Đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện
Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số là nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. Cùng với những chủ trương, giải pháp phù hợp, Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” sẽ là động lực cho khát vọng phát triển Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng; mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Trung tâm điều hành thành phố thông minh Quảng Ninh kết nối hệ thống camera giám sát đến các trường học trong tỉnh.
Từ năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã "đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong cả hệ thống chính trị trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh. Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, đột phá, sáng tạo, đến nay tỉnh đã bứt phá trong cải cách hành chính, trở thành điểm sáng về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Đến nay, chính quyền điện tử Quảng Ninh đã trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Chính phủ điện tử. Nền hành chính được hiện đại hóa; TTHC được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Đến nay 100% TTHC được cung cấp trực tuyến, trong đó 70% dịch vụ công mức độ 4. Mô hình thành phố thông minh đã đạt được kết quả bước đầu ở một số lĩnh vực, như y tế thông minh, giáo dục thông minh, môi trường thông minh... mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước. Thương hiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh được tạo dựng vững chắc với thứ hạng các bộ chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI dẫn đầu cả nước.
Các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp của tỉnh cũng có nhiều cách làm mới, nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Thiết bị, Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Bên cạnh hệ thống hiện vật, Bảo tàng Quảng Ninh hiện chú trọng đầu tư ứng dụng KHCN vào phục vụ công tác trưng bày với trên 50 màn hình ti vi, Led, cảm ứng tra cứu thông tin các loại cùng một trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị. Bảo tàng Quảng Ninh cũng là bảo tàng tiên phong trong nước xây dựng bảo tàng ảo, sử dụng công nghệ 3D để không gian trưng bày hấp dẫn như không gian thực. Với bảo tàng ảo, du khách có thể tham quan từ xa mà không phải đến tận nơi. Với ưu điểm này, Bảo tàng Quảng Ninh vẫn duy trì được mối quan hệ và sự hiện diện với du khách ngay cả khi phải đóng cửa do dịch bệnh.
Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, như: Kinh tế số mới chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh; hạ tầng CNTT, viễn thông vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ; doanh nghiệp CNTT và truyền thông mỏng, chỉ chiếm 4,7% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; thiếu các doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp CNTT - truyền thông (ICT). Cùng với đó, kỹ năng số của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, bộ chỉ số chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh mới đạt 429,47 điểm/800 điểm (54%), trong đó chính quyền số 234,31/320 điểm (73%), kinh tế số 85,42/240 điểm (36%), xã hội số 109,74/240 điểm (46%)...
Vì vậy, Nghị quyết số 09-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy được ban hành có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cả hệ thống chính trị, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đây cũng là động lực để xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột: Thiên nhiên - văn hóa - con người, để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và chủ quyền số quốc gia. Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm các địa phương trong nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; đi đầu trong chuyền đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đối số toàn diện cấp tỉnh.
Bảo tàng Quảng Ninh bố trí không gian trưng bày, tham quan đặc sắc thông qua hệ thống màn hình Led lớn và hệ thống máy chiếu 3D hiện đại.
Để tạo những bước đi vững chắc, tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm đem lại hiệu quả chuyển đổi số cao nhất, Nghị quyết số 09-NQ/TU đưa ra quan điểm cụ thể là lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là con đường ngắn nhất để tạo đột phá phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản: Đến hết năm 2022, 100% người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và có kỹ năng số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và ra quyết định. Đến hết năm 2023, hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Từ năm 2024, 100% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC ở cả 3 cấp được số hóa để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử… Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%…
Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết này đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Ông Phan Văn Phúc, Phó Giám đốc VNPT Quảng Ninh, khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, VNPT cam kết dùng mọi nguồn lực và phát huy hết khả năng, thế mạnh, hợp tác toàn diện với tỉnh trong tiến trình chuyển đổi số. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, VNPT sẽ đồng hành cùng tỉnh trong việc phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới, hoàn thiện chức năng của Trung tâm điều hành thông minh IOC của tỉnh; nâng cao chất lượng hạ tầng mạng truyền số liệu cho UBND tỉnh, đáp ứng đầy đủ và đồng bộ khi triển khai các ứng dụng CNTT của chính quyền số.
Các cấp ngành, địa phương đang chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU. Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu, hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cùng sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ là những yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công trong chuyển đổi số của Quảng Ninh.
Tin tức khác
- Quyết tâm, đồng lòng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố
- Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
- Thông báo kết quả kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Phường Nam Khê (TP Uông Bí) được công nhận là vùng “An toàn dịch bệnh động vật”
- Cụm công đoàn khu vực thành phố Uông Bí sơ kết công tác phối hợp năm 2024
- Tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách
- Chưa ghi nhận thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân của trận động đất tại Tây Tạng (Trung Quốc)
- Công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ lật phà tại Hàn Quốc
- Ngày 10/1, Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có nơi dưới 5 độ C