời gian mang thai lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa 2 ngày cho 1 lần tránh thai. 

Đóng góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị nghiên cứu tăng số lần đi khám thai lên tối thiểu 5 lần, số lần có thể nhiều hơn 5 lần đối với trường hợp có chỉ định của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh. 

Trên thực tế khi người lao động mang thai bình quân theo chỉ định của bác sĩ cứ mỗi tháng người lao động đi khám thai một lần, chưa kể những tháng cuối hoặc là những người mang thai bệnh lý để theo dõi sự phát triển bình thường của thai nhi. Vì vậy, nếu chỉ quy định người lao động nữ được khám thai 5 lần trong thai kỳ thì sẽ có nhiều lần lao động nữ phải xin nghỉ phép hoặc nghỉ không lương để đi khám thai.

Cần tăng số ngày được nghỉ cho lao động nam khi vợ sinh con

Thứ hai, tại khoản 2 Điều 55 lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian 5 ngày làm việc với trường hợp sinh thường, 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.

Tại điểm d quy định trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật được nghỉ 14 ngày làm việc. Từ sinh 3 trở lên phải phẫu thuật, cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. 

Đối với nội dung này, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị nghiên cứu tăng số lần nghỉ lên tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp thông thường và cao hơn có thể gấp đôi đối với những trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh con phải phẫu thuật để đảm bảo tính trách nhiệm và tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm con nhỏ.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người cha đề nghị tăng lên trong vòng 6 tháng kể từ ngày vợ sinh con để có thể hỗ trợ cho người mẹ chăm con sau khi hết thời gian nghỉ thai sản của người mẹ. 

Hơn nữa, thực tế hiện nay tại khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất, đa số các cặp vợ chồng trẻ sống xa gia đình, không có sự hỗ trợ của người thân khi sinh con nên rất cần có sự hỗ trợ của người chồng.

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản

Thứ ba, tại khoản 2 Điều 55 người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc chỉ được hưởng trợ cấp một lần quy định tại Điều 60 của luật này. Đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị quy định người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản giống như những trường hợp sinh con thông thường. 

Bởi bản chất của chế độ thai sản là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi phải chăm con và được chi trả trên nguyên tắc đóng hưởng. Nếu lao động đã đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định phải được hưởng công bằng cho các trường hợp khác. Điều này xuất phát từ quyền lợi của đứa trẻ và mâu thuẫn với khoản 6 Điều 55 của luật này. 

Đó là trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 55./.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2907 Tổng lượt truy cập 94780678