Để những yêu thương được nhân lên

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 360.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 144.887 trẻ em dưới 6 tuổi; có 3.214 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 12.885 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, chăm sóc toàn diện. Chính tình yêu thương của người thân, của cộng đồng sẽ dần lấp đầy khoảng trống, khoảng thiếu hụt với những trẻ em kém may mắn; đó chính là “điểm tựa” để các em lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc, giúp các em vơi đi khó khăn, tạo điều kiện để các em hình thành nhân cách, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cùng đoàn công tác tặng quà 1/6 cho trẻ em Trường Mầm non Hạ Long. Ảnh: Mai Hương

Hành trình kết nối yêu thương

Mồ côi cha từ khi mới 8 tuổi, sau đó mẹ em cũng bỏ đi, Vũ Ngọc Anh (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) được bà ngoại nuôi nấng. Cuộc sống của Ngọc Anh cứ êm đềm trôi dưới sự chăm sóc, yêu thương, bảo ban của bà ngoại. Hai bà cháu nương tựa vào nhau bằng nguồn trợ cấp người cao tuổi ít ỏi. Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng Ngọc Anh vẫn luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống và dành được nhiều thành tích tốt trong học tập. Hiện nay Ngọc Anh đang là học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Uông Bí).

Vũ Ngọc Anh, học sinh trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP Uông Bí) đoạt giải nhất cuộc thi viết câu chuyện truyền cảm hứng trong chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Thấu hiểu hoàn cảnh của Ngọc Anh, thầy cô, bè bạn và bà con hàng xóm nơi em sinh sống thường xuyên ở bên động viên, giúp đỡ hai bà cháu. Tuy nhiên, bên cạnh những thiếu thốn về vật chất, Ngọc Anh luôn mong mỏi, khát khao tình yêu thương của cha mẹ. Và niềm hạnh phúc như được vỡ òa, khi năm 2022 Ngọc Anh được các bác, các cô là hội viên Chi hội Phụ nữ chợ Trung tâm TP Uông Bí nhận làm mẹ đỡ đầu đến khi em tròn 18 tuổi. Vậy là sau rất nhiều năm, Ngọc Anh lại có mẹ, những người mẹ đặc biệt, không sinh ra em, nhưng lại dành cho em rất nhiều yêu thương.

Vũ Ngọc Anh hạnh phúc chia sẻ: Chương trình mẹ đỡ đầu đã mang lại cho em những mẹ tuyệt vời, tiếp thêm cho em sức mạnh để viết tiếp ước mơ về một tương lai tươi sáng, giúp em có sự quyết tâm, nghị lực để vượt lên số phận của chính mình, trở thành con ngoan, trò giỏi để không phụ lòng của các mẹ.

Vũ Ngọc Anh được Chi hội phụ nữ Chợ Trung tâm TP Uông Bí nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi.

Thời gian qua, Hội LHPN TP Uông Bí là đơn vị thực hiện thí điểm chương trình “Mẹ đỡ đầu” ngay từ khi mới phát động; trong đó tháng 4/2022, mô hình “Mẹ đỡ đầu” do Chi hội Phụ nữ khu 3 (phường Quang Trung) được ra mắt đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Chi hội nhận đỡ đầu em Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 2007, phường Quang Trung), có bố mất sớm do tai nạn giao thông, mẹ làm tạp vụ, thu nhập không đủ nuôi con ăn học. Nguyễn Thị Minh Tâm được Chi hội Phụ nữ khu 3 nhận đỡ đầu đến năm 18 tuổi.

Nguyễn Đức Hào (SN 2017) là trẻ mồ côi mẹ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Bắc Sơn (TP Uông Bí) được bà Lương Thị Thúy Ngân (TX Quảng Yên) nhận đỡ đầu.

Bà Ngô Thị Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu 3 (phường Quang Trung) cho biết: Ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của hội phụ nữ cấp trên, chi hội đã rà soát và quyết định làm mẹ đỡ đầu, hỗ trợ cháu Nguyễn Thị Minh Tâm. Chi hội đã có được nguồn thu thường xuyên từ hoạt động phân loại rác thải và vận động một số nhà hảo tâm để duy trì hoạt động hỗ trợ này. Những năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ thêm nhiều cháu nữa, không chỉ trên địa bàn của khu, mà trên địa bàn phường, thành phố.

Để chương trình "Mẹ đỡ đầu" đạt hiệu quả, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đến 100% cơ sở hội, chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi bằng các hình thức: Nhận đỡ đầu trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, hoặc nhận đỡ đầu gián tiếp thông qua các cấp hội.

Hội LHPN tỉnh biểu dương mẹ đỡ đầu tiêu biểu trong triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Năm 2022 từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các đơn vị đã kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 295 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh với số tiền trên 1,7 tỷ đồng. Trong đó cán bộ, hội viên phụ nữ nhận đỡ đầu 18 trẻ; các nhà hảo tâm, doanh nghiệp nhận đỡ đầu 169 trẻ. Năm 2023 các cấp hội phụ nữ đăng ký nhận đỡ đầu 60 trẻ mồ côi. Đến hết tháng 5/2023, hội đã kết nối, nhận đỡ đầu 38 trẻ, nâng tổng số 333 trẻ được nhận đỡ đầu thông qua chương trình.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Vũ Thu Hòa cho biết: Điểm đặc biệt của chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho trẻ về vật chất, mà còn gắn kết, phát huy đặc điểm về thiên chức giới, đó là vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong gia đình. Những cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm thông qua chương trình sẽ luôn đồng hành cùng trẻ trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách, đến khi trẻ trưởng thành. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát động chương trình rộng rãi hơn nữa, để từ đó cùng chung tay với các cấp chính quyền quan tâm, chăm lo và bảo vệ trẻ em, để trẻ phát triển một cách toàn diện.

Dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 360.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 144.887 trẻ em dưới 6 tuổi; có 3.214 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 12.885 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, chăm sóc toàn diện. 

Lãnh đạo Công an tỉnh, huyện Vân Đồn trao hỗ trợ cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Vân Đồn. Ảnh: Quốc Xã (Công an tỉnh)

Trung bình mỗi năm, tỉnh dành khoảng 1% tổng chi thường xuyên từ ngân sách của tỉnh để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Giai đoạn 2012-2021, ngân sách tỉnh đã bố trí 1.655,104 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện bố trí 38,601 tỷ đồng để thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Bên cạnh đó, vận động xã hội hóa nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm với tổng giá trị 248,825 tỷ đồng.

Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Các chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện.

Các cơ sở y tế từ tỉnh đến địa phương cũng tích cực thực hiện những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến lược dinh dưỡng quốc gia trên địa bàn tỉnh. Ở cấp tỉnh hiện có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ở cấp huyện, xã, 100% xã đều có cán bộ chuyên trách phòng chống suy dinh dưỡng và cộng tác viên dinh dưỡng…

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức chương trình "Vì ánh mắt trẻ thơ" hỗ trợ kinh phí phẫu thuật mổ mắt cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đối với trẻ dưới 5 tuổi giảm liên tục trong nhiều năm. Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân ở trẻ em là 11,89%, thấp hơn so với mức bình quân của cả nước là 13,8%, song vẫn còn cao so với mức độ phát triển KT-XH của tỉnh và có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Hiện vẫn còn hàng nghìn trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và thể nhẹ cân, tập trung chủ yếu ở các huyện, xã miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Từ đó, đã có giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, kiến thức, hành vi của phụ nữ và nhân dân về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, góp phần cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em miền núi, vùng đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần phòng chống tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11% vào năm 2025 theo mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy và xuống dưới 17% đối với thể thấp còi theo mục tiêu kế hoạch của tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, tỉnh sẽ chi hơn 8 tỷ đồng từ NSNN để triển khai các hoạt động nhằm cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em ở 64 xã thuộc 8 địa phương gồm: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn và 16 xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức cao nhất trong tỉnh hiện nay gồm: Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long); Điền Xá, Hải Lạng, Hà Lâu, Phong Dụ (huyện Tiên Yên); Đạp Thanh, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ); Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động (huyện Bình Liêu); Vạn Yên (huyện Vân Đồn); Quảng An, Quảng Lâm (huyện Đầm Hà); Quảng Sơn, Quảng Đức (huyện Hải Hà).

Cho trẻ uống vitamin A tại Trạm Y tế phường Yên Thanh (TP Uông Bí). Ảnh: Hoài Minh

Để trẻ em được chăm sóc, học tập, vui chơi, đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, Tỉnh Đoàn cũng là đơn vị luôn ưu tiên dành nhiều nguồn lực chăm lo bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là những trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Phương Thảo, các hoạt động chăm lo cho trẻ em tiếp tục được đổi mới, sáng tạo; khuyến khích các em thi đua học tập tốt bằng nhiều sân chơi trí tuệ; đẩy mạnh xây dựng trường học thân thiện, các mô hình, hoạt động rèn luyện năng khiếu, ươm mầm tài năng... từ đó giúp các em được học tập, vui chơi an toàn trên mọi phương diện.

Đoàn Thanh niên Sở Y tế tổ chức khám sàng lọc tim bẩm sinh cho trẻ em tại xã Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn).

Tiêu biểu như trong Ngày cao điểm chiến sĩ tình nguyện vì đàn em thân yêu (tháng 6/2023), tuổi trẻ Quảng Ninh đã đồng loạt ra quân tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho thiếu nhi; trong đó, tập trung vào 3 nội dung chính là: Tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, trải nghiệm sáng tạo, trang bị kỹ năng cho thiếu nhi; tổ chức hoạt động bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ thiếu nhi; xây dựng các công trình, phần việc “Vì đàn em thân yêu”.

Theo đó, các cấp bộ đoàn đã huy động được hơn 200 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng 5 công trình sân vui chơi cho thiếu nhi với tổng trị giá trên 600 triệu đồng; tổ chức hơn 50 hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em; tổ chức các hoạt động thăm, khám bệnh; lớp học kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng...

Thành Đoàn Hạ Long đã trao 1 công trình sân vui chơi tại công viên Lán Bè trị giá 150 triệu đồng, 4 công trình sân vui chơi tại các phường, xã: Giếng Đáy, Hà Khánh, Hùng Thắng, Đồng Sơn; tiếp nhận 100 suất học bổng học tiếng Anh của Trung tâm Ames trị giá hơn 700 triệu đồng. Huyện Đoàn Tiên Yên phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức trao tặng 10 góc học tập, 25 phần quà cho trẻ em, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; khám sàng lọc, tư vấn các bệnh về mắt cho hơn 300 trẻ em, học sinh và nhân dân trên địa bàn xã Đông Ngũ. Đoàn Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cũng trao tặng 20 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tổng trị giá 10 triệu đồng tại xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô)...

Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em trên địa bàn.

Trao yêu thương sẽ nhận lại được niềm vui, hạnh phúc. Không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là với trẻ em, nhất là trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn, trẻ em bị thiệt thòi do khuyết tật, do mồ côi cha mẹ... Và chúng ta hãy cùng chung tay góp sức để không trẻ em nào không có nụ cười, không có tuổi thơ và không có tương lai phát triển.

Theo Vân Anh/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12619 Tổng lượt truy cập 91877787