Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Không để công việc trì trệ vì sợ trách nhiệm

Dưới bút danh Người xây dựng, bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, số tháng 11/1973 với tiêu đề “Bệnh sợ trách nhiệm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được đăng lại trong cuốn sách của Tổng Bí thư vừa xuất bản, đã đề cập và phân tích sâu sắc “một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, về phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên”.

Công nhân làm việc tại một công trường thi công. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Từ cách đây 50 năm, bài viết đã chỉ rõ, người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động.

Đối với những việc đã có chủ trương rõ ràng rồi cũng vẫn muốn chờ sự hướng dẫn thật chi tiết của cấp trên rồi mới làm… Chính vì thế, bài viết nhận định, thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ.

Những luận bàn trong bài viết vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Tại Phiên họp thứ 23 diễn ra ngày 12/1/2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận định, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai không dám làm, hiệu quả công việc thấp.

Quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tại phiên họp về tình hình kinh tế-xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2023, lãnh đạo thành phố và các chuyên gia đã phân tích, lý giải và chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân đó là sự trì trệ của bộ máy hành chính. Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, nêu rõ thực tế trong thời gian gần đây, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền; có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các bộ, cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương…

Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong công việc được xem là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống nơi công sở. Nếu không được chấn chỉnh kịp thời, tình trạng đó sẽ làm giảm khả năng sáng tạo của cá nhân; mối quan hệ công việc có thể bị phá vỡ, quá trình xử lý công việc bị kéo dài. Điều này gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Do đó, bảo đảm không để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc cần thực hiện đồng bộ những giải pháp, nhằm xây dựng môi trường công sở lành mạnh, cầu thị và lắng nghe. Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nêu gương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích nỗ lực của các cá nhân trong mối quan hệ tập thể; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, xử lý công việc cần “đúng vai, thuộc bài”.

Song song các giải pháp chấn chỉnh nền nếp, tác phong của cán bộ công chức, cũng cần các biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, khích lệ tinh thần tự rèn luyện, phấn đấu cống hiến vì sự nghiệp chung.

NGUYỄN ĐỨC MINH

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 18053 Tổng lượt truy cập 94807417