Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định số 114-QĐ/TW). Vào thời điểm hiện nay, các ngành, địa phương đang tiến hành rà soát xây dựng quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới, quy định này là bước siết chặt hơn nữa quy trình công tác cán bộ, đặt ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm lựa chọn được những cán bộ thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Ảnh minh họa: Cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. (Ảnh: TTXVN)

Xác định rõ hơn, nhận diện cụ thể hơn để phòng ngừa hiệu quả

Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại các hội nghị cũng nhiều lần khẳng định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Để bảo đảm việc tuyển chọn cán bộ thực chất, đúng người, đúng vị trí, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung ương đã ban hành nhiều quy định liên quan công tác cán bộ, hệ thống thành một quy trình chặt chẽ.

Cùng với đó, vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng được Trung ương đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt từ nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII, vấn đề này được nhìn nhận với tư duy và nhận thức mới.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền được coi là dấu mốc quan trọng, bởi đây là lần đầu tiên Đảng ta xác định công tác cán bộ có thể hình thành nên một loại quyền lực cần được kiểm soát. Cũng tại quy định này, lần đầu các hành vi “chạy chức, chạy quyền” và bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền” gắn liền với công tác cán bộ được Đảng chỉ rõ.

Đại hội XIII xác định nhiệm vụ: Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Cụ thể hóa nhiệm vụ này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản mới liên quan đến công tác cán bộ, góp phần tích cực kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và gần đây nhất là Quy định 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023, của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Quy định 114-QĐ/TW được ban hành thay thế Quy định 205- QĐ/TW, do đó có sự kế thừa, phát triển, bổ sung những nội dung để đồng bộ với các quy định mới cũng như tình hình hiện nay về công tác cán bộ.

Ở quy định này, quyền lực trong công tác cán bộ được chỉ rõ hơn, đầy đủ hơn, gồm các thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong tất cả khâu liên quan đến công tác cán bộ như: Tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển, cho thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức…

Về các hành vi có nguy cơ làm tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ, làm sai quy trình công tác cán bộ, Bộ Chính trị gọi chung là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, bao gồm các hành vi chạy chức, chạy quyền, hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn và những hành vi tiêu cực khác.

Bộ Chính trị quy định rõ không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ở đây, các hành vi được nhận diện vừa bao quát hơn, vừa cụ thể hơn, đồng thời có tính mở để tiếp tục được cụ thể hóa tùy theo tình hình thực tiễn. Thực tế cho thấy, đối với những hành vi vi phạm ở bất kỳ lĩnh vực nào, càng được nhận diện rõ thì càng dễ phòng ngừa, càng quy định cụ thể thì càng dễ kiểm soát.

Đáng chú ý, ngoài việc nêu rõ những đối tượng trực tiếp có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ, Quy định 114-QĐ/TW còn chỉ ra cụ thể những người có quan hệ gia đình, được coi là những đối tượng gián tiếp liên quan đến công tác cán bộ.

Bộ Chính trị quy định rõ không được bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan gồm: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan đơn vị. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương... Đây cũng chính là một biện pháp nhận diện nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn quy trình, bịt những kẽ hở có thể dẫn đến nguy cơ tha hóa quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực.

Như vậy có thể thấy, quy định mới đã phản chiếu những bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện công tác cán bộ và vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thời gian qua. Về vấn đề này, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nhận định: Thực tiễn cho thấy, quyền lực trong công tác cán bộ ở nước ta nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ.

Việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí có biểu hiện vi phạm theo từng mức độ khác nhau. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng “chạy chức, chạy quyền” có cơ hội nảy sinh và diễn biến phức tạp.

Tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.

Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Việc phân công, phân cấp, phân quyền có nơi, có lúc chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm. Công tác kiểm tra, giám sát chưa có giải pháp hữu hiệu để kịp thời giải quyết triệt để những tiêu cực trong công tác cán bộ; một số chế tài xử lý khi có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ còn thiếu cụ thể và mạnh mẽ, cho nên chưa phát huy tác dụng ngăn chặn, răn đe.

Bởi vậy, theo đồng chí Mai Văn Chính, việc Đảng ta dành sự quan tâm sâu sắc đến nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay là điều tất yếu, vì quyền lực trong công tác cán bộ luôn có hai mặt. Một mặt, đó là công cụ hữu hiệu bậc nhất ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ; mặt khác, quyền lực trong công tác cán bộ luôn đứng trước nguy cơ tha hóa, nếu không có sự kiểm soát hiệu quả.

Khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn tới sự lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ, là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ cần những giải pháp đồng bộ và tổ chức thực hiện nghiêm minh. TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng: Công tác cán bộ ở nước ta liên quan đến trách nhiệm của nhiều thiết chế, cơ quan, người có thẩm quyền, như trách nhiệm của các tổ chức, cấp ủy đảng ở cả Trung ương và địa phương, của người có thẩm quyền quyết định trong công tác cán bộ, của bộ phận tham mưu, của tập thể người lao động khi bỏ phiếu tín nhiệm liên quan đến công tác cán bộ...

Vì vậy, trong hoạch định chính sách, pháp luật cần quy định cụ thể phạm vi trách nhiệm của từng thiết chế, từng người có thẩm quyền, nhất là người đứng đầu, người có thẩm quyền quyết định trong công tác cán bộ; quy định rõ phương thức, cách thức kiểm soát giữa các thiết chế, cơ quan, người có thẩm quyền trong việc bảo đảm tính khách quan, trung thực, tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện các bước, các quy trình, ra các quyết định về công tác cán bộ.

Thực tế thời gian qua cho thấy, văn kiện của Đảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong quản lý nhà nước, trong công tác cán bộ để phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực, song việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do việc phân cấp về thẩm quyền, trách nhiệm mới được quy định mang tính nguyên tắc chung, nên không ít trường hợp đã bỏ lọt trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.

Có thể thấy Quy định 114-QĐ/TW đã quan tâm khắc phục vấn đề này với việc dành toàn bộ Chương III gồm 7 Điều nêu rõ ràng, đầy đủ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu và của từng thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tham mưu, của cán bộ tham mưu; trách nhiệm của nhân sự...

Qua đó mỗi chủ thể có thể dễ dàng xác định những nội dung công việc cần phải làm và phải kiểm soát cho hiệu quả. Cùng với đó, Quy định còn nhấn mạnh hơn vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan dân cử; trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân trong việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Để thực hiện hiệu quả Quy định 114-QĐ/TW, Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo của địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt và căn cứ tình hình thực tiễn cụ thể hóa theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm quy định này; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát và hằng năm báo cáo cấp trên trực tiếp kết quả thực hiện.

Mới đây, tại Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định mới được ban hành do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, nhiều ý kiến của các đồng chí lãnh đạo địa phương đều cho rằng quy định mới là khung pháp lý rất quan trọng và khẳng định quyết tâm trong việc tổ chức thực hiện, từ khâu quán triệt, đến việc cụ thể hóa các quy định phù hợp với thực tiễn địa phương, đồng thời tăng cường rà soát đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát quy trình công tác cán bộ trong từng khâu.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: Trong những nhiệm kỳ gần đây, nhất là từ khi ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ.

Việc triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW đã từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với rất nhiều thời cơ và thách thức luôn đan xen, đòi hỏi cán bộ các cấp phải có tài, có đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của đất nước, vì cuộc sống của nhân dân.

Đối với Quy định số 114-QĐ/TW, việc thực hiện khó vì liên quan đến con người, động chạm đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mỗi cán bộ. Vì vậy, để thực hiện tốt, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp cần tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Quy định theo phạm vi chức trách; trong quá trình tổ chức thực hiện cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, khi phát hiện dấu hiệu bất bình thường, có dư luận bức xúc thì kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định.

Trong thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tập trung tham mưu xây dựng quy định về thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ; quy định đối với cán bộ trẻ, cán bộ có năng lực nổi trội; quy định về phát hiện, bố trí, sử dụng nhân tài… để bổ sung cho việc thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW, bảo đảm các quy định ngày càng tiến bộ, thực chất, đáp ứng yêu cầu cao hơn của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Có thể thấy, cùng với việc không ngừng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nước nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, Đảng ta ngày càng quyết tâm cao phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bởi cán bộ là gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với rất nhiều thời cơ và thách thức luôn đan xen, đòi hỏi cán bộ các cấp phải có tài, có đạo đức cách mạng, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của đất nước, vì cuộc sống của nhân dân.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Quy định 114-QĐ/TW và các quy định của Đảng về công tác cán bộ sẽ được thực hiện quyết liệt nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược thật sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ như Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 11105 Tổng lượt truy cập 94796442